Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

CEO Standard Chartered Việt Nam: “Tin tưởng vào một hành trình dịch chuyển công bằng”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới hiện nay phải đối mặt. Standard Chartered tin tưởng vào một hành trình dịch chuyển công bằng mang lại lợi ích cho con người và hành tinh của chúng ta”, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ với Đặc san Ngân hàng.

Hiện có nhiều phương pháp áp dụng khung ESG (E-Environment: Môi trường, S-Social: Xã hội và G-Governance: Quản trị) khác nhau, quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?

Đúng là đang có nhiều phương pháp áp dụng khung ESG, đối với tôi, vai trò của khung ESG với phát triển bền vững đó sẽ là:

Thứ nhất, đầu tư có trách nhiệm, đánh giá một loạt các yếu tố ESG tác động đến lợi nhuận tài chính. Đầu tư có trách nhiệm thường bao gồm việc tập trung vào các chủ đề thiết yếu nhất đối với một ngành nghề. Việc đầu tư này sử dụng thông tin ESG trong việc ra quyết định.

Thứ hai, đầu tư bền vững hay đầu tư có ảnh hưởng, tìm cách kết hợp lợi nhuận tài chính với các kết quả có đạo đức. Điều này có thể bao gồm các khoản đầu tư có đạo đức hoặc xanh và có thể chỉ tập trung vào các vấn đề môi trường hoặc kết quả đầu tư như đóng góp cho các Mục tiêu Phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) của Liên hợp quốc như một ưu tiên cùng với lợi nhuận tài chính.

SDGs là khuôn khổ cho chương trình nghị sự phát triển toàn cầu do Liên hợp quốc dẫn đầu và được các thành viên Liên hợp quốc thông qua, gồm 17 mục tiêu cần đạt được từ năm 2015 đến năm 2030, với tầm nhìn chấm dứt nghèo đói, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng.

SDGs rất quan trọng cho sự phát triển bền vững và là trọng tâm để thế giới đẩy nhanh các kỳ vọng chung về quá trình chuyển đổi công bằng. Để đạt được những mục tiêu này, đòi hỏi phải có hành động từ các chính phủ, khối doanh nghiệp tư nhân, hành chính dân sự và các cá nhân. Doanh nghiệp và nhà đầu tư được khuyến khích điều chỉnh chiến lược của mình để góp phần thực hiện SDGs. Các ngân hàng được khuyến khích tăng nguồn tài chính để hỗ trợ SDGs.

Tại Ngân hàng Standard Chartered, chúng tôi nhận thấy nguồn động lực của các nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng và người tiêu dùng đang muốn đầu tư, mua hàng, hợp tác với các công ty chứng minh được rằng họ đang hỗ trợ phát triển bền vững và SDGs thông qua hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình.

Qua quá trình hoạt động kinh doanh của mình, bà có cho rằng ESG là xu hướng chủ đạo đối với các nhà đầu tư?

Có thể nói rằng, đầu tư vào ESG hiện là xu hướng chủ đạo đối với các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư, bao gồm cả các nhà quản lý tài sản, có xu hướng xem xét tính bền vững của các công ty được đầu tư thông qua lăng kính ESG. Điều này đã thay đổi đáng kể so với các khoản đầu tư trước đây chủ yếu tập trung vào quản trị với một chút tập trung vào các vấn đề môi trường nổi trội.

Kể từ khi thị trường suy thoái vì Covid-19, cổ phiếu ESG liên tục tăng trưởng tốt hơn các chỉ số S&P 500 và MSCI Europe. Xu hướng này thể hiện sự ưa thích ngày càng tăng của nhà đầu tư đối với các công ty có tiếp nhận quan điểm của các bên liên quan đối với hoạt động kinh doanh của họ, thay vì chỉ thuần túy tiếp nhận quan điểm của cổ đông. Đây là yếu tố thay đổi cuộc chơi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong đại dịch Covid-19, các công ty hỗ trợ nhân viên, khách hàng và cộng đồng của họ và thể hiện tư duy ESG ngày càng thu hút các nhà đầu tư.

Các công ty nhận ra rằng, hậu đại dịch, họ cần phải làm nhiều hơn nữa để chứng minh đầy đủ cách họ đang phục vụ lợi ích rộng lớn hơn của xã hội. Những phát triển này đang biến ESG trở thành một hoạt động đầu tư “bình thường mới” và ngày càng có nhiều chủ sở hữu tài sản yêu cầu các nhà quản lý tài sản của họ có chiến lược đầu tư bền vững.

Nhìn về thực tiễn triển khai ESG trong Ngân hàng Standard Chartered, bà muốn nói đến điều gì?

Chúng tôi luôn đặt ra và thường xuyên xem xét các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội (E&S) cho khách hàng thông qua các tuyên bố quan điểm công khai. Ngân hàng Standard Chartered sử dụng tuyên bố quan điểm để đánh giá xem có nên cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm hay không. Ngoài ra, chúng tôi có hai tuyên bố quan điểm xuyên suốt về biến đổi khí hậu và nhân quyền. Bộ phận Quản lý rủi ro môi trường và xã hội (ESRM), thuộc Bộ phận Tài chính bền vững của chúng tôi, bao gồm các chuyên gia trong ngành phối hợp với các trưởng phòng quan hệ khách hàng để hỗ trợ họ đưa ra các yêu cầu trong từng tuyên bố quan điểm.

Ngân hàng Standard Chartered đã và sẽ từ chối các giao dịch, hoặc rút khỏi các mối quan hệ khách hàng khi khách hàng không thể hiện ý định hoặc tiến độ đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra trong tuyên bố quan điểm của chúng tôi. Để tiếp cận nguồn tài chính từ các tổ chức tín dụng quốc tế cho tài chính xanh, các doanh nghiệp và tổ chức cần tuân theo các tiêu chí đánh giá, phê duyệt nghiêm ngặt và toàn diện - chủ yếu đối với thẩm định Đánh giá rủi ro môi trường và xã hội (ESRA) và sự phù hợp với Khung sản phẩm tài chính xanh và bền vững.

Bà có thể tiết lộ một số nguyên tắc chung để làm ví dụ?

Trong quy trình Đánh giá ESRA, các tổ chức tín dụng sẽ xác minh xem khách hàng có hệ thống ESRM cho phép họ xác định và quản lý rủi ro môi trường hay không, hệ thống này thể hiện tính chất và quy mô hoạt động của khách hàng.

Các sản phẩm được cung cấp theo Khung sản phẩm tài chính xanh và bền vững cần tuân thủ theo các tiêu chuẩn nêu trên, cũng như tuân thủ theo yêu cầu mục đích sử dụng vốn. Khung hoạt động này không bao gồm các doanh nghiệp tham gia vào các hoạt động liên quan tới lao động ép bức, lao động trẻ em hoặc xung đột khoáng sản.

Đối với những khách hàng không đáp ứng được các tiêu chuẩn dự kiến, hoặc có nhận thức hạn chế về rủi ro môi trường và xã hội, các tổ chức tín dụng nên cung cấp hỗ trợ thông qua nhóm chuyên gia môi trường và phát triển bền vững. Nếu khách hàng sẵn sàng cam kết thay đổi, nhóm chuyên gia này có thể giúp xác định các mục tiêu để cải thiện và tiếp cận tới nguồn vốn tài chính xanh.

Vậy, phương pháp tiếp cận này đã mang lại kết quả như thế nào?

Thông qua báo cáo quốc gia và khu vực, chúng tôi mong muốn minh họa tác động của nguồn tài chính của chúng tôi; chuyển từ đầu vào (tài chính) sang đầu ra (việc làm, tiền lương, lợi nhuận và thuế) và sau đó là tác động (tăng trưởng kinh tế bền vững). Báo cáo tác động tài chính bền vững của chúng tôi ghi lại tác động của toàn bộ danh mục tài sản tài chính bền vững phù hợp với khung này.

Một số điểm nổi bật trong năm nay là tài sản bền vững trong danh mục tài chính bền vững của chúng tôi đạt trị giá 12,9 tỷ USD, tăng trưởng 40% mỗi năm. 1,59 triệu tấn các-bon được tiết kiệm trong năm qua từ các tài sản hoạt động của chúng tôi, cũng như từ các tài sản trong ngành xây dựng. 90% tài sản tài chính bền vững của chúng tôi nằm ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Hơn 700.000 khoản vay tài chính vi mô được kích hoạt và gần 20.000 khoản vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được giải ngân. Hơn 15 triệu m3 nước được cung cấp trong năm qua thông qua khoản vay trị giá 1 tỷ USD trong ứng phó dịch Covid-19.

Chúng tôi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân và doanh nghiệp - thúc đẩy tăng trưởng bằng cách thực hiện những điều tốt đẹp cho một quá trình dịch chuyển công bằng.

Bà có cho rằng, thực hiện cam kết Net Zero là một thách thức lớn đối với Việt Nam?

Đối với Việt Nam, cơ hội và thách thức để đạt được Net Zero là rất lớn. Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của nhiệm vụ này, nhất là khi biến đổi khí hậu có lẽ là thách thức cấp bách nhất mà thế giới ngày nay phải đối mặt. Việc dịch chuyển sang Net Zero sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường tương lai của chúng ta.

Nếu không hành động nhanh chóng và quyết liệt, chúng ta (bao gồm cả khối công và tư, cũng như Chính phủ Việt Nam) sẽ không ngăn chặn được những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Chúng ta phải tiếp tục cùng đồng hành xây dựng và hoàn thiện các khung pháp lý cụ thể về tín dụng xanh, cũng như các dự án đầu tư kinh doanh có tác động đến môi trường, đặt ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực xanh.

Nhìn chung, trong mọi việc, chúng ta đều cần sự cam kết, hợp tác, phối hợp hài hòa và có tổ chức, đồng thời cần tận dụng triệt để khối óc con người, kết hợp với công nghệ và triển khai kỹ thuật trên hành trình này. Bởi tất cả chúng ta đều cùng tham gia vào sứ mệnh thực hiện chuyển đổi công bằng cho quốc gia.

Tin bài liên quan