Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg 19/10 cho biết ưu tiên hàng đầu của mạng xã hội này là đưa ra một chương trình bảo mật mới sau khi thanh toán khoản tiền phạt 5 tỷ USD với Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC).
"Điều quan trọng nhất mà chúng tôi đang thực hiện là triển khai chương trình này," ông Zuckerberg cho biết, trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Mỹ, Fox.
Chương trình bảo mật mới là một phần của thỏa thuận giữa Facebook với FTC để khép lại cuộc điều tra từ tháng 3/2018, sau khi nổ ra vụ bê bối công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica truy cập dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook.
FTC khi đó cho rằng Facebook đã vi phạm các điều khoản của thỏa thuận năm 2011, trong đó yêu cầu công ty truyền thông xã hội lớn nhất thế giới phải cung cấp cho người dùng thông báo rất rõ ràng khi dữ liệu của họ được chia sẻ với bên thứ ba.
"Tôi hiểu rằng mọi người có rất nhiều mối quan tâm về vấn đề này, và trong quá khứ chúng tôi đã phạm sai lầm và chúng tôi cần đảm bảo rằng chúng tôi có thể có được sự tin tưởng của mọi người," ông Zuckerberg nói.
"Chúng tôi có thể làm điều đó bằng cách vận hành ở mức độ nghiêm ngặt và có một chương trình bảo mật đặt ra một tiêu chuẩn mới cho ngành công nghiệp dịch vụ Internet."
Là một phần của thỏa thuận mới với FTC, Facebook được yêu cầu phải lập ra một giám đốc giám sát chương trình bảo mật mới. Vào tháng 7, công ty này đã đề cử giám đốc điều hành lâu năm Michel Protti cho vị trí này. Nếu được bổ nhiệm, ông Protti sẽ phải có các báo cáo xác nhận hàng quý của FTC rằng Facebook tuân thủ chương trình bảo mật.
Ông Zuckerberg cho biết có kế hoạch có bố trí hơn 1.000 người làm việc trong chương trình bảo mật mới.
Trước đó cùng ngày 18/10, ông Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề truyền thông toàn cầu của Facebook, đã xuất hiện trên kênh truyền hình Mỹ MSNBC để bảo vệ quyết định của công ty không áp dụng chế độ kiểm tra thực tế nội dung được đăng trên trang web của các chính trị gia, ngay cả khi những nội dung có chứa thông tin sai lệch.
Theo ông Clegg, Facebook là một công ty tư nhân do đó "không phù hợp" để đóng vai trò của một trọng tài để "phân xử chính xác những gì các chính trị gia có thể và không thể nói về nhau".