CEO KOVA Trading Nguyễn Duy

CEO KOVA Trading Nguyễn Duy

CEO KOVA Trading Nguyễn Duy: Sống và thở cùng nghiệp kinh doanh

Xuất thân từ gia đình giàu truyền thống nghiên cứu khoa học, Nguyễn Duy đã từng phải đánh vật khi trả lời câu hỏi “chọn con đường nghiên cứu khoa học hay kinh doanh?”, nhưng khi đã chọn lựa, Nguyễn Duy được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu KOVA sang một bước phát triển mới.

Muốn kinh doanh phải “vượt sướng”

Trong nhiều lần gặp gỡ với anh, Nguyễn Duy luôn rất kính trọng khi đề cập đến bà ngoại của mình, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA, chính là thần tượng, là thầy, người truyền lửa cho Duy khi gánh trách nhiệm kinh doanh, kế nghiệp gia đình.

Anh chia sẻ: “Hồi còn đi học, những lần chứng kiến bà vất vả trong phòng thí nghiệm, một mình ra nước ngoài tiếp thị sản phẩm, rồi đến bố mẹ cũng vất vả, thao thức vì điều đó, tôi đã tự nhủ sau này phải có trách nhiệm cáng đáng công việc cùng với bà và bố mẹ”.

Từng là học sinh lớp chuyên sinh nhưng Nguyễn Duy được mẹ định hướng theo con đường kinh doanh. Anh quyết định chọn học Kinh tế - Tài chính tại Singapore Institute of Management và sau đó là thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Aston Business School (Anh quốc).

“Nhờ có động lực rõ ràng nên mỗi bài học với tôi đều rất bổ ích, tôi luôn kết nối bài giảng vào thực tế của KOVA, lấy thực tế của KOVA làm điển hình cho các buổi thảo luận, ngay cả luận án tốt nghiệp tôi cũng làm về KOVA. Đến hôm nay tôi vẫn cho rằng theo nghiệp kinh doanh là một quyết định đúng. Tôi đã, đang sống và thở cùng nó”, Nguyễn Duy tự hào.

Cũng cần phải nói thêm, Tập đoàn Sơn KOVA ra đời từ một phòng thí nghiệm nhỏ ở Đại học Bách khoa TP.HCM. Sau hơn 22 năm phát triển, hiện nay KOVA đã có 12 công ty thành viên đóng tại địa bàn 5 quốc gia, với nhiều dòng sơn rất đa dạng, như sơn trang trí, sơn giao thông, sơn công nghiệp, sơn kim loại…

Khi chia sẻ về điều này, Nguyễn Duy thẳng thắn thừa nhận KOVA đã ra đời hơn 20 năm, nhưng xét về tính đại chúng, thương hiệu KOVA vẫn còn khá khiêm tốn. Dù rằng trong thực tế, các sản phẩm sơn và chống thấm của KOVA đã đi từ trong nước đến quốc tế. Đó là chưa kể, sản phẩm chống thấm CT 11A của KOVA thành công đến nỗi bị chính một số thương hiệu chống thấm nước ngoài nhái thương hiệu.

Điều này một phần cũng là do ngay từ lúc sáng lập, PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe đã xác định nghiên cứu khoa học là thế mạnh của KOVA và cạnh tranh với những thương hiệu ngoại khác bằng chính những sản phẩm công nghệ cao.

“Cũng chính vì tập trung vào R&D, không đầu tư vào quảng bá thương hiệu nên có nhiều người còn lầm tưởng KOVA là của nước ngoài. Tôi khoan đặt tới vấn đề lợi nhuận, mà nhiệm vụ đầu tiên tôi đặt ra cho mình là làm sao để KOVA không còn quá lạ lẫm như trước, để không phải lạ ngay trên chính sân nhà”, Duy chia sẻ lý do vì sao thành lập KOVA Trading.

Cần phải nói thêm, KOVA Trading chỉ là một trong số 12 công ty thành viên của Tập đoàn Sơn KOVA, nhưng lại có vị trí quan trọng với nhiệm vụ chính là thương mại sản phẩm KOVA trong và ngoài nước. Nói để dễ hình dung, KOVA của gia đình làm nhiệm vụ nghiên cứu và sản xuất và toàn bộ sản phẩm sẽ được KOVA Trading phân phối.

Duy thừa nhận lấy được lòng tin của bà và ba mẹ đã được xem là một nửa thành công bởi ai cũng sợ Duy không kham nổi, không thể gánh được những đối tác, những nhà phân phối mà trước giờ họ chỉ quen làm việc với cách cũ của KOVA và chỉ quen làm với ba mẹ Duy.

Anh kể, những ngày đầu, văn phòng KOVA Trading chỉ mới có mỗi… Duy. Gia đình hậu thuẫn, nhưng không phải là cầm tay chỉ việc. Anh khởi nghiệp thật sự từ việc thành lập công ty, lo liệu giấy tờ, tuyển dụng, vạch chiến lược, từ việc nhỏ nhất đến lớn nhất, đều phải tự lo liệu.

Xác định cái mình thiếu nhất là kinh nghiệm thực tế, anh đi đến từng cửa hàng ở TP.HCM, Vũng Tàu và xuống cả miền Tây để xem thị trường sơn bên ngoài sách vở thật sự như thế nào, quan sát từ cách trưng bày, cách người bán, người mua, thùng sơn KOVA ở đâu, như thế nào ở mỗi cửa hàng ấy, để biết KOVA thật sự đang thiếu gì và cần làm gì.

“Không như ở nước ngoài, ở Việt Nam người trẻ rất hay bị hoài nghi, càng trẻ tuổi lại càng bị nghi ngờ về năng lực”.

Chưa đến 30, điều hành KOVA Trading gần 3 năm, anh đã chứng minh được điều ngược lại và đã thật sự đem đến cho KOVA một làn gió mới. Tuy nhiên, Duy vẫn không dám nhận đó là công sức của riêng mình. “Đó là thành quả của cả đại gia đình, và cả một ê kíp đã dám cùng tôi làm điều khác biệt. Không hẳn là phải nổi tiếng, mà để người ta biết hàng Việt cũng chất lượng thế nào. Tại sao người Việt lại chưa thể và không thể tự hào về hàng Việt?”, Duy nói.

Văn phòng mới của KOVA - tâm huyết của Duy về ngôi nhà thứ hai cho các cộng sự của mình  

Kiến tạo không gian riêng

“Ở KOVA Trading, tôi đã và đang thu hút nhân tài ở nhiều mảng khác nhau, xây dựng mô hình quản trị mới và tổ chức thành một bộ máy để khi không có mặt tôi, thì hệ thống vẫn có thể vận hành tốt”, Duy nói về những cộng sự đã sát cánh cùng anh trong mấy năm qua, đa số họ đều rất trẻ. Đầu tư vào nhân sự trẻ, coi họ là người đã, đang và sẽ đồng hành cùng mình tạo ra những giá trị lớn hơn, đang được Duy xem là định hướng cốt lõi.

Anh mong muốn sẽ tự tạo dựng được một không gian làm việc theo cách riêng của mình, gần gũi, hiện đại để tất cả nhân viên được tự do sáng tạo, gắn bó theo đúng nghĩa “ngôi nhà thứ hai”. Và dự định này Duy cũng vừa kịp hoàn thành trước khi bước sang năm 2017.

Một tòa nhà khang trang được đưa vào hoạt động, từng tầng, từng khu vực đều là tâm huyết và ý tưởng của anh. Niềm mơ ước 3 năm trước của anh đã dần trở thành hiện thực. Đây được đánh giá là một trong những văn phòng đẹp và hiện đại ở TP.HCM.

KOVA từng được biết tới là một trong những doanh nghiệp có hoạt động vì cộng đồng (CSR) rất nổi bật qua Giải thưởng KOVA. Ngoài việc khuyến khích các công trình khoa học và các tấm gương tiêu biểu trong xã hội, KOVA cũng hỗ trợ cho hàng nghìn sinh viên xuất sắc trên cả nước trong suốt 14 năm qua.

Hai mùa giải thưởng gần đây, rất nhiều hoạt động được Duy đầu tư cho sinh viên, cả về tài chính và đào tạo với hy vọng “chia sẻ lại cho các bạn một chút gì may mắn Duy có và cùng tạo ra những giá trị lớn hơn”. Giải thưởng bằng tâm huyết của Duy đã thấy rõ sự mở rộng về quy mô so với trước.

Chỉ qua gần 3 năm từ khi Duy tham gia, KOVA đã “khác” đi rất nhiều. Thị trường nước ngoài được mở rộng hơn, bên cạnh các thị trường đã khai phá thành công là Singapore, Malaysia, Indonesia…, KOVA bắt đầu đi xa hơn tới Malta và đặc biệt là Nga. Thị trường với điều kiện khí hậu nóng lạnh khá khắc nghiệt như Nga đã rất ấn tượng với công nghệ sơn Nano từ vỏ trấu đầu tiên trên thế giới của KOVA, và chỉ sau chuyến đi Moscow vào giữa năm 2016, KOVA đã nhận ngay đơn hàng cho thị trường đầy tiềm năng này.

Cái “khác” nữa còn ở hệ thống phân phối trong nước, được Duy cải tổ và xây dựng lại bài bản hơn dù gặp không ít “sóng gió”. Sơn KOVA đi vào những dự án lớn hơn, không chỉ là các khu đô thị, chung cư dân dụng, mà còn các công trình của Nhà nước (mới nhất là Văn phòng Chính phủ).

Câu chuyện về Duy có lẽ kể mãi vẫn không hết. Điểm dễ nhận dạng nhất ở chàng trai này là sự nhiệt huyết và đầy năng lượng, nhiều dự định ấp ủ như thể thời gian sẽ không bao giờ là đủ cho mọi việc. Có thể vì vậy mà nhìn bề ngoài, cũng dễ thấy anh già dặn hơn tuổi thật.

Để chốt lại cho câu hỏi: nỗ lực của 3 năm qua đã đủ thấy tự hào, Duy chia sẻ: “Vẫn còn quá sớm để nghĩ đến chữ thành công, chưa đến lúc để phải nhìn lại và tự hào bởi vẫn còn rất nhiều điều còn chờ tôi làm phía trước”. Sự “tham công tiếc việc” này xem ra lại rất giống với người bà và cũng là thần tượng của anh - PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe.

Chat với Nguyễn Duy

Một ngày anh dành bao nhiêu thời gian cho công việc?

Gia đình tôi có truyền thống dù công việc có bận cách mấy thì bữa cơm gia đình vẫn phải duy trì, để mọi người nghỉ ngơi, quan tâm chăm sóc nhau. Tất cả thời gian còn lại mới dành hết cho công việc.

Anh rất tâm huyết với khởi nghiệp và đang điều hành Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, anh có thể cho biết lý do vì sao?

Tôi đang đảm nhận vai trò là COO (Giám đốc điều hành) của SVF (Startup Vietnam Foudation). Đây là Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp hoạt động phi lợi nhuận, mang tính xã hội hóa và tập trung vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính cho SVF, tôi còn tham gia sâu vào việc định hướng chiến lược, xây dựng hệ thống và thực hiện các hoạt động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc tế, kết nối với lãnh sự các nước như: Canada, Mỹ, Thụy Sĩ, Phần Lan… Và chỉ qua thời gian ngắn, SVF cũng đã bắt đầu gặt hái được thành quả khi đưa 10 dự án vào chương trình phát triển. Dự kiến năm 2017, con số này sẽ tăng lên thêm 60 dự án.

Tin bài liên quan