Michael L. Corbat

Michael L. Corbat

CEO ngân hàng giấu mình khi bão nổi

(ĐTCK) Một buổi tối, Michael L. Corbat -Tổng giám đốc Citigroup, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới - bước vào một nhà hàng hạng sang của TP. New York, không một ai nhận ra người đàn ông ấy. Một luật sư hàng đầu New York đang dùng bữa ở đó, khi được hỏi về Corbat, thậm chí hỏi lại “Michael nào cơ?”.

CEO ngân hàng giấu mình khi bão nổi ảnh 1

Michael L. Corbat

Việc trở thành gương mặt quen thuộc của Phố Wall vào thời điểm các ngân hàng đang trong chảo lửa kiểm soát của các cơ quan quản lý rõ ràng gây ra những bất lợi. Những người đồng cấp của Corbat ở các ngân hàng đối thủ, ví dụ như Jamie Dimon của JPMorgan Chase, là những người bị công chúng chỉ mặt điểm tên đầu tiên khi ngân hàng vướng vào các cuộc điều tra của chính quyền.

Các lãnh đạo của JPMorgan thậm chí đã lấy Corbat ra làm ví dụ cho Dimon để gợi ý về việc ông nên giấu mình hơn trong thời điểm hiện tại.

Nguồn tin thân cận với Dimon cho biết, gần đây, ông bắt đầu né tránh các cuộc phỏng vấn để tập trung một phần vào các cuộc gặp mặt với khách hàng.

Ngoài ra, có những thành viên Ban quản trị ngầm quy lỗi rằng, chính thái độ có phần suồng sã của Dimon đối với các nhà chức trách, bao gồm cả việc ông gọi cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy F. Geithner với cái tên “Timmy” trong nhiều năm, đã ảnh hưởng đến mối quan hệ với giới này, nhất là khi họ đang “thiết quân luật” với các ngân hàng.

Dimon sau đó dường như tỏ ra hối lỗi với chính quyền. Trong một thư ngắn gửi tới nhân viên hồi tháng 9, ông nói: “Chúng ta đang xây dựng một mối quan hệ mở và minh bạch hơn với các cơ quan quản lý”. Để thay đổi sự căng thẳng trong quan hệ của Ngân hàng với cơ quan quản lý, Dimon đã tổ chức những buổi gặp mặt kiểu “tòa thị chính”, họp mặt các nhân vật chủ chốt của Cục Kiểm soát tiền tệ Liên bang, Quỹ Dự trữ Liên bang (FED) và Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang.

Sự hối lỗi kịp thời đó đã đem lại ít nhiều kết quả. Khoản nộp phạt kỷ lục 13 tỷ USD gần đây của JPMorgan đã giúp làm yên một số vấn đề pháp lý nặng nề nhất, cho dù Ngân hàng vẫn phải đối mặt với các cuộc điều tra.

Cùng thời điểm đó, Citigroup ngày càng nhận được sự ưu ái từ các cơ quan quản lý, chính xác là kể từ khi Corbat nắm quyền điều hành tại Ngân hàng hồi tháng 10 năm ngoái. Một vài cố vấn cho Ngân hàng nói rằng, sự lặng lẽ của Corbat, một cá tính khéo léo và thiết thực có thể phù hợp với môi trường pháp lý hiện nay hơn.

Corbat đã đảo ngược tình thế cho Citigroup trong câu chuyện quan hệ với nhà chức trách. Trước đó, trong năm 2012, FED đã gây ra một trở ngại lớn cho Ngân hàng. Cơ quan này đã đánh trượt Citigroup trong một cuộc kiểm tra liên quan đến sức khỏe tài chính ngân hàng, bác bỏ đề xuất mua lại cổ phiếu của ngân hàng này.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, với sự lãnh đạo của Corbat, Citigroup đã dễ dàng vượt qua cuộc kiểm tra đó. Cổ phiếu của Ngân hàng tăng giá hơn 40% kể từ khi ông lên nắm quyền điều hành.

Phố Wall từ lâu đã là một mảnh đất hoang cho các lãnh đạo với cá tính lớn. Có những lãnh đạo chọn cách xây dựng hình ảnh người đại diện cho ngân hàng trái ngược với Corbat. Lloyd C. Blankfein, CEO của Goldman Sachs, đã chọn cách nâng cao hình ảnh của mình bằng việc trả lời phỏng vấn trên truyền hình và nhận lấy vai trò của một nhân vật lão thành của phố Wall. Dimon vẫn là một trong những lãnh đạo nổi tiếng nhất trong giới ngân hàng, với những lời ca tụng hoa mỹ nhất - cả trên sách báo viết về riêng nhân vật này - về thành tích chèo lái JPMorgan đi qua cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhưng Corbat vẫn chọn chiến lược giấu mình. Sau khi lên nắm quyền, Corbat nói với các cấp dưới cố vấn cho mình, bao gồm Giám đốc Quan hệ công chúng Edward Skyler, Trưởng bộ phận Quan hệ khách hàng Susan Kendall và Giám đốc Tài chính John C. Gerspach rằng, ông muốn hồ sơ của mình thật lặng lẽ, thời gian của ông sẽ tập trung vào các buổi gặp mặt với nhà quản lý, khách hàng và các nhà phân tích.

“Tôi không muốn gặp các cơ quan quản lý trên truyền hình”, Corbat nói.

Để tránh sự nổi tiếng, nhóm lãnh đạo đã lập tức quyết định, Corbat không nên phát biểu ở Diễn đàn Kinh tế thế giới hàng năm ở Davos, Switzerland, một sự kiện dành cho những người quyền lực và tìm kiếm quyền lực. Ngược lại, trong năm ngoái, Corbat đã thực hiện hàng trăm buổi gặp mặt kín với khách hàng, nhà đầu tư và gặp mặt với Tổng thống Obama hai lần.

Cách xây dựng hình ảnh này thậm chí đã tạo lòng tin cho một trong những nhân vật phản biện lớn tiếng nhất phố Wall. Michael Mayo, một chuyên gia phân tích từng thường xuyên chỉ trích gay gắt Citigroup thời kỳ trước khi Corbat nhậm chức, trong buổi gặp mặt thường niên hồi tháng 4, trái ngược với thông lệ lại cất lời khen ngợi Ngân hàng.

“Mike (Michael L. Corbat còn được gọi là Mike) và những gì Mike thể hiện là dấu hiệu cho một khởi đầu lớn”, Mayo nói.       

>> CEO ngân hàng: Nghề rủi ro

>>CEO Vietcombank làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

>>Sếp ANZ ngồi ghế CEO Ngân hàng VIB