CEO FPT: “Hãy giữ thật chặt túi tiền của mình, tập trung đầu tư cho hoạt động cốt lõi"

CEO FPT: “Hãy giữ thật chặt túi tiền của mình, tập trung đầu tư cho hoạt động cốt lõi"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Hãy giữ thật chặt túi tiền của mình, tìm mọi cách để dòng tiền được đảm bảo, hãy chọn cho mình một mảng then chốt nhất để thực hiện, đừng quá lan man vào nhiều việc khác”.

Đó là lời chia sẻ của ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc CTCP FPT (mã chứng khoán FPT - sàn HOSE) chia sẻ tại Diễn đàn kinh doanh 2020 với chủ đề “Xuyên qua vùng nhiễu động”.

Lời khuyến nghị dựa trên dự báo của ông Khoa về tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid 19 vẫn có thể kéo dài đến hết năm 2021, rủi ro dịch bệnh chưa được kiểm soát triệt để…tức doanh nghiệp phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng trong thời gian tới để tiếp tục "sống chung với lũ”.

Kết thúc 8 tháng, FPT giữ tốc độ tăng trưởng 7,6% doanh thu và 11,7% về lợi nhuận so với cùng kỳ. Ông Khoa cho rằng, FPT may mắn vì kinh doanh trong khối công nghệ - chịu ít tác động của đại dịch, nhiều cổ phiếu công nghệ lớn trên thế giới đã có sự bứt phá mạnh.

Các diễn biến từ lúc xuất hiện đại dịch đến nay đều cho thấy, công nghệ là một phần tất yếu trong mô hình kinh doanh tất yếu ở nhiều doanh nghiệp. Hiện FPT và một số đối tác lớn tại Việt Nam xác định đây là thời điểm tốt nhất để ứng dụng công nghệ giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khủng hoảng.

Ông Khoa đánh giá, đây chính là thời cơ vàng để các doanh nghiệp rà soát và khắc phục các điểm yếu trong vận hành đã tích lũy suốt thời gian tăng trưởng nóng trước đây mà chúng ta chưa để ý nhiều.

Nhiều chính sách trong ‘thời chiến” vẫn sẽ còn tiếp tục áp dụng và phát huy trong “thời bình”. Đồng thời, ông Khoa cho rằng, trong nguy luôn có cơ, việc nỗ lực tìm kiếm cơ hội trong đại dịch Covid-19 giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và tiếp tục phát triển.

Theo đó, với FPT, kết quả 9 tháng có thể tăng trưởng không nhanh, tỷ lệ tăng trưởng không bằng các năm trước, do FPT cũng có một số lĩnh vực kinh doanh bị ảnh hưởng như quảng cáo và khối tích hợp. Nhưng FPT cũng đã nỗ lực để tìm kiếm thêm cơ hội cho mình và đã tìm được cơ hội đó ở thị trường quốc tế.

Ông Khoa cho biết, FPT đã trở thành đối tác ưu tiên toàn quyền triển khai dự án công nghệ thông tin với tổng quy mô hàng chục triệu USD cho một công ty kinh doanh ôtô hàng đầu tại Mỹ.

“Giá trị hợp đồng này đối với chúng tôi chính là chất xám, Công ty không phải bỏ một nguồn lực cơ sở vật chất nào”, ông Khoa nói.

Đối với FPT, ngay khi nhận được tình hình đại dịch, FPT lập tức chuyển toàn bộ bộ máy từ “thời bình” sang “thời chiến”, đưa ra các quyết sách, tóm gọn trong 10 điểm gọi là “Chuyển 10” và toàn bộ FPT vận hành xung quanh “Chuyển 10”.

Ngoài tìm kiếm cơ hội, ông Khoa cho biết, trước đây, trong FPT có 8 đơn vị thành viên, chạy độc lập và vì là công ty công nghệ, có nhiều tool, nhiều ứng dụng phục vụ cho hoạt động của mình. Nhưng trong “thời chiến”, chúng tôi nhìn thấy nhiều hệ thống thông tin bị trùng lắp, tốn nhiều nguồn lực vận hành. Theo đó, nhân dịp này, chúng tôi cũng củng cố lại, hợp lực của từng đơn vị thành viên trong tập đoàn. Đồng thời, chúng tôi mang kinh nghiệm này của mình để trao đổi với doanh nghiệp, khách hàng, đối tác.

Trái ngược với quan điểm của nhiều người rằng doanh nghiệp công nghệ không cần chuyển đổi số, ông Khoa cho biết, trên thực tế FPT đã phải thực hiện chuyển đổi số từ năm 2019 trong các lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, hành chính, tiền lương… Quá trình này vẫn kéo dài đến nay và sẽ “không bao giờ dừng lại” vì “nhu cầu thị trường và khách hàng sẽ không bao giờ dừng lại”.

Tin bài liên quan