Ông Vũ Đức Tiến
Song với những trải nghiệm đã tích lũy được hàng chục năm trong lĩnh vực tài chính, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) có niềm tin mạnh mẽ rằng, trong khó khăn vẫn có những cơ hội và thích ứng với biến động đang trở thành nhịp sống thường ngày của các CTCK.
Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn đầy biến động trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội và những tác động không mong muốn. Ông có cách tiếp cận và cái nhìn như thế nào đối với thị trường chứng khoán 2016 trong mối tương quan như vậy?
Thị trường 2016 đang là câu chuyện của những tác động bên ngoài, từ giá dầu liên tục phá đáy, căng thẳng địa chính trị Trung Đông, diễn biến hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc, đến xung đột giữa Nga và Ucraina rồi các nước phương Tây…
Những yếu tố này đến dồn dập cùng lúc khiến chúng ta có cái nhìn khá xám xịt về nền kinh tế nhưng riêng tôi cho rằng thị trường luôn dành cơ hội cho những ai có khả năng tìm kiếm và trong thời điểm như thế này chúng ta không nên quá bi quan.
Thực tế, ngay từ sau khủng hoảng năm 2008 chúng ta đã tái cơ cấu triệt để , đặc biệt là ngành chứng khoán đã thực hiện việc này rất mạnh mẽ và quyết liệt. Từ đó, chúng ta đã đạt được những thành quả bước đầu và đang chứng kiến sự bền vững ổn định của thị trường trong nước.
Như bạn thấy, chính sách tiền tệ ổn định, giá vàng, ngoại tệ được kiểm soát tốt, lãi xuất liên tục giảm, lạm phát được kiểm soát tốt, đáng chú ý là những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực có sinh khí và hoạt động hiệu quả, mới đây, và gần nhất là những quy định nâng chuẩn minh bạch hóa thông tin ra thị trường.
Cạnh tranh trong Top 10 CTCK sẽ ngày một quyết liệt, nhưng bài bản và chuẩn mực hơn
Nhìn vào lĩnh vực bất động sản bạn có thể thấy rõ hơn hiệu quả của tái cơ cấu, chúng tôi đánh giá rằng các doanh nghiệp đã có cách làm bài bản hơn, cẩn trọng hơn rất nhiều, không còn những câu chuyện phong trào như giai đoạn 2006-2007, các doanh nghiệp hoạt động có vị thế, uy tín trên thị trường đều là những DN có tiếm lực tài chính tốt và có “nghề”.
Trong bức tranh chung của thị trường vẫn có những DN phải dừng lại, có DN buộc phải chấp nhận M&A vì không thể tồn tại, thị trường đang phát triển đâu đó vẫn có những mũi tên cần nắn lại hướng nhưng nhìn chung là khá vững chắc. Các ngành khác cũng vận động với xu hướng như vậy.
Riêng ngành chứng khoán, trong 4-5 năm qua, quá trình tái cấu trúc đã diễn ra mạnh mẽ và đạt những hiệu quả nhất định, song gần đây có thể rất rõ những tác động bên ngoài quá lớn, quá mạnh mẽ và câu chuyện sụt giảm không chỉ xảy ra trên TTCK Việt Nam.
Trong bối cảnh nhiều tác động đến cùng lúc như vậy, tôi cho rằng năm 2016 sẽ có đầy rẫy khó khăn song cũng có những cơ hội. Khi chúng ta đang thực hiện triệt để nghiêm túc quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, thị trường sẽ có những điểm sáng, những thời điểm khởi sắc và nhất định không quá u ám.
Đã có nhiều định nghĩa phải điều chỉnh, trong đó rõ ràng nhất là những thay đổi từ chính hoạt động của khối CTCK khi bản đồ thứ bậc luôn có sự dịch chuyển. Ông nghĩ sao về điều này?
Để nhìn thực tế về tương lai, hãy trở về quá khứ. 4-5 năm trước rất dễ nhận thấy các CTCK phần lớn rơi vào cú sốc một cách toàn diện. Trong bối cảnh các CTCK không định vị được mình là ai, thị trường chỉ nổi lên một vài CTCK giữ vững vị trí đầu ngành và vươn lên vì họ đã thiết lập được chiến lược đúng đắn từ sớm.
Sau đó, vào giai đoạn 2013-2015, trải qua quá trình tái cấu trúc rất tốt của UBCKNN, với nhiều chế tài, yêu cầu mới về các tiêu chuẩn hoạt động của khối CTCK, thị trường đã diễn ra quá trình đào thải những cá thể yếu kém, và vô cùng hữu ích với các CTCK muốn tồn tại một cách bền vững.
Hai năm vừa rồi có tới 25 CTCK ngừng hoạt động, còn trong số 80 CTCK khác, đã có nhiều doanh nghiệp tìm được chiến lược phát triển phù hợp, xây đắp được đội ngũ nhân sự tốt. Việc những CTCK hàng đầu chia sẻ lại thị trường cho các CTCK khác là sự vận động tất yếu của thị trường.
“Phong độ là nhất thời, đẳng cấp mới là mãi mãi”, liệu câu nói này có còn đúng trong bức tranh hoạt động của các CTCK?
Bạn vừa đề cập rằng những biến cố trên thị trường đã dẫn đến nhiều định nghĩa phải thay đổi. Còn tôi nhìn nhận, Trong những năm tới về mặt tổng quan các CTCK sẽ phát triển tốt lên, mạnh mẽ hơn, trong sạch hơn và chắn chắn một điều cạnh tranh trong top 10 CTCK sẽ ngày một quyết liệt, nhưng bài bản và chuẩn mực hơn. Trong quá trình cạnh tranh, đâu đó vẫn còn những hành vi thiếu lành mạnh nhưng chúng sẽ sớm bị đào thải và chấm dứt bởi thị trường khó có đất cho những chiến thuật dễ dàng như thế.
Phân tích từ các số liệu công bố của UBCK cho thấy, 2 năm vừa qua, tỷ lệ Thu phí môi giới trên Doanh số giao dịch ngày càng tăng; Doanh thu tư vấn ngày càng có vị thế xúng đáng trong cơ cấu Doanh thu, cho thấy cạnh tranh giữa các CTCK không đơn thuần là cuộc cạnh tranh về phí nữa, khách hàng sẵn sàng trả phí tốt cho CTCK. Trong nghiệp vụ tư vấn, chúng ta chứng kiến càng ngày càng có các thương vụ có hàm lượng chất xám cao, từ 2 mảng dịch vụ đó cho thấy khá rõ ràng một xu hướng cạnh tranh thiên về chất lượng trong ngành.
Giờ đây, các CTCK cạnh tranh không phải bằng mọi cách giảm giá nữa mà phải tập trung vào thiết kế sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường, có hàm lượng chất xám cao, dựa trên kinh nghiệm và những trải nghiệm vượt bậc, phán đoán chuẩn xác về sự vận động của thị trường.
Ở trong một giai đoạn thị trường thiết lập các tiêu chuẩn mới như ông nói, CTCK SHS sẽ có sự thích ứng như thế nào?
Chiến lược phát triển của SHS đã được chúng tôi xây dựng và thống nhất thực hiện từ 3 năm nay rồi. Chúng tôi xác định nền tảng của công ty là hoạt động dịch vụ, đây cũng chính là sự sống còn của DN.
Các dịch vụ như môi giới, hỗ trợ tài chính, đặc biệt là tư vấn tài chính doanh nghiệp, tái cấu trúc, M&A… được tập trung chú trọng để có những sản phẩm phù hợp nhất với nhà đầu tư.
Trong bối cảnh mới, chúng tôi vẫn kiên định với chiến lược đã đặt ra nhưng sẽ thực hiện tốt hơn, bằng những cách làm sáng tạo và liên tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
Thị trường đã chứng kiến sự bứt phá của SHS trong 2 năm vừa qua, song để tồn tại trong nhóm dẫn đầu quả thực không hề đơn giản. Đâu đó vẫn có những lo lắng cho năng lực quản trị của những CTCK tăng trưởng nhanh, mới lọt vào Top 10?
Quản trị doanh nghiệp và tăng cường công tác quản trị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng tôi. Ở SHS, thậm chí chúng tôi còn thiết lập kỷ luật “người lính” với nhân sự ở tất cả các mảng hoạt động để nói lên sự nghiêm túc, cần thiết của vấn đề này.
Năm 2015, SHS đã bước đầu thành công trong thực hiện tăng cường năng lực tài chính, giữ vị thế tài chính và đảm bảo dịch vụ cho khách hàng. Đi kèm với điều đó, chúng tôi cũng đã thực hiện các giải pháp quản trị rủi ro một cách toàn diện.
Thực tế, chúng tôi không đặt ra áp lực cho mình rằng anh phải ở đâu, phải đạt thứ bậc gì trên thị trường nhưng khi đã ở trong top 10, có sự tăng trưởng lớn về quy mô, chúng tôi phải thiết lập hệ thống quản trị một cách nghiêm túc và liên tục cải tiến.
Nhân sự thuộc bộ phận back, quản trị hoạt động của SHS tăng khá nhiều trong năm 2015 và chúng tôi xác định rằng nếu tuyến đầu của anh làm tốt nhưng tuyến sau của anh không tốt sẽ để lại hậu quả nặng nề, đây là bài học lớn chúng ta không được phép quên.
Về mặt khách quan, tôi cho rằng, những yêu cầu, quy định mới như chế độ kế toán, các điều kiện về tài chính mà CTCK phải đáp ứng mới được cung cấp sản phẩm mới mà UBCK đưa ra gần đây đã khiến các CTCK nào muốn đáp ứng tốt buộc phải tăng cường năng lực quản trị.
Kết thúc năm 2015, SHS đã thoát lỗ lũy kế, khắc phục được hậu quả một thời phát triển không biết mình là ai như ông đã đề cập. Áp lực với những người chèo lái con tàu doanh nghiệp như ông sẽ giảm bớt trong một năm mới có nhiều thách thức phía trước?
Nếu lúc nào cũng treo áp lực lơ lửng trên đầu (cười) thì chắc tôi không làm được gì. Chúng tôi không tạo ra áp lực mà đặt ra mục tiêu hoạt động hàng năm cho toàn bộ máy cùng nhìn về một hướng, rất rõ ràng, cụ thể.
Nhìn vào cơ cấu doanh thu, lợi nhuận của SHS trong 2 năm qua, bạn có thể thấy rằng, SHS phát triển rất đều ở các nghiệp vụ cốt lõi của CTCK. Trong năm mới, chúng tôi sẽ kiên định với chiến lược đã đặt ra, tập trung nắm bắt cơ hội trên thị trường. Ưu tiên hàng đầu của SHS trong năm 2016 là củng cố vị thế vững chắc trên nền tảng năng lực tài chính tốt, con người và công nghệ.