Ông Lê Hoài Nam

Ông Lê Hoài Nam

CEO PVI Re: “Con đường phát triển phải bền vững”

(ĐTCK) Thị trường bảo hiểm Việt Nam có trên 80% là DN nhỏ. Hai năm qua, số DN bảo hiểm thua lỗ tăng mạnh.

Xem toàn bộ Chuyên đề của Báo Đầu tư Chứng khoán xuất bản ngày 16/12/2013 tại:

>> Bảo hiểm Việt Nam 2013 - Dấu mốc trưởng thành

Ông Lê Hoài Nam, người có gần 20 gắn bó với thị trường bảo hiểm, từng là Phó tổng giám đốc Vinare và hiện là Tổng giám đốc PVI Re cho rằng, các DN cần xây dựng chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả, bắt đầu từ nhỏ đến lớn, để phát triển bền vững.

Trong số 29 DN bảo hiểm phi nhân thọ hiện có trên thị trường, có 5 DN dẫn đầu chiếm 70% thị phần, 24 DN còn lại chỉ chiếm 30% thị phần, nếu quản trị rủi ro không tốt sẽ dẫn đến thua lỗ, phá sản. Theo ông, các DN cần làm gì để quản trị tốt rủi ro?

Việc nhân viên của các công ty bảo hiểm đi bán bảo hiểm đồng nghĩa với việc họ đại diện cho các công ty bảo hiểm đi mua rủi ro của khách hàng và nhận rủi ro về mình. Đổi lại, khách hàng cần bỏ ra một số chi phí được gọi là phí bảo hiểm.

Điều này cho thấy, vấn đề quản trị rủi ro là rất quan trọng với bất kỳ thị trường bảo hiểm nào, đặc biệt đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam, khi mà có đến trên 80% là DN nhỏ.

Rủi ro có thể bắt nguồn từ bất kỳ yếu tố hoạt động của DN bảo hiểm, do vậy, đầu tiên là phải có chính sách quản lý rủi ro và phải được văn bản hóa, được đánh giá như là một chỉ số thường xuyên trong quá trình điều hành và quản trị của DN.

Tuy nhiên, quản trị rủi ro là câu chuyện đắt giá và tốn kém, để làm được mất rất nhiều thời gian và công sức, nhưng cũng như sự phát triển của mỗi công ty, mọi thứ đều bắt đầu từ nhỏ đến lớn. Để xây dựng chiến lược tiếp cận và quản trị rủi ro hiệu quả. Đội ngũ lãnh đạo cần xác định rõ và đặc biệt là phải nhất quán trong mọi chiến lược của DN.

Chiến lược quản trị rủi ro của DN nên tuân theo quy tắc thử nghiệm “stress - tested” trong các điều kiện và tình huống khác nhau và cần được rà soát, điều chỉnh thường xuyên, Ví dụ, DN nên tính toán và khảo sát rõ xem lợi nhuận của DN sẽ biến đổi như thế nào trong các điều kiện kinh tế khác nhau và những rủi ro thị trường và tín dụng trong những thời điểm kinh tế suy thoái.

 

Khác hẳn với mảng bảo hiểm nhân thọ, mảng bảo hiểm phi nhân thọ dường như đang thiếu đội ngũ chuyên gia quản lý và đánh giá rủi ro chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng định phí bảo hiểm để quản trị rủi ro hiệu quả. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này, theo ông?

Nhiệm vụ của các tổ chức quản lý rủi ro đó là xác định, đo lường và đánh giá rủi ro một cách nhất quán trong từng đơn vị kinh doanh của cả DN, sau đó đưa ra các đánh giá và quan điểm chiến lược có sự tích hợp và trên quy mô toàn DN nhằm đảm bảo rằng, hồ sơ quản lý rủi ro của mình phù hợp và nhất quán với chiến lược tổng thể của DN.

Công việc này đòi hỏi chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng. Có thể nói, chìa khóa để thành công trong việc quản lý rủi ro của các DN và tập đoàn lớn đó chính là bổ nhiệm được những CRO (chief Risk officer) thực sự tài năng.

Thực tế, từ trước đến nay, rất ít DN thực hiện quản trị rủi ro một cách chuyên nghiệp, có hệ thống. Để khắc phục tình trạng trên, trước hết, bản thân đội ngũ lãnh đạo DN cần có nhận thức về tầm quan trọng của quản trị rủi ro và đưa nhận thức đó đến từng chuyên viên, đồng thời có kế hoạch đào tạo đối với các cán bộ làm công tác quản trị rủi ro.

 

Có ý kiến cho rằng, thiên tai là một nguy cơ lớn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của DN bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng việc quản trị rủi ro và ứng phó với rủi ro thiên tai chưa được ưu tiên hàng đầu. Ông nghĩ sao?

Tôi không nghĩ vậy. Qua cảm nhận của tôi, thời gian gần đây, các DN có rất nhiều nỗ lực trong việc ứng phó với các rủi ro thiên tai.

 

Lỗ hổng trong quản lý nghiệp vụ bảo hiểm gần đây được nhắc đến nhiều hơn. Theo ông, lỗ hổng này cần được “lấp” thế nào?

Lỗ hổng trong quản lý nghiệp vụ được biểu hiện qua các công tác quản lý, khai thác; giải quyết bồi thường...

Để giảm thiểu các rủi ro trong khâu khai thác, DN bảo hiểm cần phải có một chiến lược khai thác cụ thể trên cơ sở các quy trình và hướng dẫn khai thác chi tiết, cụ thể đối với từng loại nghiệp vụ, từng loại rủi ro, từng thị trường khai thác.

Tương ứng với hướng dẫn này là các quy định về phân cấp thẩm quyền phù hợp đối với từng đơn vị và cán bộ khai thác.

Các quy định này chính là hành lang quan trọng giúp cho toàn bộ hệ thống có một định hướng khai thác rõ ràng, đảm bảo tất các dịch vụ và thị trường khai thác có hiệu quả, phù hợp với năng lực cạnh tranh của DN đó cũng như đảm bảo các rủi ro được bảo vệ theo các hợp đồng tái bảo hiểm của DN.

Bên cạnh đó, cần có hệ thống giám sát, kiểm tra thực hiện các quy định này nhằm đảm bảo các quy định đặt ra được tuân thủ nghiêm ngặt, không có lỗi bất cẩn xảy ra. Hệ thống công nghệ thông tin đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.

Một hệ thống tốt sẽ giúp cảnh báo các thông số bất thường về giới hạn bảo hiểm của các rủi ro so với các hạn mức giữ lại cho phép theo hướng dẫn, đồng thời tính toán tích tụ rủi ro theo vị trí và theo sự kiện thảm họa.

Đặc biệt, đội ngũ nhân sự vận hành cần được đào tạo về nghiệp vụ và có nhận thức đầy đủ về công tác quan trị rủi ro. Trên thực tế, các sai sót hệ thống đã xảy ra ở nhiều trường hợp đều xuất phát từ sự bất cẩn hoặc từ sự nhận thức của con người dẫn đến những hậu quả nặng nề đối với DN.

Một yếu tố quan trọng khác đó chính là nhận thức và tầm nhìn của lãnh đạo DN bảo hiểm về vấn đề quản trị rủi ro. Tất cả các hoạch định, triển khai hoạt động của DN đều là cụ thể hóa của các mục tiêu quản trị rủi ro của DN đó, xuất phát từ quan điểm của những người chèo lái DN. Mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận, nhưng con đường phát triển phải ổn định và bền vững.

 

Gần đây, PVI Re được đem ra để so sánh với Vinare. Từng là lãnh đạo cao cấp của Vinare, điều này có làm ông khó xử? Để tiếp tục trở thành một mắt xích quan trọng trong hoạt động của các DN bảo hiểm gốc trong nước, các ông kỳ vọng PVI Re sẽ trưởng thành ra sao?

Là người đứng đầu PVI Re, thật vui khi chúng được so sánh với Vinare. PVI Re mới đi vào hoạt động được 2 năm, còn Vinare đã gần 20 năm.

Cùng là công ty tái bảo hiểm, nhưng mỗi công ty được sinh ra với một sứ mệnh và nhiệm hoàn toàn riêng biệt. Vinare ra đời năm 1994 với sứ mệnh hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam và theo tôi, Vinare đã làm rất tốt việc này.

PVI Re ra đời với một sứ mệnh hoàn toàn khác, chúng tôi mong muốn là một DN kinh doanh có hiệu quả, đem lại lợi ích cho những người liên quan như cổ đông, thị trường và xã hội. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là mở rộng hình ảnh, cách làm của Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế và ngược lại, đem những kinh nghiệm, sản phẩm của thị trường quốc tế phục vụ thị trường trong nước, góp phần vào sự phát triển chung.

 

Gần 20 gắn bó với thị trường bảo hiểm, ông đánh giá ra sao về sự phát triển của thị trường tái bảo hiểm Việt Nam?

Về sự phát triển của thị trường tái bảo hiểm Việt Nam, tôi có một số nhận xét cơ bản sau:

Thứ nhất, cùng với sự tự do hóa của thị trường bảo hiểm, thị trường tái bảo hiểm phát triển cũng rất mạnh. Trung bình 40% phí bảo hiểm được tái ra hàng năm trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây.

Thứ hai, mặc dù về danh nghĩa, trên thị trường có 2 công ty tái bảo hiểm là Vinare và PVI Re, nhưng với bản chất quốc tế của ngành tái bảo hiểm thì hầu hết các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn nhỏ trên thế giới đã và đang khai thác cũng như cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.

Thứ ba, sản phẩm và dịch vụ tái bảo hiểm vẫn mang tính chất truyền thống, các loại phương pháp tái bảo hiểm mới chưa được áp dụng.

Cùng với khả năng tài chính còn nhiều hạn hẹp nên nhiều DN bảo hiểm bị áp đặt theo cuộc chơi của các nhà nhận tái bảo hiểm lớn trên thị trường quốc tế. Trong khi đó, chưa có khung pháp lý cho việc quản lý rủi ro, tín nhiệm cho các nhà nhận tái bảo hiểm.

Nhìn chung, thị trường tái bảo hiểm có tiềm năng phát triển, tự do hóa hoàn toàn và mới trong giai đoạn đầu của sự phát triển.

>>PVI vẫn nắm cổ phần chi phối tại PVI Re