SHI là một trong những nhà cung cấp các sản phẩm công nghệ thông tin lớn và uy tín nhất tại Mỹ. SHI cung cấp tất cả mọi thứ liên quan đến công nghệ, từ phần cứng, phần mềm đến các ứng dụng và các dịch vụ tư vấn. Trong nhiều năm, SHI đã thu hút được 17.500 khách hàng, trong đó có nhiều tên tuổi lớn mà các đối thủ cạnh tranh phải thèm muốn như Boeing, Johnson & Johson và AT&AT... Công ty cũng đạt mức tăng trưởng doanh số bán hàng tích cực mỗi năm và đặt biệt trong năm 2014 đã vượt mức tăng trưởng 15%.
Theo ước tính của Forbes, giá trị thị trường của SHI hiện đạt 1,8 tỷ USD và Thai Lee đang sở hữu 60% cổ phần của tập đoàn này. Sở hữu khối tài sản trị giá hàng tỷ USD và điều hành một tập đoàn lớn như SHI, song tác phong làm việc của Thai Lee lại hết sức giản dị và khoa học. Bà làm việc trong một văn phòng nhỏ, đơn giản, bên cạnh các nhân viên cấp dưới, không có thư ký giữ cửa. Lee thường nói: “Tôi không muốn có khoảng cách với các nhân viên của mình. Tại SHI, chúng tôi cố gắng để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được đối xử bình đẳng như nhau và mỗi người đều tạo ra những giá trị nhất định nếu họ làm tốt công việc của mình”.
Thai Lee sinh ra tại Bangkok, Thái Lan. Cha của bà là một nhà kinh tế học có tên tuổi tại Hàn Quốc. Ông đã đi khắp thế giới để thúc đẩy các kế hoạch phát triển kinh tế Hàn Quốc sau chiến tranh. Lee là con gái thứ hai trong gia đình, bà trải qua thời thơ ấu tại Hàn Quốc. Đến tuổi thiếu niên, Lee cùng gia đình di cư sang Mỹ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Amherst, Lee đã có quyết định cho con đường đời của mình.
“Tôi cho rằng, cơ hội thành công tốt nhất của tôi là kinh doanh và tôi có niềm tin rằng đây là sự lựa chọn hoàn hảo”, Lee chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Lee trở về Hàn Quốc và làm việc tại hãng sản xuất phụ tùng ô tô Daesung tại Seoul để kiếm tiền theo học một khóa MBA tại Trường Kinh doanh Harvard. Để lấy kinh nghiệm, Lee dành 2 năm làm việc ở bộ phận nhãn hàng tại Procter & Gamble và 2 năm nữa tại American Express.
“Tôi muốn chuẩn bị thật kỹ càng, quỹ thời gian của tôi đã được phân bổ rõ ràng. Tới 30 tuổi, tôi nhất định sẽ mở công ty riêng của mình, đây là kế hoạch dài hạn của tôi”.
Năm 1989, sau khi kết hôn, Lee đã phát hiện ra cơ hội để thực hiện giấc mơ của mình. Đó là Lautek, một công ty phần mềm nhỏ đang gặp khó khăn tại New Jersey. Lee đã mua công ty này với giá 1 triệu USD từ tiền dành dụm của hai vợ chồng và thêm một khoản vay nho nhỏ. Ngay sau đó bà đặt lại tên mới cho công ty, một cái tên phản ánh đầy đủ tham vọng toàn cầu của Lee: Software House International.
Thật ra, cho đến thời điểm đó, Lee chưa hề có một sự quan tâm đặc biệt tới công nghệ. “Khi còn đi học và bắt đầu mơ mộng tới việc mở một doanh nghiệp riêng, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ tham gia vào lĩnh vực kinh doanh công nghệ”, Lee chia sẻ.
Buổi đầu khởi nghiệp kinh doanh riêng của Lee, theo hồi ức của Melissa Graham, Phó chủ tịch phát triển kinh doanh của SHI, khó khăn chồng chất khó khăn. “Thế rồi tất cả cũng qua đi. Nói thì nhanh, nhưng công sức của Lee, của cả tập thể chúng tôi đổ ra trong những năm qua là không thể tính được để có được kết quả như ngày hôm nay”, Graham nói.
Ngay từ những ngày đầu, Lee đã hướng dẫn các nhân viên của mình các cách thuyết phục khách hàng, đào tạo họ làm tốt các dịch vụ khách hàng, coi khách hàng là Thượng đế với chiến lược “mềm dẻo và kiên nhẫn” và đó chính là công thức thành công của Lee cũng như Tập đoàn SHI. “Tôi luôn để nhân viên tự quyết định về cách quản lý khách hàng của mỗi cá nhân họ. Tôi chỉ yêu cầu họ hãy tôn trọng khách hàng bằng cách làm thật tốt các sản phẩm trước khi giao đến tay khách hàng”, Lee nói.
“Hiện nay, các nhà cung cấp công nghệ và các đại lý nhiều hơn trước nhiều”, Anthony Andreou, một nhà quản lý tại Dun & Bradstreet, khách hàng đã hơn 15 năm của SHI cho biết, “Nhưng khi bạn có một nhà cung cấp tốt và cung cấp những dịch vụ tuyệt vời, mang tính ổn định thì không có lý do gì bạn phải tìm đến các nhà cung cấp khác”.