Theo kế hoạch trình cổ đông, NKG đặt mục tiêu doanh thu thuần 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng, tăng trưởng 38% và 103% so với năm 2020. Kế hoạch này ban đầu được đưa ra trên quan điểm thận trọng, bởi giá thép có biến động cả tăng và giảm, và có tăng thì sẽ có giảm, chắn chắn, ông Vũ nói.
Con số kế hoạch này được NKG ước tính theo giá hợp đồng đã chốt đến khoảng quý 3, công ty cũng đã xây dựng dòng vốn hoạt động cho cả năm và dự phòng sự biến động của giá. Tuy nhiên, theo ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT NKG, đến quý 2, NKG đã có thể đạt được lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng.
Hết quý 1, NKG đã đạt 4.853 tỷ đồng doanh thu thuần và 319 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 53% kế hoạch cả năm.
Dù vậy, khi trả lời cổ đông về diễn biến giá theo cuộn cán nóng, ông Vũ cho rằng, giá thép cuộn cán nóng đã trên 960 USD/tấn tại thị trường châu Á và Việt Nam, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với giá tại thị trường Mỹ, châu Âu.
"Chúng ta sẽ không nhìn giá thép tăng để thực hiện hoạt động đầu cơ tích trữ mà phải tính toán mua hàng trên các cơ sở thận trọng."
Giá thép tăng liên tục vì đang thiếu cung, giá nguyên liệu cũng tăng cao. Nhìn trung và dài hạn, nhu cầu thép đang tốt lên, đặc biệt Mỹ và châu Âu có tình trạng thiếu cung. Hiện nay, có những đơn hàng thép cuộn cán nóng (HRC) đặt giao hàng đến tháng 10-11 mới có. Trên thế giới, các lò cao đã ngưng từ lâu thì việc khôi phục lại rất mất thời gian - càng làm tình trạng thiếu cung trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang siết lại sản xuất, xuất khẩu thép vì vấn đề ô nhiễm môi trường. Nguồn cung thép sẽ không còn dư thừa như trước đây. Trên cơ sở này, thị trường thép nhìn tổng thể vẫn tốt trong dài hạn. Nhưng ngắn hạn, tình hình vẫn còn phụ thuộc vào giá thép bởi giá có tăng thì có giảm.
Nói riêng về NKG có chịu tác động gì về giá HRC tăng mạnh, ông Vũ cho biết, tình hình kinh doanh liên quan đến thép đang rất thuận lợi, nhưng đằng sau đó ai cũng lo về xu hướng giá. NKG có 2 thị trường là xuất khẩu và nội địa. Trong đó, ở thị trường xuất khẩu, khi HRC tăng thì chi phí tăng sẽ truyền tải hết vào giá bán. NKG xác định kỳ hạn bán và mua khớp nhau, do đó chi phí tăng tương ứng sẽ truyền tải ngay tức thời vào giá bán. Các thị trường châu Âu, Mỹ nhu cầu đang khá tốt. Trong khi đó, giá tại các thị rường này còn chênh lệch khá lớn so với giá tại châu Á, do đó NKG có thể chuyển tức thời giá nguyên liệu tăng vào giá bán.
Về thị trường nội địa, có một độ trễ nhất định tuy nhiên không quá chệnh lệch, NKG vẫn đang kiểm soát tương đối tốt.
Năm 2021, NKG đặt kế hoạch sản lượng là 900.000 tấn, nhưng tổng công suất hiện đã nâng được lên mức 100.000 tấn/tháng nhờ áp dụng thành công hệ thống quản trị nguồn lực (ERP). Nằm trong kế hoạch đầu tư, NKG đang triển khai dự án nhà máy ống thép, kho tôn tại Bình Dương, đây là điều kiện bắt buộc để có thể nâng được công suất vận hành tất cả nhà máy, nâng dịch vụ khách hàng, trong khi các nhà máy hiện hữu đang rất chật chội.
Ông Vũ cho biết, NKG đang tăng tối đa năng lực sản xuất nhà máy tôn mạ và nhà máy thực tế đang quá tải, theo đó NKG chỉ có thể cố gắng 1-2 tháng. Về lâu dài, Công ty cần phải sắp xếp lại và sẽ di dời một số khâu ra để nhà máy tôn mạ chỉ sản xuất. Mặt khác, thời gian tới NKG cũng xác định dịch vụ Logistic, kho bãi cực kỳ quan trọng, do đó sẽ cần một diện tích mới để triển khai.
Mới đây, HĐQT cũng vừa thông qua chủ trương nhận chuyển nhượng từ Dae Myung Chemical Co. Ltd toàn bộ 100% vốn điều lệ trong Công ty TNHH Dae Myung Paper Việt Nam.
Theo NKG, mục đích mua lại Dae Myung Paper Việt Nam nhằm sử dụng đất để làm kho và phân xưởng ống thép theo kế hoạch đã được thông qua năm 2020, vốn thực hiện ghi nhận khoảng 250 tỷ đồng.
Ngoài ra, NKG đã và đang tiếp cận thị trường miền Trung nhưng vẫn đang tập trung khai thác thị trường miền Nam là chủ yếu do tăng trưởng ở thị trường này tốt, không phân tán nguồn lực, Tổng Giám đốc NKG chia sẻ.
Nếu tiếp tục thực hiện dự án tại Chu Lai, NKG sẽ thiếu nguyên liệu. Trong khi đó, NKG có kế hoạch sẽ mở rộng ở Bình Dương, và các nhà máy cũ cũng đang hoạt động hết công suất, nên nguyên liệu cũng sẽ không đủ cung cấp ra miền Trung. Do vậy, dự án nhà máy ống thép tại Chu Lai sẽ tạm chậm lại.
Chia sẻ về kế hoạch chuyển nhượng Mỹ Xuân, Vũng Tàu, lãnh đạo NKG cho biết, đang tập trung nguồn lực cho nhà máy hiện tại ở Bình Dương. Nam Kim mua đất trước cho kế hoạch đầu tư do hiện nay đất khu công nghiệp ngày càng hiếm. Giá trị khu đất ở Mỹ Xuân đã tăng gấp 3 so với giá mua, trong tình hình tài chính đang tốt thì doanh nghiệp không vội vàng bán đất.
Năm 2020, NKG đạt 11.614 tỷ doanh thu, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên LNST đạt 295 tỷ - cao gấp 6,3 lần so với năm 2019. Với kết quả đạt được, NKG sẽ chia cổ tức năm 2020 là 10%, trong đó đã tạm ứng 3% bằng tiền mặt, còn lại 7% bằng cổ phiếu; thưởng cổ phiếu 13% từ thặng dư vốn cổ phần. Tổng tỷ lệ cổ tức và thưởng chưa thực hiện là 20% bằng cổ phiếu.
Đồng thời, HĐHCĐ NKG cũng thông qua việc phát hành tối đa 1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), không bị hạn chế quyền chuyển nhượng với giá 10.000 đồng/CP. Đối tượng chào bán là cán bộ quản lý (không bao gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc) của Thép Nam Kim và công ty con, công ty liên kết. Tiêu chí cụ thể, danh sách và số lượng cổ phiếu được mua chi tiết do HĐQT phê duyệt.