ChemChina mua số cổ phần này từ Tổ hợp Cam Finanziaria SpA (Camfin), cổ đông lớn nhất của Pirelli. Tổ hợp Camfin gồm ông Marco Tronchetti Provera, 67 tuổi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) Pirelli, UniCredit và Intesa Sanpaolo (hai ngân hàng thương mại lớn nhất Italia) cùng Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga.
Theo thoả thuận, dù ChemChina sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của Pirelli, song ông Marco Tronchetti Provera vẫn được giữ nguyên chức CEO trong vòng 5 năm tới, chức chủ tịch sẽ là người của ChemChina. Tiếp đến, Pirelli sẽ được giữ nguyên thương hiệu, trụ sở chính và nhà máy hiện có ở Italia. Lãnh đạo ChemChina cũng cam kết sẽ không sa thải bất cứ một công nhân nào của Pirelli.
Được biết, ChemChina chuyên sản xuất các loại hóa chất, phân bón, lốp xe…, với doanh thu năm 2014 đạt 300 tỷ nhân dân tệ (48,27 tỷ USD).
Ông Ren Jianxin, Chủ tịch ChemChina nhận định, đây là thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có lợi cho cả hai bên. Với việc thâu tóm Pirelli, ChemChina sẽ đẩy nhanh việc phát triển lĩnh vực sản xuất lốp xe ô tô các loại nhờ việc sở hữu các công nghệ tiên tiến của Pirelli. Đổi lại, Pirelli sẽ có điều kiện thuận lợi để tăng thị phần lốp xe tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Theo nhiều nhà phân tích, Trung Quốc đã lợi dụng đồng euro đang yếu đi để thực hiện nhiều thương vụ M&A ở châu Âu. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư lớn vào Italia, nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực Eurozone. Cụ thể, họ đã mua lại cổ phần của hai công ty truyền tải điện Terna và Snam; Công ty sản xuất turbine Ansaldo, Công ty sản xuất du thuyền cao cấp Ferretti…
Theo Hãng Thomson Reuters (Mỹ), ngoài lĩnh vực tài chính, Italia là thị trường mục tiêu lớn thứ 2 của Trung Quốc trong lĩnh vực M& A ở châu Âu, với 10 thương vụ được thực hiện thành công trong năm 2014. Việc mua lại Pirelli, một trong số những thương hiệu lâu đời và danh giá nhất Italia (bên cạnh FIAT, Vespa…) được coi là thành công và đáng “đồng tiền bát gạo”.
Dự kiến, sau khi hoàn tất mọi thủ tục, Pirelli sẽ được chia làm 2 bộ phận. Bộ phận sản xuất lốp xe cao cấp (phục vụ cho các xe đua Công thức 1- Formula1 và xe ô tô hạng sang như Ferrari, Benley, McLaren…) và bộ phận lốp thông thường (sáp nhập với Aeolus, thuộc ChemChina).
Một số người am hiểu nội tình Pirelli nhận định, việc chọn đối tác chiến lược thích hợp để Pirelli gửi gắm số phận, đảm bảo cho sự tồn tại thương hiệu cũng như tương lai lâu dài là “canh bạc” lớn cuối cùng của ông Marco Tronchetti Provera. Do chỉ là tập đoàn sản xuất lốp xe lớn thứ 5 thế giới, nên Pirelli luôn bị các đối thủ lớn hơn như Michelin (Pháp), Continental (Đức), Bridgestone (Nhật Bản)… nhòm ngó để tìm cách thâu tóm.
Ông Marco Tronchetti Provera sinh ra trong một gia đình thương nhân giàu có, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực vận tải biển. Ông đã tốt nghiệp Đại học Bocconi ở Milan về kinh tế và quản lý kinh doanh Sau khi kết hôn với bà Cecilia Pirelli, là cháu trong dòng họ Pirelli sáng lập ra Công ty vào năm 1872 (lúc đầu chỉ là doanh nghiệp sản xuất xe đạp, sau chuyển sang làm lốp ô tô). Năm 1986, ông chính thức góp vốn vào Pirelli và về làm việc cho Công ty dưới trướng của ông Leopoldo Pirelli, bố vợ và là CEO khi đó. Năm 1992, ông được bổ nhiệm vào chức CEO, ngay sau khi tập đoàn này chống chọi thành công trước ý định mua lại của Continental.
Ông Marco Tronchetti Provera thừa nhận: “Tôi được trao trọng trách là đảm bảo tương lai an toàn cho Pirelli, giữ được thương hiệu nổi tiếng này và với việc chọn được ChemChina, coi như tôi đã hoàn thành được sứ mệnh”.
Ông Alberto Forchielli, CEO của Mandarin Capital Partners nhận định, ông Marco Tronchetti Provera không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chọn được nhà đầu tư mạnh về tài chính để có sức cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn. “Nếu để các đối thủ này mua lại, thương hiệu Pirelli coi như bị xoá sổ. Ông đã gặp may khi gặp được nhà đầu tư Trung Quốc rủng rỉnh tiền. Càng thuận hơn khi JPMorgan Chase là nhà tư vấn về tài chính và thu xếp tài chính cho thương vụ này”, ông Alberto Forchielli nhận định.
Tuy nhiên, như chính ông Ren Jianxin thừa nhận, việc hai bên đạt được thoả thoả thuận cũng không hề dễ dàng. Ông đã tiếp cận lãnh đạo Pirelli từ 3 năm trước, hai bên đã thăm viếng các nhà máy của nhau, nhưng việc đàm phán bị bế tắc. Cách đây hơn 6 tháng, ông đã quay trở lại và đưa ra đề nghị khá rõ ràng. Sau nhiều buổi đàm phán thâu đêm, cuối cùng, thoả thuận sơ bộ đã được ký ngày 22/3/2015.
Trước khi đặt bút ký, ông Marco Tronchetti Provera đã phải tham vấn Thủ tướng Italia, ông Matteo Renzi và ông này đã “bật đèn xanh” cho thương vụ.