Thị trường chứng khoán Việt Nam không ngoại lệ
Ông Tùng mới trở lại Việt Nam sau hơn một năm ở Canada. Việc quản trị và điều hành Công ty, vốn đã được số hóa từ lâu, trở nên đơn giản khi ông chỉ cần chiếc điện thoại trong tay là có thể nắm được mọi hoạt động của doanh nghiệp theo thời gian thực.
Hơn một năm “mắc kẹt” ở Bắc Mỹ vì đại dịch Covid cho ông Tùng những cảm nhận sâu sắc về sự sôi động của thị trường chứng khoán toàn cầu trong bối cảnh dòng tiền đổ dồn vào kênh đầu tư này.
Ông kể, năm 2021, Chính phủ Mỹ và Canada mạnh tay hỗ trợ người dân, tiền chi thẳng vào tài khoản của người dân. Thậm chí, sinh viên đại học năm thứ hai cũng có thể nhận tiền hỗ trợ do mất thu nhập làm thêm.
Trong đại dịch, người dân ở nhà là chủ yếu, các chi tiêu cắt giảm nên dư dả tiền và có xu hướng “ngồi nhà chơi chứng khoán”. Ở các thị trường chứng khoán Canada hoặc Mỹ, tình trạng nhà đầu tư sử dụng mạng xã hội và rủ nhau đầu tư theo hội, nhóm cũng khá phổ biến, chứ không chỉ thị trường Việt Nam.
Theo ông Tùng, “năm 2021, thẳng thắn nhìn nhận thì hàng mới trên thị trường chứng khoán trong nước không có, cổ phần hóa, thoái vốn hầu như vắng bóng, bởi vậy, những diễn biến sôi động chủ yếu dưới tác động của dòng tiền đổ vào”.
Dưới góc nhìn của vị CEO đã thâm niên gần 20 năm trong ngành, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có được cú huých quan trọng, tức là làm cả xã hội nhìn bằng con mắt khác, số người biết đến chứng khoán tăng lên rất nhiều.
“Fn quay lại, người chưa biết gì cũng nhảy vào khiến vị thế của thị trường chứng khoán rất khác. Thị trường được đẩy lên cấp độ mới về mức độ quan tâm của xã hội, đây là khía cạnh tích cực. Khi nhiều người biết đến chứng khoán, thị trường đã thực hiện chức năng huy động vốn giúp các doanh nghiệp niêm yết khá tốt”, ông Tùng nhận xét.
Theo ông, để thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển và phát huy những mặt tích cực, cần tránh những cú va đập nặng nề, để nhà đầu tư giữ được niềm tin vào kênh đầu tư này và sẵn sàng bỏ vốn cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Không để thị trường cuốn đi
Thị trường chứng khoán bùng nổ đem đến nhiều cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn những cạm bẫy lớn. Ông Tùng chia sẻ, FPTS luôn giữ cho mình một tâm thế tĩnh tại, một sự tỉnh táo cần thiết khi đưa ra các quyết sách kinh doanh.
Ông Tùng kể về khẩu vị quản trị rủi ro chặt chẽ của FPTS đối với giao dịch margin, khi các mã tăng nóng sẽ bị hạn chế cấp margin, từ đó hạn chế được mất mát cho khách hàng khi thị trường biến động mạnh. FPTS luôn quan niệm “giữ an toàn cho khách hàng cũng là an toàn cho chính mình”.
Từ quan niệm đó, ông Tùng đã từ chối đề xuất của cấp dưới về việc triển khai dịch vụ trong mảng trái phiếu doanh nghiệp. Bởi như ông nói, “tôi nhìn thấy rủi ro tiềm ẩn trong lĩnh vực cực kỳ sôi động này”.
Tất nhiên, bằng sự tỉnh táo và đánh giá kỹ tính của mình, FPTS có thể chọn lọc các thương vụ chắc chắn để triển khai, nhưng vị CEO vẫn thấy cần nhất quán với cách đi chắc chắn, chấp nhận mất nhiều doanh thu, lợi nhuận để giữ an toàn cho mình và cho khách hàng.
Ngay với dịch vụ eKYC, FPTS cũng không triển khai bởi e ngại những rủi ro pháp lý có thể xảy ra với chính khách hàng khi việc mở tài khoản, xác nhận danh tính khách hàng và nạp tiền mua bán chứng khoán dường như khá dễ dãi.
Không tiếc nguồn lực cho hệ thống công nghệ
Yếu tố mà FPTS luôn ưu tiên, theo lời CEO Nguyễn Điệp Tùng, là hệ thống công nghệ và dịch vụ tư vấn.
Có thể nói 2021 là năm đầy bận rộn của FPTS khi số lượng nhà đầu tư mới mở tài khoản tăng kỷ lục. Tính đến cuối năm, Công ty có thêm gần 30.000 tài khoản mới, nâng tổng số tài khoản đạt gần 190.000 tài khoản.
Xác định lợi thế là hệ thống giao dịch với những tính năng tự động và trực tuyến để giảm thiểu nhân lực phục vụ và đáp ứng được số đông khách hàng phổ thông (Công ty không quá chú trọng về các chính sách phục vụ khách hàng VIP) nên FPTS thường xuyên chăm chút cho mảng hoạt động này.
Năm 2021, FPTS đã “đắp” thêm hệ thống ngoài kế hoạch dù hệ thống của Công ty chưa đến mức quá tải.
Với quan điểm năng lực hệ thống phải luôn luôn đi trước, ông Tùng yêu cầu bộ phận công nghệ của FPTS phải luôn nhìn trước, dự phòng và lên kế hoạch từ đầu năm để đầu tư sớm và ông cũng không tiếc nguồn lực để đầu tư cho mảng này. FPTS chưa năm nào phải “đắp” thêm hệ thống ngoài kế hoạch. Nhưng năm 2021, Công ty đã phải đầu tư ngoài kế hoạch dù hệ thống chưa đến mức quá tải.
“Thực sự mà nói, quy mô số lượng lệnh của khách hàng không quá lớn nhưng thường tập trung vào một vài giờ cao điểm. Giống như ta có cái nhà to có thể ở được 100 người, nhưng cửa chỉ đi được 10 người, nếu cả 100 người đều muốn qua cửa cùng lúc thì sẽ tắc nghẽn”. Vì vậy, năng lực hệ thống phải cao hơn nhu cầu trong các giờ cao điểm đó, đặc biệt trong những ngày thị trường biến động mạnh.
So với hệ thống công nghệ của các ngân hàng, yêu cầu về tính thời điểm và tốc độ xử lý lệnh của các công ty chứng khoán khắt khe hơn rất nhiều. Nếu như các lệnh chuyển tiền của ngân hàng chẳng hạn, hệ thống xử lý chậm 5 - 10 phút có thể không khiến khách hàng khó chịu.
Nhưng với hệ thống giao dịch của công ty chứng khoán, chỉ cần chậm vài chục giây đến 1 phút sẽ gây bức xúc ngay, bởi điều này có thể khiến cơ hội của khách hàng vuột trôi do diễn biến giá trên bảng điện đã khác.
Do vậy, khi thị trường bùng nổ, tính dự báo và khả năng thích ứng của các công ty chứng khoán để đảm bảo cho thị trường vận hành thông suốt là yếu tố rất quan trọng.
“Bất cứ hệ thống công nghệ nào cũng có thể có lỗi, nhưng điều quan trọng là khi hệ thống bị lỗi, các công ty chứng khoán sẽ xử lý thế nào. Lỗi nhiều hay ít, lỗi nặng hay nhẹ, hệ thống 3 ngày sau mới hoạt động được, hay chỉ 30 phút hoạt động được...
Đó là những điều chúng tôi và các nhà đầu tư cần quan tâm. Chứ ngay cả ở Mỹ, hệ thống của các ngân hàng lớn cũng bị lỗi”, ông Tùng nêu quan điểm.
Năm 2022, ông Tùng cho biết, bên cạnh việc đảm bảo hệ thống vận hành thông suốt, đáp ứng yêu cầu cao của nhà đầu tư, FPTS tiếp tục chú trọng vào mảng tư vấn đầu tư, với mục tiêu gia tăng tài sản khách hàng, bất chấp thị trường có thể diễn biến không thuận lợi, khách hàng cũng hạn chế được rủi ro ở mức cao nhất.
Vị CEO vẫn kiên định với quan điểm để tư vấn được cho khách hàng thì chuyên viên tư vấn không cần có kinh nghiệm đầu tư, nhưng cần có kiến thức, học thuật và cái nhìn độc lập với thị trường.
Ở FPTS, nhân viên tư vấn cũng được rèn một thái độ rất rõ ràng, đó là không nhận cảm ơn của khách hàng khi họ có lãi.
“Lãi lỗ do người quyết định đầu tư, chứ không phải do người tư vấn. Dựa trên những thông tin được cung cấp, nhà đầu tư quyết định tốt, người ta có lãi, sai người ta mất tiền, chứ không phải cái tài của ông tư vấn. Xác định như vậy, ông tư vấn sẽ luôn có cái nhìn độc lập và không bị cuốn theo thị trường”, ông Tùng nói.