Sau vụ việc của ông Hà Văn Thắm và OceanBank, các dự án của PVR lại rơi vào tình cảnh đắp chiếu

Sau vụ việc của ông Hà Văn Thắm và OceanBank, các dự án của PVR lại rơi vào tình cảnh đắp chiếu

CEO PVR đau đáu chờ minh chủ

(ĐTCK) Đổi cổ đông lớn nhất, ngỡ rằng từ đây doanh nghiệp và Ban điều hành có thể yên tâm tổ chức đầu tư, kinh doanh, tái sinh lại các dự án đang trong thế bế tắc, nào ngờ chủ mới lại “dính chàm”. 3 năm trôi qua, cho đến giờ, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVR) vẫn đau đáu chờ minh chủ.

Từ PVC đến Ocean Group

Ngày 5/11/2012, một sự kiện được chú ý trên TTCK, đó là thương vụ Tổng công ty Xây lắp dầu khí - CTCP (PVC) bán thành công 18,151 triệu cổ phiếu PVR cho Ocean Group (OGC) với giá 10.000 đồng/CP, trong khi thị giá cổ phiếu PVR trên sàn chỉ dao động trong khoảng 3.200 - 3.500 đồng/CP.

Thương vụ bán số lượng lớn cổ phần với giá cao gần gấp 3 lần thị giá thu hút sự quan tâm của thị trường. Còn với những người trong cuộc, mỗi bên đều có những tính toán riêng. Việc thu về trên 180 tỷ đồng thông qua chuyển nhượng cổ phần tại PVR góp phần làm giảm lỗ và trích lập dự phòng tài chính của PVC, đồng thời bổ sung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Còn OGC, khi ấy Chủ tịch là ông Hà Văn Thắm cho biết, “mua cổ phần giá cao như vậy, anh em kêu nhiều lắm, nhưng trong Ban lãnh đạo chúng tôi đã thống nhất rất cao. Chúng tôi chấp nhận mua cổ phần ở mức chi phối là nhằm xây dựng và theo đuổi kế hoạch vực dậy hoạt động của PVR”.

PVR trước đó gây ồn ào trên thị trường do thất hứa với khách hàng tại dự án chung cư Hanoi Time Tower (Hà Đông, Hà Nội) vì dự án chậm tiến độ và doanh nghiệp không còn vốn để triển khai tiếp dự án. Đó cũng là thời điểm thị trường bất động sản đang chìm trong khó khăn và gần như đóng băng hoàn toàn, kiện cáo xảy ra như cơm bữa tại các dự án.

Khi ấy ông Nguyễn Tuấn Anh đang là Tổng giám đốc của PVR. Vị CEO này tự nhận là người làm thuê thực sự bởi ông hầu như không có cổ phần tại Công ty. Tại lễ ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trên, ông Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ rằng, nếu những ông chủ mới vẫn tín nhiệm ban điều hành thì cá nhân ông vẫn gắn bó với Công ty và ông cũng hy vọng về tay chủ mới, PVR sẽ hồi sinh.

Doanh nghiệp được tài trợ vốn để tiếp tục triển khai dự án, giữ được lời hứa với khách hàng. Ai cũng biết Ocean Group và OceanBank đều có chung cổ đông lớn là ông Hà Văn Thắm, do vậy đều tin tưởng, doanh nghiệp sẽ có cửa sống.

Thị trường bất động sản sau đó còn tiếp tục khó khăn. Vào thời điểm tháng 10/2013, khi Dự án Hà Nội Times Tower đang triển khai đến tầng thứ 5, PVR mời hơn 200 khách hàng đã ký hợp đồng mua nhà tại dự án đến tiếp tục đóng tiền. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 100 khách hàng có liên hệ với chủ đầu tư và số khách hàng chấp nhận đóng tiền tiếp chưa đến 10 người. Có quá ít khách hàng ủng hộ và đóng tiền, PVR tiếp tục tạm dừng dự án. Doanh nghiệp lỗ, giá cổ phiếu do đó cũng èo uột quanh quẩn mức 3.000 - 4.000 đồng/CP.

Tháng 6/2014, PVR lại khiến các cổ đông nhỏ lẻ vui mừng khi công bố đã thỏa thuận vay được số vốn lên đến 326 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đại Dương - Chi nhánh Đông Đô. Theo biên bản thỏa thuận, số tiền này chủ yếu sẽ được dùng để hoàn thiện phần kiến trúc của Dự án Hà Nội Times Tower.

“Năm 2014, PVR sẽ tập trung vào triển khai Dự án Hà Nội Times Tower và Dự án Việt Hưng, bởi 2 dự án này sẽ sớm cho doanh thu”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói và cho biết, doanh nghiệp đã tiến hành dọn dẹp công trường, để có thể tái khởi động triển khai ngay dự án trong tháng 7 và dự kiến đến đầu năm 2016, sẽ hoàn thiện bàn giao nhà cho khách hàng.

Nào ai học được chữ ngờ, ông Hà Văn Thắm sau đó vướng vòng lao lý, OceanBank bị kiểm soát đặc biệt rồi sau đó bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng. Hợp đồng tín dụng do đó cũng tiêu tan. Thỏa thuận về việc bán toàn bộ phần diện tích thương mại tại Dự án Hà Nội Times Tower cho một đơn vị đối tác của OGC để lấy tiền thu được đầu tư vào dự án cũng bay mất. Thậm chí, PVR còn bị phong tỏa hơn 1 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng Đại Dương do có thành viên HĐQT liên quan đến OGC và OceaBank. Các dự án của PVR lại rơi vào tình cảnh đắp chiếu.

Ở thế bất đắc dĩ, hầu như không có cổ phần tại Công ty, song nhân sự  HĐQT biến động lớn, ông Nguyễn Tuấn Anh đành phải gánh vác, đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc để tiếp tục chèo lái con tàu.

Không có tiền để triển khai dự án, các ngân hàng thì đóng cửa với doanh nghiệp do có cổ đông lớn đang “dính chàm”, PVR đang dần lâm vào ngõ cụt. 6 tháng đầu năm nay, Công ty không có một đồng doanh thu, lỗ 7 tỷ đồng. Lũy kế đến 30/6/2015, PVR lỗ 27 tỷ đồng. 

Báo cáo kiểm toán của doanh nghiệp bị đưa ý kiến ngoại trừ. Đơn cử, Công ty đã thực hiện ký hợp đồng góp vốn và thỏa thuận nhận đặt cọc với khách hàng tại Dự án Văn Phú và Dự án Việt Hưng với tổng số tiền lần lượt là khoảng 229 tỷ đồng và khoảng 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty chưa thực hiện phát hành hóa đơn giá trị gia tăng để hạch toán và kê khai thuế giá trị gia tăng đầu ra và kê khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Kiểm toán không thể tính toán được ảnh hưởng của nghĩa vụ thuế phải nộp của Công ty liên quan đến các hợp đồng góp vốn và thỏa thuận đặt cọc này.

 Hay Công ty đầu tư vào CTCP Đầu tư Phát triển Bình An với giá trị là 205 tỷ đồng, tính đến thời điểm lập báo cáo tài chính, Công ty chưa trích lập dự phòng giảm giá cho khoản đầu tư vào công ty này.

Tính đến ngày 30/6/2015, tài sản ngắn hạn của Công ty (không bao gồm giá trị hàng tồn kho là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) thấp hơn nợ ngắn hạn là khoảng 256 tỷ đồng. Lỗ sau thuế và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ lần lượt là khoảng 7 tỷ đồng và âm khoảng 14 tỷ đồng. Các yếu tố này tạo nên sự lo ngại về khả năng tạo tiền của Công ty để thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn. Trong khi nợ  của doanh nghiệp lên tới 545 tỷ đồng và toàn bộ là nợ ngắn hạn. 

Nỗ lực tìm lối thoát

Trước tình thế trên, ông Nguyễn Tuấn Anh và Ban điều hành đang cố gắng cầm cự và tìm mọi giải pháp để giữ doanh nghiệp. Trong cơ cấu cổ đông của PVR, ngoài OGC, còn có một cổ đông cá nhân khác nắm trên 10% cổ phần. Nhờ sự hỗ trợ của cổ đông này, PVR đã đạt được thỏa thuận vay CTCP Xây dựng Hạ Định năm 2015 thanh toán cho các hạng mục Dự án Hà Nội Times Tower trước thời điểm hai bên ký hợp đồng hợp tác đủ điều kiện tái khởi động. Khoản vay có thời hạn 10 tháng không có tài sản đảm bảo và chịu lãi suất cố định là 5%/năm.

Nói về khả năng không thể hoạt động liên tục, Ban điều hành PVR cho biết, các khoản nợ ngắn hạn bao gồm các khoản phải trả khác là tiền nhận góp vốn, đặt cọc vào Dự án Văn Phú và Dự án Việt Hưng với tổng giá trị khoảng 270 tỷ đồng sẽ không phải trả trong vòng 12 tháng tới. Đồng thời, Ban giám đốc Công ty đang tăng cường đẩy mạnh thu nợ cũng như đàm phán gia hạn các khoản nợ phải trả đến hạn.

Ông Tuấn Anh tin tưởng, Công ty có thể thu được tiền theo tiến độ đã quy định trong hợp đồng tương ứng với tiến độ xây dựng của Dự án Văn Phú, tiền thu được theo hợp đồng mua bán nhà vườn tại Dự án Việt Hưng. PVR sẽ cân đối được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ khi đến hạn và phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Công ty.

Một mặt tìm vốn mới cho dự án hồi sinh, một mặt ông Tuấn Anh và các cộng sự đang hy vọng, thị trường bất động sản khởi sắc trở lại, hoạt động M&A sôi động hơn, sẽ có nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn ra mua lại cổ phần chi phối của Công ty để “làm thực”. Ngoài OGC đang rất muốn thoái vốn tại công ty này, trước đây, họ đã rao bán 6 lần nhưng không thành do còn kỳ vọng bán được giá cao, một số cổ đông lớn khác của PVR cũng muốn thoái vốn nếu đạt được thỏa thuận chấp nhận được.

Ngoài Hà Nội Times Tower, Việt Hưng, PVR còn có một số dự án bất động sản khác. Ông Tuấn Anh chia sẻ rằng, gắn bó với doanh nghiệp nhiều năm nay, ông thực sự mong muốn đến một ngày nào đó, PVR sẽ có được ông chủ có tiềm lực và làm thực, để những người làm thuê như ông có điều kiện làm việc và yên tâm làm việc. “Tìm được ông chủ tốt theo đúng nghĩa là ao ước lớn nhất của chúng tôi lúc này”, ông nói.

Tin bài liên quan