CEO NamA Bank: “Đã chấp nhận cuộc chơi, cần chọn lối đi riêng”

(ĐTCK) Trò chuyện với ĐTCK trong dịp đầu Xuân, ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (NamA Bank) cho rằng, một khi đã chấp nhận cuộc chơi, ngân hàng nhỏ nên chọn lối đi riêng để có thể cạnh tranh, tồn tại. Để làm được điều đó, trước hết đòi hỏi các ngân hàng nhỏ phải có tính chuyên nghiệp cao và quản trị ngày càng nâng tầm để có thể dễ dàng xoay chuyển trước diễn biến của thị trường cũng như các chính sách. 
CEO NamA Bank: “Đã chấp nhận cuộc chơi, cần chọn  lối đi riêng”

Một năm đi qua với không ít khó khăn cho ngành ngân hàng, ông có kỳ vọng vào sự khởi sắc hơn của ngành trong năm nay hay không, thưa ông?

Việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã đạt được kết quả nhất định trong năm qua, nhất là ổn định tỷ giá, giảm lãi suất, thanh khoản dồi dào. Tuy nhiên, kinh tế 2014 sẽ còn có những khó khăn nhất định và ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Các chính sách vĩ mô tiếp tục hướng tới sự ổn định thì khả năng tín dụng năm nay cũng chỉ sẽ xoay quanh mức tăng trưởng 12 - 14%. Mặt khác, trước diễn biến thị trường hiện nay, doanh nghiệp còn khó khăn do tồn kho và sức mua chưa được cải thiện nhiều, thì cơ hội tăng trưởng tín dụng trong năm nay chưa thể kỳ vọng đột biến, nhưng sẽ có thuận lợi hơn khi lãi suất giảm, nợ xấu cũng được xử lý thông qua VAMC. 

Như ông nói thì lãi suất không còn là áp lực với người vay cũng như tăng trưởng tín dụng năm nay?

Lãi suất hiện đã giảm nhiều so với trước đây, nên tôi cho rằng sẽ không còn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp. Thực tế, trước đây, giai đoạn 2006 - 2008, mặt bằng lãi suất cho vay khá cao, khoảng 14 - 16%/năm, song các doanh nghiệp vẫn vay vốn để đầu tư, sản xuất - kinh doanh, do nền kinh tế tăng trưởng cao. Còn hiện nay, khi lãi suất đã giảm nhiều, song nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn không cao. Nguyên nhân là do hàng hóa làm ra khó tiêu thụ để bù đắp các khoản chi phí và lãi vay. Mặt khác, nợ xấu vẫn là một trong những rào cản đối với ngân hàng trong mở rộng tín dụng.

Cuối năm được coi là mùa kinh doanh cao điểm, các doanh nghiệp thường tìm đến ngân hàng để xin được vay và nhận nợ, ngân hàng cũng phải cân đối từng đồng để ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thế nhưng, trong mùa kinh doanh cuối năm nay, tình hình đã thay đổi, nhu cầu vốn doanh nghiệp không cao, ngân hàng phải thúc doanh nghiệp nhận nợ.

Chiến lược của NamA Bank là đi vào các phân khúc nhỏ lẻ như: khu phố, chợ, tiểu thương, cán bộ nhân viên…

Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng Thông tư 02/2013 vào tháng 6 tới sẽ khiến nợ xấu của các ngân hàng tăng lên và trở thành rào cản lớn đối với tín dụng. Ông có cùng chung quan điểm này?

Các quy định của Thông tư 02 mang chuẩn mực quốc tế, do vậy, việc áp dụng thông tư này sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo an toàn trong hoạt động. Tuy nhiên, nếu áp dụng sớm cũng sẽ có những hạn chế và khó khăn cho hoạt động ngân hàng.

Vì thế, theo quan điểm của tôi, nếu Thông tư 02 được áp dụng đúng thời hạn là tháng 6/2014, thì không nên áp dụng hồi tố. Còn nếu có hồi tố, thì cần giãn thời gian thực hiện Thông tư, có thể là đến hết năm 2014, do tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. 

Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp kích cầu thị trường bất động sản. Theo ông, các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản đó sẽ tác động ra sao đến tăng trưởng tín dụng?

Tôi cho rằng, việc gói tín dụng 30.000 tỷ đồng vừa được NHNN tiếp tục giảm thêm 1%/năm lãi suất sẽ là điều kiện tốt để kích cầu thị trường bất động sản, tạo cơ hội tốt cho cá nhân vay mua nhà. Từ phân khúc khách hàng nhỏ lẻ được kích thích sẽ kéo theo các phân khúc trung và lớn. Một khi chính sách tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực bất động sản được kích cầu người mua, từ đó tồn kho bất động sản giảm và nợ xấu ngân hàng cũng có thể xử lý được tốt hơn. 

Thị trường khó khăn khiến lợi nhuận năm qua của các ngân hàng sụt giảm mạnh, do phải trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu cao. Tình hình cụ thể ở NamA Bank ra sao và Ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2014 thế nào, thưa ông?

Trong năm qua, hoạt động kinh doanh của NamA Bank tương đối khả quan. Tổng tài sản của Ngân hàng tính đến cuối năm 2013 đạt trên 29.000 tỷ đồng; trong đó, tổng nguồn vốn huy động đạt trên 16.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt kế hoạch, sau khi được nâng room lên 30%. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng vốn huy động cho vay của NamA Bank hiện chỉ mới đạt 75%. Nợ xấu của NamA Bank đến cuối năm 2013 ở mức an toàn, chiếm 2,4% tổng dư nợ và Ngân hàng không có kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC.

Nhìn chung, các kết quả đạt được của NamA Bank trong năm qua ở mức tương đối tốt. Theo tôi, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, khó có thể kỳ vọng được lợi nhuận cao và thực tế cho thấy, hầu hết các ngân hàng chỉ đạt được 50 - 60% kế hoạch lợi nhuận xây dựng. Thậm chí, một số ngân hàng còn thấp hơn, do phải trích lập dự phòng cao. Còn các chỉ tiêu hoạt động năm 2014 đang được HĐQT NamA Bank xem xét để trình cổ đông.

Để phát triển bền vững trong lúc này, theo ông, ngân hàng nhỏ cần làm gì?

Kinh tế suy thoái và cạnh tranh trong ngành ngày một gay gắt, khiến hoạt động của các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ ngày càng chồng chất. Các ngân hàng nhỏ khó đẩy mạnh tín dụng, khi trần chung cho tăng trưởng của ngành vẫn được khống chế, dù NHNN sẽ linh hoạt trong việc nới “room” tín dụng cho các ngân hàng. Ngoài ra, rủi ro nợ xấu cũng là một trong những rào cản lớn trong cho vay.

Tuy nhiên, một khi đã chấp nhận cuộc chơi, ngân hàng nhỏ cần chọn lối đi riêng để có thể cạnh tranh, tồn tại. Để làm được điều đó, trước hết đòi hỏi các ngân hàng nhỏ phải có tính chuyên nghiệp cao và quản trị ngày càng nâng tầm để có thể dễ dàng xoay chuyển trước diễn biến của thị trường cũng như các chính sách. Đồng thời, tính minh bạch trong quá trình hoạt động luôn là tiêu chí đặt lên hàng đầu để tiến tới các chuẩn mực của quốc tế.

Vậy NamA Bank đã tìm được “ngách” riêng cho quá trình phát triển bền vững?

Chiến lược của NamA Bank là đi vào các phân khúc nhỏ lẻ như: khu phố, chợ, tiểu thương, cán bộ nhân viên… tức Ngân hàng sẽ tập trung vào chiến lược đẩy mạnh cho vay ở phân khúc nhỏ lẻ. Cơ cấu tín dụng ở phân khúc này tại NamA Bank trong năm qua cũng chiếm mức khoảng 50% tổng dư nợ cho vay. Bên cạnh đó, NamA Bank sẽ đẩy mạnh cho vay đối với phân khúc DN vừa và nhỏ, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu và gia tăng hỗ trợ vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này và kỳ vọng kết quả cũng phải có thời gian, chứ không thể trong một sớm một chiều. Mặt khác, NamA Bank đang từng bước nâng tầm sự chuyên nghiệp trong việc bán hàng.

NamA Bank được NHNN cho phép tự tái cơ cấu và chúng tôi cũng có lộ trình chiến lược 5 năm. Năm 2014, NamA Bank tiếp tục phòng thủ và tập trung xử lý nợ xấu để ưu tiên mục tiêu an toàn lên hàng đầu, nhưng bên cạnh đó vẫn có chiến lược tăng tốc phát triển. Trong đó, NamA Bank sẽ tìm “ngách” đi riêng trong đẩy mạnh bán lẻ. 

Giữ chức vụ CEO của NamA Bank gần 1 năm qua, ông cảm thấy đã hài lòng điểm nào và còn trăn trở điều gì?Năm qua, NamA Bank có cắt giảm nhân sự, thưa ông?

Mục tiêu của NamA Bank là làm thế nào để sinh khí làm việc và cuộc sống của cán bộ nhân viên phải gắn bó với sự phát triển của Ngân hàng. Như vậy, những người đang công tác tại NamA Bank mới cảm thấy yên tâm để có thể cống hiến hết mình trong công việc và chúng tôi đã nhận thấy được điều đó. Năm qua, NamA Bank không cắt giảm nhân sự và giảm lương, nhưng vẫn tuyển bù đắp thêm 200 nhân sự mới để bù đắp cho những người nghĩ việc trong năm 2013 vì nhiều lý do khác nhau.

Có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và từng quản lý hoạt động khu vực miền Trung của một nhà băng lớn có số lượng nhân sự tới 1.000 người, việc điều hành NamA Bank với ông lúc này chắc hẳn không quá áp lực?

Tôi cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, hoạt động ngân hàng ảnh hưởng thì áp lực đối với người lãnh đạo làm thế nào để điều hành hiệu quả, tạo ra lợi nhuận trong kinh doanh… là rất lớn.

Nhưng để có những quyết định đúng đắn và nắm bắt được những cơ hội trong môi trường kinh doanh nhiều thử thách, khó khăn hiện nay, bản thân người lãnh đạo cũng không thể tự tạo áp lực quá lớn cho chính bản thân. Vì thế, tôi sẽ hạn chế tạo áp lực cho chính mình, mà quan trọng hơn là tìm giải pháp để thực hiện mục tiêu.

16 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trong đó đã có 12 năm công tác và giữ các chức vụ trọng yếu tại Sacombank, đã giúp tôi nhận ra điều đó.

Tin bài liên quan