2021 là năm khó khăn trên mọi mặt, mọi lĩnh vực, nhưng cũng được cho là cơ hội của những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Nhìn lại năm qua, bà có nhận định gì?
Bà Trần Thị Phương Hồng, Tổng giám đốc TechX |
Khó khăn nhất của doanh nghiệp trong năm qua, theo tôi là việc chuyển mình sao cho phù hợp với thị trường. Những doanh nghiệp có bề dày công nghệ càng cao, thì sự chuyển mình càng nhiều rào cản. Ngược lại, những công ty đang trong tiến trình đầu tư vào công nghệ, thì đây là cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị trường.
Điểm đáng chú ý là công ty Fintech khởi nghiệp ở Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá rất cao Việt Nam, bởi đây là thị trường mới nổi với đặc thù là thói quen của người tiêu dùng có sự thay đổi rất nhanh. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng lớn và là bệ đỡ cho các Fintech khởi nghiệp phát triển.
Dẫu vậy, khủng hoảng bởi đại dịch Covid-19 khiến vấn đề nhân sự của các Fintech khởi nghiệp gặp nhiều vướng mắc và dòng tiền đầu tư gặp rào cản, bởi các thủ tục bị chậm lại. TechX cũng không nằm ngoài làn sóng đó.
Khách hàng của TechX hầu hết là các ngân hàng lớn, nên sự dịch chuyển tương đối chậm, dẫn đến những dự án thường kéo dài hơn, nhưng ở khía cạnh tích cực, điều này giúp chúng tôi đủ thời gian để hoàn thiện bộ máy, năng lực phục vụ thị trường tốt hơn.
Tôi tin rằng, những khó khăn hiện tại đã tạo nền móng vững chắc cho các Fintech khởi nghiệp, trong đó có TechX, trên chặng đường phát triển kế tiếp.
Với gần 20 năm kinh nghiệm, bà luôn được đánh giá cao về chuyên môn trên thị trường Việt Nam, bản lĩnh lãnh đạo vượt trội, được chứng thực ở cả môi trường tập đoàn và công ty khởi nghiệp hiện tại. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn vừa qua, có khi nào bà nghĩ thời điểm khởi nghiệp hình như chưa chuẩn?
Các Fintech đều có ý tưởng, nhưng thời điểm lại quyết định 80% sự thành công. Dịch vụ đám mây không phải là điều gì quá mới mẻ, nhưng việc thành lập TechX vô tình lại rất đúng thời điểm.
Thời điểm TechX ra đời đầu năm 2020, khi các ngân hàng chưa nghĩ đến dịch vụ đám mây, tôi tin chắc các ngân hàng sẽ hướng tới điều này trong thời gian khoảng một năm.
Thế nhưng, đại dịch Covid xuất hiện đầu năm 2020 đã thúc đẩy thị trường, bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng dịch vụ đám mây nhanh hơn và cũng khiến Chính phủ cởi mở hơn trong chính sách về dịch vụ đám mây. Chính vì vậy, gần như ngay lập tức, TechX có thị trường mở và từng bước trở thành công ty duy nhất có đủ năng lực phục vụ khách hàng sẵn sàng dịch chuyển lên đám mây.
Chính những bước phát triển vững mạnh trong thời gian qua đã minh chứng cho tính chính xác về thời điểm thành lập công ty.
Có câu “sứ mệnh của các Fintech khởi nghiệp sinh ra để chết”, bà có băn khoăn về lựa chọn của mình?
Tôi cho rằng, thời điểm hiện tại, bối cảnh đã có những thay đổi so với trước đây. Chẳng hạn, người tiêu dùng bây giờ không đủ kiên nhẫn để điện thoại cho các hãng taxi rồi đợi phản hồi, mà họ sử dụng taxi công nghệ với các thao tác nhanh chóng.
Điều này cho thấy nhu cầu của con người đang thay đổi rất nhanh, đòi hỏi hệ sinh thái phải đáp ứng được từng mong muốn của người dùng. Do vậy, có thể trước đây sứ mệnh các Fintech khởi nghiệp “sinh ra là để chết”, nhưng bây giờ sinh ra phải là để giải quyết các nhu cầu nhỏ nhất vốn đã có trên thị trường.
Việt Nam là thị trường rất năng động, do đó sự tồn tại và phát triển của các công ty Fintech khởi nghiệp phụ thuộc chính vào tính duy nhất. Nếu sản phẩm giống các công ty Fintech khác thì khả năng tồn tại rất thấp.
Do đó, sản phẩm không chỉ cần khác biệt, mà phải là duy nhất, phục vụ khách hàng giải quyết từ những vấn đề nhỏ nhất. Bởi khi vấn đề càng nhỏ mà giải quyết được, thì vấn đề sẽ mịn hơn và thể hiện được tính duy nhất hơn.
Bên cạnh đó, các Fintech khởi nghiệp thường rất trẻ, năng động, được đầu tư bởi những doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính lớn để tạo ra sự sáng tạo, rồi phục vụ ngược lại cho thị trường. Do vậy, Fintech khởi nghiệp sẽ sống, chắc chắn sẽ sống nếu lựa chọn cho mình một con đường, một vấn đề cụ thể hoặc duy nhất.
Vậy, TechX định vị mình ở đâu trong bức tranh Fintech khởi nghiệp Việt?
Như tôi đã đề cập, Fintech khởi nghiệp sẽ sống nếu chọn con đường duy nhất và TechX đi theo đúng con đường như vậy. Công ty được thành lập trên một ý tưởng mà tới nay chúng tôi vẫn sống với ý tưởng đó hàng ngày, đều đặn như hơi thở và điều chỉnh nhịp thở tuỳ theo sự thay đổi xung quanh.
Hiện tại, thế giới đã thay đổi, không còn triển khai sản phẩm từ con số 0, mà tận dụng sự phát triển rất nhanh của hệ thống sẵn có để tạo ra sản phẩm trên nền tảng này, thay vì mất một năm như trước đây.
Đến thời điểm hiện tại, TechX tạo ra một sản phẩm trong không quá ba tháng để giải quyết các bài toán rất nhạy cảm của khối khách hàng ngân hàng, tài chính… Vì độc nhất, hiện tại TechX không có đối thủ cạnh tranh trên cùng phân khúc.
TechX được các tổ chức lớn trên thế giới nhìn nhận là công ty rất sáng tạo về mô hình kinh doanh, sản phẩm; là đối tác duy nhất phục vụ phân tích dữ liệu ở trên thị trường Việt Nam, dịch chuyển hệ thống truyền thống của các ngân hàng lên Amazon Web Services (AWS).
Con người là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của một doanh nghiệp, đối với Fintech khởi nghiệp như TechX, việc giải bài toán giữ chân nhân sự như thế nào?
TechX đặt mục tiêu lựa chọn được nhà đầu tư hoặc đối tác chiến lược trong quý I/2022 và kế hoạch rất thách thức với việc tăng trưởng 200% so với năm tài chính 2021.
Việc TechX được thành lập đến từ thực tế là AWS trở nên nổi tiếng chỉ sau 7 năm thành lập và niềm tin không một chút nghi ngờ có thể làm được như AWS giúp TechX ra đời. Với 7 cổ đông sáng lập xây dựng công ty cùng 100 nhân viên và hầu hết đều từ con số 0. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều nỗ lực liên tục, nên chỉ trong 6 tháng, TechX trở thành đối tác cao cấp của AWS.
100 nhân viên sau một thời gian còn lại 80 con người phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh, môi trường của TechX. Số lượng nhân viên không tăng trong khoảng thời gian cao điểm dịch bệnh, nhưng năng suất lao động tăng lên gấp 4. Đó chính là tài sản lớn nhất của TechX sau 2 năm thành lập.
Để tạo ra được những con người như thế, mỗi cá nhân khi vào TechX được luân phiên đào tạo 3 tháng trong ba lĩnh vực là kỹ sư dịch vụ trên nền tảng AWS, phân tích dữ liệu, mô hình kinh doanh để biết thế mạnh của mình ở đâu, sau đó chọn một lĩnh vực để phát triển năng lực cá nhân.
Điểm khác biệt là TechX có môi trường mở, các nhân viên được thể hiện chính kiến của bản thân, không có đúng hay sai. Bởi sự khác biệt đến từ hành vi không thông thường của xã hội lại tạo ra những sản phẩm sáng tạo và duy nhất. Những ý tưởng ban đầu được điều chỉnh hàng ngày để trở thành một sản phẩm hiện thực phù hợp.
Bằng cách đó, nên khi sản phẩm ra mắt, có khi chỉ giống ý tưởng ban đầu 10%, nhưng điều đó không quan trọng, mà quan trọng là cuối cùng chúng tôi tạo ra một thương vụ kinh doanh. Những yếu tố này khiến những thành viên của TechX rất gắn kết với nhau.
Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ tại TechX rất cạnh tranh, thậm chí còn cạnh tranh hơn các công ty nước ngoài.
Năm 2020, bà được Channel Asia vinh danh là đại diện duy nhất Việt Nam thắng giải Ngôi sao sáng (Shining Star) của giải Women in ICT Awards khu vực châu Á. Giải thưởng chắc hẳn đã có tác động tích cực đến hoạt động của Công ty…?
Giải thưởng này đánh giá kết quả của cá nhân đóng góp cho thị trường là gì, đóng góp cho chính doanh nghiệp mình đang dẫn dắt là gì và đóng góp cho sự phát triển công nghệ chung như thế nào. Sau khi nhận giải thưởng, TechX đã có thêm rất nhiều khách hàng ở Mỹ, châu Âu mà trước đó không biết TechX là gì. Bên cạnh đó, hàng loạt nhà đầu tư ở thế giới đầu tư vào TechX.
Đây là vinh dự của một tập thể và cá nhân, nhưng điều có ý nghĩa hơn là đối với thị trường nội địa, TechX trở thành đối tác lớn của HDBank, VietinBank, MSB, Tập đoàn Sovico… và được đánh giá ngang hàng với các công ty dịch vụ toàn cầu. Tôi nghĩ, đây mới là yếu tố truyền cảm hứng cho các Fintech khởi nghiệp Việt.