Theo đó, CEO sẽ bán hàng loạt tài sản bất động sản (hiện có giá ước tới 26,5 tỷ USD) và dần tách riêng Bộ phận tài chính GE (GE Capital). Về bản chất, đây là quyết định thoái vốn đầu tư ngoài ngành của GE nhằm tập trung vào những lĩnh vực sản xuất - kinh doanh cốt lõi như động cơ máy bay, điện tử gia dụng, năng lượng, thiết bị y tế…
Các bất động sản này có thể được bán cho những đối tượng mua tiềm tàng như Tập đoàn đầu tư tư nhân Blackstone Group, Ngân hàng Wells Fargo (đều của Mỹ). Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ bán lại các bất động sản có giá trị lớn nhất kể từ năm 2007, sau khi Blackstone mua lại Equity Office Properties Trust với giá 39 tỷ USD.
Ông Jeff Immelt cho biết, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành sẽ giúp GE tập trung vào các mảng sản xuất công nghiệp giá trị cao, có thể đóng góp 90% lợi nhuận vào năm 2018. Ngoài bất động sản, năm 2013, GE cũng hoàn tất bán mảng giải trí - NBCUniversal cho Tập đoàn Comcast (Mỹ).
Năm ngoái, GE đã tái cơ cấu bộ phận phát hành thẻ tín dụng thành công ty mới có tên là Synchrony Financial. GE Capital hiện là một trong những tổ chức tài chính lớn nhất Mỹ, dù không có mạng lưới chi nhánh như ngân hàng truyền thống.
Ngay sau khi quyết định trên được loan báo rộng rãi, cổ phiếu của GE đã tăng 11%, lên 28,51 USD/cổ phiếu và là cổ phiếu có mức tăng cao nhất thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch này. Trong vòng 10 năm qua, giá cổ phiếu của GE đã giảm 22%, song lại tăng tới 11% chỉ trong 1 phiên. Thực tế này cho thấy, quyết định trên có tác động mạnh như thế nào đến giới đầu tư Mỹ.
Theo nhiều nhà phân tích, không phải ngẫu nhiên mà ông Jeff Immelt lại chọn thời điểm này để công bố quyết định khá táo bạo trên. Ngày 22/4 tới dự kiến sẽ diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên của GE, nên dù chiếc ghế CEO của ông vẫn vững như bàn thạch, song ông vẫn muốn chứng minh cho mọi người thấy, ông cũng quyết đoán và không hề kém cạnh so với người tiền nhiệm, ông Jack Welch. Ông Jack Welch đã từng được tôn vinh là một trong những CEO vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông này đảm nhiệm chức CEO GE 20 năm liên tục (từ năm 1981 đến 2001).
Ông Jeff Immelt lên nắm quyền CEO GE từ ngày 7/9/2001, chỉ 4 ngày trước khi xảy ra thảm hoạ 11/9, khi toà tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới ở New York bị san phẳng. Vụ khủng bố này đã làm thay đổi cả nước Mỹ, đương nhiên là cả các tập đoàn kinh tế Mỹ, trong đó có GE. Song trong gần 14 năm qua, dưới sự lãnh đạo của ông Jeff Immelt, GE đã có bước phát triển khá ấn tượng. Trong năm tài chính 2014 (kết thúc ngày 31/3/2015), doanh thu của GE đạt 148,59 tỷ USD, lợi nhuận thuần đạt hơn 15,23 tỷ USD, cao hơn so với con số tương ứng 130 tỷ USD và 12,7 tỷ USD của năm tài chính 2000.
Dưới thời Jeffrey Immelt, GE cũng đã tạo ra được hình ảnh là tập đoàn mang tính sáng tạo với slogan "Imagination at Work" (tạm dịch là "luôn tưởng tượng khi làm việc") và xa hơn nữa là tiến đến tập đoàn công nghệ xanh của thế kỷ 21. Năm 2005, ông công bố chủ trương "Ecomagination" (tạm dịch: tư duy môi trường) và chính thức đưa GE vào vị trí một doanh nghiệp xanh. Trên thực tế, các giải pháp xanh đang được GE ứng dụng trong việc sản xuất động cơ điện gió, điện khí, pin mặt trời, máy khử nước mặn và công nghệ tái sử dụng nước ngọt.
Ông có duyên nợ với GE, bởi bố ông là Joseph Francis đã từng là nhà quản lý bộ phận động cơ máy bay của GE (GE Aircraft Engines) và gắn bó cả đời với GE. Năm 1982, ngay sau khi có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) của Đại học Harvard, ông Jeff Immelt đã gia nhập GE. Trước đó, năm 1978, ông đã có bằng cử nhân ngành toán ứng dụng của Đại học Dartmouth. Tháng 1/2011, ông được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Việc làm và Năng lực cạnh tranh.
Trong một diễn biến khác, theo thông tin mới nhất, đầu tuần này, Bombardier, tập đoàn sản xuất máy bay và đầu máy, toa xe lớn nhất Canada đã đánh tiếng bán lại mảng sản xuất toa xe đường sắt với giá ước tới 5 tỷ USD. Nếu bán được mảng này, Bombardier sẽ chỉ tập trung vào mảng kinh doanh chủ chốt là sản xuất máy bay. Bombardier hiện là tập đoàn sản xuất máy bay lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Airbus và Boeing.
Điều thú vị là, ngoài Siemens (Đức), Alstom (Pháp), Hitachi (Nhật Bản), thì GE được coi là đối tượng có “máu mặt nhất” để mua lại mảng này của Bombardier.
Được thành lập năm 1892, GE hiện có hơn 300.000 nhân viên làm việc tại 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.