Ngày 28/7 vừa qua, CEO hiện tại của Groupon, Rich Williams, đã có cuộc phỏng vấn trên CNBC về chiến lược cải tổ doanh nghiệp. Trả lời cho câu hỏi: “Liệu có phải Groupon và LivingSocial (mô hình kinh doanh deal tương tự Groupon) đang đứng trước cuộc chiến sống còn?”, Williams đã phát biểu: “Tôi cảm thấy chúng tôi đang đấu tranh cho các khách hàng mỗi ngày. Đó không phải là đấu tranh cho sự tồn tại của chúng tôi. Chúng tôi chiến đấu để xây dựng một doanh nghiệp lớn. Chúng tôi chiến đấu để mang lại giá trị cho các cổ đông và cho những người đang phấn đấu trở thành một phần của chúng tôi.”
Trước đó, cổ phiếu của Groupon đã tăng 25,93%, đạt mức 4,75 USD/CP trong phiên cuối tuần, sau khi Công ty công bố khoản lỗ thấp hơn dự kiến trong quý II năm 2016. Dù những nỗ lực cải tổ vẫn đang được CEO Rich Williams kiên trì theo đuổi, song không khó để nhận thấy những điểm yếu của Groupon hiện rõ trong nhiều lĩnh vực như: sự tăng trưởng không mấy ấn tượng trong thu nhập ròng, lợi nhuận đáng thất vọng, dòng tiền hoạt động kém hiệu quả, giá cổ phiếu tăng trưởng yếu…
Những khó khăn của Groupon hiện tại khác xa với triển vọng của Công ty ở thời điểm mới thành lập năm 2008. Cách đây 6 năm, mô hình kinh doanh deal trực tuyến lần đầu tiên ra đời và rất mới mẻ đối với cả người tiêu dùng lẫn nhà cung cấp dịch vụ. Chính vì vậy, Groupon thu hút được nhiều nhà đầu tư và có doanh số khá tốt, nhanh chóng mở rộng ra các thị trường khác thông qua việc mua lại các trang web bán hàng tương tự tại châu Âu, Nam Mỹ, Nhật, Nga và sau đó là Ấn Độ.
Lúc này, Yahoo và Google đã đề nghị mua lại Groupon với giá hơn 3 tỷ USD và hơn 6 tỷ USD, nhưng công ty quyết định từ chối. Sau đó, Groupon tự gọi vốn thêm 1 tỷ USD, chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của Groupon với doanh thu năm 2011 lên tới 760 triệu USD. Với triển vọng đó, tháng 11/2011, khi bắt đầu chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu, các nhà điều hành và đơn vị bảo lãnh phát hành cho Groupon đã đặt giá 20 USD/CP. Giá trị vốn hóa của Groupon khi đó lên tới gần 13 tỷ USD.
Nhưng chỉ khoảng 1 năm sau IPO, hãng phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và nhu cầu khách hàng sa sút. Groupon “lao dốc không phanh” với các sai sót về kế toán và giá cổ phiếu sụt giảm mạnh. Điều này thể hiện việc nhà đầu tư không tin tưởng vào sự tăng trưởng của Công ty, cũng như khả năng điều hành của ban lãnh đạo Groupon. Từ năm 2013 đến 2015, các nhà sáng lập và đồng sáng lập Groupon là Andrew Mason và Eric Lefkofsky lần lượt rời bỏ vị trí CEO trước áp lực từ hội đồng quản trị.
Ngày 23/11/2015, Rich Williams chính thức được bổ nhiệm vào cương vị này. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực bán hàng và marketing sau nhiều năm làm việc tại Amazon và Experian (một công ty dịch vụ thông tin toàn cầu), ông bước vào “cuộc chiến” với hai nhiệm vụ cơ bản được giao phó: đảm bảo mô hình của Groupon phải thích hợp với người tiêu dùng và vạch chiến lược cải tổ công việc kinh doanh để mang lại hiệu quả cao hơn.
Trước đó, vị CEO 41 tuổi này cũng đã giữ chức COO của Groupon trong 5 tháng. Hồi tháng 9/2015, ông đã tuyên bố cắt giảm 1.100 nhân sự, tương đương 10% tổng số nhân viên của công ty trên toàn cầu; đồng thời ngừng hoạt động của Groupon cùng lúc tại 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Maroc, Panama, Puerto Rico, Uruguay, Đài Loan, Philippines và Thái Lan.
“Chúng tôi tin rằng, để mức độ phủ sóng về mặt địa lý trở thành lợi thế, Công ty cần tập trung cả nguồn lực và tiền bạc để hoạt động tại ít quốc gia nhưng có tiềm năng phát triển cao hơn”, Williams nói.
Theo hồ sơ, chiến lược tái cơ cấu Groupon của Williams được thực hiện trong vòng 1 năm. Như vậy, chỉ còn hai tháng nữa, các nhà đầu tư sẽ được chứng kiến kết quả cuối cùng trước khi đưa ra các quyết định tiếp theo cho sự sống còn của doanh nghiệp này.