1. Chuyện xưa kể rằng, có một anh nông dân nọ thường xuyên gặp phải những chuyện xui xẻo. Một hôm, con ngựa già của anh đột nhiên lăn đùng ra chết khi đang cày ruộng. Người dân trong làng thấy anh đã nghèo lại mất đi phương tiện làm ăn thì xuýt xoa thương hại, nhưng anh vẫn bình tĩnh: “Để rồi xem”. Sau đó, bà con góp tiền mua tặng con ngựa khác, nhưng không may là hai ngày sau, con ngựa này lại chạy mất. Mọi người trong làng lại than “Anh chàng tội nghiệp”, nhưng anh vẫn chỉ nói: “Để rồi xem”.
Vài ngày sau, chú ngựa đó quay trở về cùng một con ngựa khác to khỏe hơn, nhưng vận xui lại kéo tới, anh bị ngã ngựa, gãy chân khi tập cưỡi ngựa. Người trong làng lại được phen bàn tán: “Rõ anh chàng đen đủi”. Lần này, anh vẫn thản nhiên đáp: “Để rồi xem”. Không lâu sau đó, đất nước xảy ra cảnh chiến tranh, trai tráng trong làng tất thảy phải ra trận, nhưng anh nông dân lại được ở nhà vì chân bị tật.
Câu nói “Để rồi xem” nhẹ nhàng nhưng lại ẩn chứa tinh thần lạc quan của anh nông dân nọ khi đối diện với sóng gió, trở ngại. Nhưng trên đời, có mấy ai giữ được sự bình tĩnh, đón nhận mọi chuyện đến với mình bằng tâm thế thoải mái như vậy?
Năm qua, “kinh tế khó khăn” đã trở thành câu “cửa miệng” của nhiều nhà điều hành chính sách, chuyên gia kinh tế, lãnh đạo doanh nghiệp cho tới người dân. Tâm lý bi quan là dễ hiểu, bởi sau một thời gian dài chịu tác động kép của đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới, nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam suy yếu. Dẫu vậy, vẫn có những nhận định “ngược dòng” đến từ các báo cáo của Ngân hàng HSBC về kinh tế Việt Nam và đặc biệt sự lạc quan luôn được ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam thể hiện trong các phân tích, chia sẻ của mình với truyền thông.
Khi được hỏi, liệu có phải ông đang bỏ qua những diễn biến tiêu cực, mà chỉ tập trung vào những điều tích cực, Tim Evans mỉm cười chia sẻ: “Trong cuộc sống luôn có điều tích cực và tiêu cực, đôi khi thật dễ dàng để chỉ tập trung vào những điều tiêu cực và than phiền về chúng. Một khi bạn đi theo lối tư duy đó, bạn sẽ quên cố gắng và nắm bắt những cơ hội tích cực đang tồn tại”.
Ông Tim Evan (bên phải) diện trang phục truyền thống Việt Nam trong dịp Tết đến, Xuân về |
Theo CEO HSBC Việt Nam, mỗi nền kinh tế đều đang tồn tại những khó khăn, những điểm yếu riêng, nhưng góc nhìn của ông về kinh tế Việt Nam và con người Việt là luôn có những giai đoạn thách thức nhưng xu hướng chung vẫn là tích cực và nên tập trung vào điều đó.
“Làm sao để tôi giữ một tinh thần lạc quan? Tôi cố gắng nhìn cuộc đời như là một ly nước đã đầy một nửa, thay vì cốc nước đang vơi một nửa. Tôi luôn thấy mặt tốt đẹp trong mọi việc và tôi tin rằng, với tư duy tích cực, chúng ta sẽ tìm thấy giải pháp cho mọi vấn đề”, ông Tim Evans nói.
2. Tất nhiên, lạc quan là điều cần có ở mỗi người, nhưng đi kèm với đó là sự cố gắng, nỗ lực, chứ không phải vui vẻ ngồi đợi “mọi chuyện sẽ đâu vào đấy”. Theo CEO HSBC Việt Nam, trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, rủi ro, để duy trì doanh nghiệp, thậm chí biến khó khăn thành cơ hội, đưa doanh nghiệp có bước tiến nhảy vọt, một trong những trọng tâm người lãnh đạo cần tập trung chính là tạo dựng được một môi trường phù hợp cho tổ chức. Có nghĩa là, doanh nghiệp cần xây dựng được một đội ngũ những con người xem trở ngại là thách thức cần vượt qua, xây dựng được môi trường nơi mọi thành viên đều có niềm tin rằng họ sẽ có thể vượt qua mọi khó khăn, rút ra những bài học từ quá khứ và tìm kiếm giải pháp cho tương lai.
“Tại HSBC Việt Nam, tôi thấy rất may mắn vì có một đội ngũ luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng đương đầu như thế”, ông Tim Evans nói.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, tăng trưởng và phát triển kinh tế không bao giờ là một đường thẳng, luôn có những giai đoạn thăng và trầm. Một đội ngũ tốt là những người có thể thích nghi, đương đầu với biến động đột ngột từ bên ngoài, biết nâng đỡ nhau trong lúc khó khăn. CEO Tim Evans bảo, ông vô cùng tự hào vì HSBC Việt Nam sở hữu một đội ngũ nhân sự như thế, họ đã cùng nhau đi qua nhiều thách thức trong hơn 4 năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, lạm phát, thanh khoản thị trường siết chặt và nhiều vấn đề khác.
Khi nghĩ đến giới tài chính, người ta thường nghĩ tới hình ảnh những người đàn ông lịch lãm, lạnh lùng trong bộ vest tối màu, nhưng tại HSBC Việt Nam, nhân viên nữ chiếm tới hơn 70%. Ông Tim Evans xem đây là “sự phản ánh rất tuyệt vời về đội ngũ của Ngân hàng và may mắn khi có nhiều đồng nghiệp nữ”. Bởi lẽ, đạo đức nghề nghiệp, khả năng giải quyết vấn đề thông qua hợp tác cùng những đồng nghiệp khác và sự bao dung, truyền cảm hứng của các nữ đồng nghiệp trong những lúc khó khăn chính là yếu tố chính cho HSBC tại Việt Nam ngày một tốt hơn.
Vậy có khi nào ông cảm thấy áp lực? Đối diện với câu hỏi này của người viết, ông Tim Evans thừa nhận là có. “Đó là áp lực phải đảm bảo rằng HSBC là một tổ chức thành công và có đạo đức kinh doanh. Một tổ chức phục vụ Việt Nam và người Việt thông qua những khả năng của Ngân hàng và không bao giờ ngừng cố gắng mở ra một thế giới tràn đầy cơ hội cho các khách hàng của mình”, ông trải lòng.
“Tôi may mắn khi tiếp nhận một đội ngũ nhân viên tuyệt vời vào 4 năm trước và cảm thấy áp lực phải đảm bảo chuyển giao lại cho người kế nhiệm một đội ngũ thậm chí còn tuyệt vời hơn”, ông Tim Evans chia sẻ thêm.
Được biết, tháng 9/2023 đã đánh dấu cột mốc tròn 4 năm ông Tim Evans đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc HSBC Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc nhiệm kỳ 5 năm của vị CEO này sắp trôi qua. Hội ngộ rồi cũng phải chia ly và Tim Evans tự hào về một hành trình tuyệt vời với HSBC Việt Nam trong một giai đoạn nhiều thăng trầm của nền kinh tế. Ông bảo, bản thân mình học được nhiều từ đội ngũ nhân viên của mình, từ con người Việt Nam, giúp ông trở thành một người phụ trách và một con người tốt hơn.
“Có những thời điểm mà cuộc hành trình này thử thách tôi, nhưng tôi học được từ người Việt rằng 'Có công mài sắt, có ngày nên kim'. Hơn 4 năm qua là một trải nghiệm tuyệt vời cho bản thân tôi và cả gia đình. Tôi sẽ không đánh đổi trải nghiệm đó với bất cứ điều gì. Cảm ơn Việt Nam vì những gì đã dành cho tôi”, ông nói khi chia tay với người viết.