CEO Phaata: Doanh nghiệp vận tải biển cần linh hoạt thích ứng dưới bất ổn từ thương mại quốc tế

CEO Phaata: Doanh nghiệp vận tải biển cần linh hoạt thích ứng dưới bất ổn từ thương mại quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ đến thương mại quốc tế và gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với ngành vận tải biển toàn cầu.

Trong suốt thời gian tranh cử và thời gian đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ và thuế quan là những chính sách cốt lõi của ông, nhằm thúc đẩy tái định hình, khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài. Gần đây nhất, ông Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ.

Các nhà phân tích quốc tế lo ngại, những chính sách này sẽ tác động tiêu cực đến ngành vận tải biển trong tương lai. Thương mại quốc tế giảm và khối lượng nhập khẩu thấp hơn ở Mỹ có thể ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến giảm nhu cầu vận chuyển giữa các khu vực.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hoài Chung, CEO Sàn giao dịch Logistics quốc tế Phaata đã có những chia sẻ mới nhất xoay quanh vấn đề này.

Chính sách bảo hộ thương mại của của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thương mại quốc tế và lưu lượng hàng hoá, thưa ông?

Thứ nhất là lưu lượng hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ trong dài hạn sẽ giảm.

Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, đặc biệt là việc áp đặt thuế quan cao và hạn ngạch nhập khẩu, trực tiếp làm tăng chi phí hàng hóa nhập khẩu. Điều này khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn so với hàng hóa sản xuất trong nước, dẫn đến giảm nhu cầu nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Khi nhu cầu nhập khẩu của Mỹ giảm, các nhà xuất khẩu sẽ giảm lượng hàng hóa vận chuyển đến Mỹ. Do vận tải biển là phương thức chính để vận chuyển hàng hóa quốc tế, đặc biệt là hàng hóa số lượng lớn, việc giảm nhập khẩu trực tiếp làm giảm lưu lượng hàng hóa qua đường biển đến các cảng của Mỹ.

Thứ hai là chuyển hướng dòng chảy thương mại và thay đổi tuyến vận tải biển.

Để tránh thuế quan hoặc tận dụng các ưu đãi khác, các quốc gia xuất khẩu có thể tìm cách chuyển hướng thương mại, giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ và tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác không bị ảnh hưởng bởi chính sách bảo hộ của Mỹ. Sự chuyển hướng thương mại này có thể dẫn đến thúc đẩy phát triển các tuyến vận tải biển mới, kết nối các quốc gia không bị ảnh hưởng hoặc ít bị ảnh hưởng bởi chính sách bảo hộ của Mỹ.

Ngược lại, các tuyến vận tải biển truyền thống, đặc biệt là các tuyến kết nối các quốc gia xuất khẩu lớn với Mỹ như tuyến châu Á - Bắc Mỹ và châu Âu - Bắc Mỹ, có thể sẽ bị sụt giảm lưu lượng hàng hóa do chính sách bảo hộ của Mỹ.

Thứ ba là tác động đến giá cước vận tải biển.

Việc giảm lưu lượng hàng hóa đến Mỹ có thể làm giảm nhu cầu vận tải biển trên một số tuyến, dẫn đến tình trạng dư thừa công suất vận tải. Trong tình huống này, các hãng tàu có thể phải giảm giá cước để cạnh tranh và thu hút hàng hóa, ít nhất là trên các tuyến bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các yếu tố khác như giá nhiên liệu, chi phí tuân thủ quy định môi trường, và các chi phí hoạt động khác vẫn có xu hướng tăng lên.

Điều này có thể hạn chế khả năng giảm giá cước của các hãng tàu. Nhìn chung, chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể làm tăng thêm sự bất ổn cho thị trường vận tải biển, khiến giá cước trở nên khó dự đoán hơn và biến động mạnh hơn.

Dù vậy, giá cước sẽ khó có khả năng tăng mạnh kéo dài về các mức đỉnh như trước đây, nhưng có thể xuất hiện những đợt tăng giá ngắn hạn. Nếu không có các yếu tố bất ngờ lớn và làm gián đoạn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cước sẽ có xu hướng giảm trong dài hạn.

Ông Nguyễn Hoài Chung, CEO Phaata.

Ông Nguyễn Hoài Chung, CEO Phaata.

Trong bối cảnh đó, ông đánh giá ngành vận tải biển sẽ bị ảnh hưởng như thế nào và đâu là những thách thức các doanh nghiệp cần lưu ý?

Các chính sách theo hướng bảo hộ thương mại của Mỹ sẽ gây nhiều tác động nhiều đến ngành vận tải biển toàn cầu, đặc biệt là 5 vấn đề quan trọng sau: thay đổi dòng chảy thương mại và tuyến vận tải biển; tăng chi phí vận tải biển và giá cước; tác động đến các cảng biển; tác động đến các hãng tàu biển; và tác động đến nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với tình hình như hiện nay, các doanh nghiệp vận tải biển sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ biến động kinh tế và thương mại toàn cầu; áp lực cạnh tranh về giá cước và dịch vụ; hay giá nhiên liệu dễ biến động cũng ảnh hưởng đến chi phí hoạt động. Chưa kể, các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường; yêu cầu ứng dụng công nghệ; rủi ro hoạt động và an toàn hàng hải; và các chính sách bảo hộ và căng thẳng địa chính trị, cũng sẽ là những vấn đề lớn mà doanh nghiệp có thể đối diện trong thời gian tới.

Hoạt động trong môi trường nhiều ẩn số như vậy, ông có lời khuyên gì đến các doanh nghiệp để vượt qua sóng gió, hướng tới việc kinh doanh hiệu quả?

Trong bối cảnh thị trường nhiều ẩn số và ngày càng cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp vận tải biển nội địa Việt Nam cần có chiến lược linh hoạt để thích ứng.

Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động thu thập thông tin và phân tích dữ liệu chuyên sâu nhằm giúp đưa ra các quyết định kinh doanh dựa trên cơ sở thông tin và dữ liệu. Tích cực tham gia các hiệp hội logistics, cảng biển và ngành hàng để cập nhật thông tin thị trường, chia sẻ kinh nghiệm, và cùng nhau kiến nghị các chính sách hỗ trợ từ nhà nước.

Trong hoạt động vận tải, doanh nghiệp cần linh hoạt và chủ động trong chính sách giá cước bao gồm điều chỉnh giá cước linh hoạt, đa dạng hóa các gói giá cước cho các nhóm khách hàng và xây dựng chính sách giá dựa trên giá trị.

Song song đó là tối ưu hóa chi phí hoạt động toàn diện bao gồm: tiết kiệm nhiên liệu; quản lý hiệu quả chi phí sửa chữa, bảo dưỡng; tối ưu hóa chi phí nhân sự; ứng dụng công nghệ để giảm chi phí; chủ động đàm phán giá tốt hơn với các nhà cung cấp dịch vụ cảng biển, phí hoa tiêu, phí lai dắt, vật tư, phụ tùng, bảo hiểm...

Doanh nghiệp cũng không quên đa dạng hóa dịch vụ và mở rộng nguồn doanh thu bao gồm phát triển vận tải đa phương thức, tập trung vào các dịch vụ logistics tích hợp, khai thác các thị trường ngách và mở rộng phạm vi hoạt động. Xây dựng và củng cố quan hệ đối tác bao gồm hợp tác với các doanh nghiệp logistics; liên kết với các cảng biển,...

Tin bài liên quan