Ông Lê Trí Thông
Vượt bão Covid
Giữa tháng 12/2022, ông Lê Trí Thông, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc (CEO) PNJ là 1 trong 5 doanh nhân trẻ được trao giải “Doanh nhân trẻ xuất sắc TP.HCM” lần thứ 11. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh các doanh nhân vừa sản xuất giỏi, chấp hành tốt các quy định quản lý của Nhà nước, vừa chăm lo, đào tạo phát triển tốt đội ngũ công nhân lao động, thực hiện các hoạt động nghĩa tình hướng đến cộng đồng...
Ngồi “ghế nóng” CEO PNJ từ tháng 4/2018, chặng đường gần 5 năm qua của doanh nhân sinh năm 1979 gắn liền với giai đoạn môi trường kinh doanh biến động khó lường, với những khó khăn chưa từng có tiền lệ gây ra bởi đại dịch Covid-19. Do vậy, giải thưởng này ghi nhận con tàu PNJ dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Lê Trí Thông đã “vượt bão” thành công.
Chia sẻ về giai đoạn đại dịch bùng phát, gây trở ngại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, ông Thông khẳng định, “chính tinh thần chiến đấu, xông về phía trước là yếu tố giúp vực dậy tinh thần cho các chiến binh PNJ để cùng nắm chặt tay nhau vượt qua mọi giông bão”. PNJ đã tái cấu trúc, sắp xếp lại mô hình công ty, tổ chức lại hệ thống và đặc biệt xây dựng hệ thống công nghệ thông tin nhằm thay đổi, thích ứng với bối cảnh đại dịch. Thực tế cho thấy, trong năm 2021, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó bán lẻ là ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, PNJ dù mới gia nhập ngành bán lẻ trong vài năm trở lại đây nhưng vẫn đạt được những con số doanh thu, lợi nhuận, khách hàng ấn tượng. Trong 11 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần đạt 31.063 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.640 tỷ đồng, lần lượt tăng 85,4% và 96,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Năm 2022, PNJ đề ra kế hoạch 25.835 tỷ đồng doanh thu và 1.320 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 11 tháng, Công ty vượt 20,2% chỉ tiêu doanh thu và 24,2% chỉ tiêu lợi nhuận năm. Theo CEO PNJ, trong tháng 11/2022, dù sức mua chung của các ngành bán lẻ có dấu hiệu chậm lại, song doanh thu và lợi nhuận của Công ty vẫn tăng trưởng tích cực.
Tình hình kinh doanh của PNJ có sự tăng trưởng đồng đều ở các kênh. Doanh thu kênh bán lẻ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng 92,3% so với cùng kỳ năm 2021 nhờ hoạt động phát triển khách hàng mới, chăm sóc khách hàng cũ hiệu quả, cùng với các chương trình tiếp thị bán hàng đa dạng, phù hợp với bối cảnh thị trường và khách hàng mục tiêu. Doanh thu kênh bán sỉ đạt mức tăng trưởng 71,6% trong cùng thời gian nhờ phát triển tập khách hàng sỉ hiệu quả và chiến lược hàng hóa phù hợp nhu cầu thị trường. Trong khi đó, doanh thu bán vàng 24K tăng 84,8% do sự thay đổi xu hướng đầu tư và nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô và địa chính trị quốc tế còn nhiều biến động.
Đẩy nhanh chuyển đổi số
Theo ông Thông, cứ sau 5 năm, PNJ sẽ “nhấn nút F5 để refresh”, xem lại chiến lược của mình còn phù hợp hay không và toàn thể các thành viên đều học hỏi, tái tạo để tạo nên những điều mới mẻ cho doanh nghiệp. Hơn 2 năm đại dịch cũng là giai đoạn PNJ nỗ lực làm mới mình tích cực nhất, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số hoạt động của doanh nghiệp.
Để chuyển đổi số thành công, ông Thông cho biết, PNJ luôn cân nhắc hiệu quả từng dự án với số liệu cụ thể, tỷ lệ thu hồi và tuổi thọ của công nghệ. Công ty đã hợp tác với nhiều start-up công nghệ để bám sát tốc độ thay đổi của thế giới. Ông Thông cũng đã đưa ra định nghĩa bán lẻ mới, đó là mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng nhằm mang đến nhiều sản phẩm đến với người tiêu dùng và được áp dụng trong mọi hoạt động kinh doanh của PNJ.
“Nhu cầu của khách hàng thay đổi, tư duy của người làm marketing phải khác, phải tận dụng công nghệ để tiếp cận đúng với nhóm khách hàng. Từ đó, khai thác và có những phân tích về hành vi, quản lý dữ liệu để biết khách hàng có nhu cầu vào thời điểm nào và tương tác với họ”, ông cho biết.
Điều này cũng được chứng minh từ thực tế trong thời gian dịch bệnh diễn ra, khách hàng hạn chế đi lại do phải thực hiện quy định giãn cách xã hội, PNJ chuyển hóa hệ thống bán lẻ đa kênh, vận hành thành công hệ thống ERP - SAP 4HANA để quản trị và sử dụng tối đa tiềm năng các nguồn lực. Công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) được đưa vào phân tích xu hướng tiêu dùng, cải tiến hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM). PNJ còn ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình sản xuất, đưa hệ thống camera ứng dụng AI vào cửa hàng để thu thập, cung cấp dữ liệu cho công tác phân tích hành vi khách hàng.
Trên thực tế, ông đã cùng với Ban lãnh đạo PNJ tái định vị chiến lược, chuyển đổi mô hình kinh doanh, hướng đến một nhà bán lẻ chuyên nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy tiến trình số hóa tại PNJ nhằm phát triển, tối ưu hóa các nguồn lực và hoàn thiện mô hình bán hàng đa kênh.
Tái tạo năng lượng liên tục cho nhân sự
Trải qua hành trình gần 35 năm, PNJ luôn xem con người là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Điều này đã thể hiện rất rõ nét khi biến cố dịch bệnh ập đến. Xác định con người là nền tảng cốt lõi dẫn đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, trong đại dịch Covid-19, PNJ đảm bảo cho người lao động luôn an tâm về tài chính và an toàn sức khoẻ, để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Giai đoạn 2020 - 2021, giống như hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát Covid-19. Doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, cùng với đó là những dư chấn nghiêm trọng do đại dịch. Muốn đứng vững và vượt qua khủng hoảng thì điều mà doanh nghiệp cần làm trước tiên chính là ổn định nội lực, đề ra chiến lược quản lý nguồn nhân lực phù hợp, có đối sách linh hoạt và phù hợp với mục tiêu, định hướng kinh doanh dài hạn. Trước tình hình đó, đồng lòng chính là yếu tố tiên quyết, từ Ban lãnh đạo đến đội ngũ nhân viên cùng nắm tay nhau đồng lòng vượt qua cơn bão. Những kịch bản ứng phó trước biến cố xảy ra giúp cân bằng lại sự xáo trộn nhịp sinh hoạt trong công việc lẫn tinh thần của toàn thể nhân viên gần 7.000 người đang làm việc tại PNJ.
Ông Thông chia sẻ: “Khi những áp lực và những đòi hỏi ứng biến liên tục dần trở nên quá tải, mỗi người trong chúng ta đều cần được tái tạo năng lượng. Đầu tư cho con người là sự đầu tư để tạo nên sự đồng lòng, để chúng tôi cùng nhau nắm chặt tay xuyên qua cơn bão Covid-19”.
Cán bộ nhân viên PNJ đã tận dụng thời kỳ giãn cách xã hội để tăng cường hoạt động “refresh”, từ tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, gia tăng năng lực thực thi, cho đến đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, lên kế hoạch chương trình, dự án mới, nhất là công nghệ. Từng học tập và làm việc tại nước ngoài, kinh qua nhiều vị trí quan trọng tại DongA Bank trước khi gia nhập PNJ, ông Thông rất tâm đắc với triết lý quản trị nhân sự khai phóng.
“Mỗi người đều tiềm ẩn những khả năng, thế mạnh riêng, điều người lãnh đạo cần làm là thấy được giá trị tiềm ẩn của cấp dưới và khơi gợi để họ bộc lộ những thế mạnh đó. Tôi tin rằng, ngay cả với những vị trí thấp cũng có thể tạo ra giá trị đóng góp lớn”, ông Thông nhấn mạnh.
Ông Lê Trí Thông sinh năm 1979, từng là thủ khoa Đại học Bách khoa TP.HCM và thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Đại học Oxford - Vương quốc Anh năm 2005. Sau khi hoàn thành khóa học MBA, ông có thời gian ngắn làm việc tại Exxon Mobil - một tập đoàn lớn của Anh trước khi về Việt Nam để bắt đầu công việc kinh doanh. Giai đoạn 2008 - 2012, ông làm Phó giám đốc DongA Bank kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thẻ thông minh ViNA - V.N.B.C. Tháng 2/2014, ông Thông quyết định thôi giữ vị trí Phó tổng giám đốc của Ngân hàng.
Tháng 4/2017, ông trúng cử thành viên Hội đồng quản trị tại đại hội cổ đông của PNJ và được bầu giữ vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ nhiệm kỳ 2017 - 2022. Ngày 21/4/2018, Hội đồng quản trị PNJ thông qua quyết định bổ nhiệm ông giữ chức Tổng giám với nhiệm kỳ 5 năm.