"Chúng tôi đang nỗ lực đưa xe tự lái tới hàng triệu người tiêu dùng. Đến khoảng giữa thập kỷ, chúng tôi sẽ sản xuất những chiếc xe có giá cả hợp lý với đa số người dân”, Mark Fields cho biết. Trước đó, hãng xe Ford cũng tuyên bố hiện đang phát triển và sẽ cho ra mắt dòng xe tự lái phục vụ mục đích vận tải thương mại - dịch vụ chia sẻ xe (như Uber, Grab, Lyft…) trong vòng 5 năm nữa.
Để thực hiện dự án trên, Ford đã tăng gấp đôi đội ngũ nhân lực tại thung lũng Silicon. Đồng thời, hãng chi tới 150 triệu USD để mua lại startup công nghệ SAIPS và đầu tư vào Công ty VELODYNE. Đây là các công ty công nghệ chuyên về hệ thống machine learning, phân tích dữ liệu hình ảnh và các cảm biến camera. Ngoài ra, Ford cũng có ý định hợp tác với công ty thị giác máy tính Nirenberg Neuroscience để phát triển một ứng dụng bản đồ số 3D của riêng mình. Tất cả các ứng dụng công nghệ này đều phục vụ cho việc phát triển dòng xe tự lái.
Theo những bản thiết kế, dòng xe tự lái dựa trên nguyên mẫu của chiếc sedan Ford FusionHybrid. Được xây dựng lên từ hơn một thập kỷ nghiên cứu và phát triển phương tiện tự lái, chiếc xe tự lái đầu tiên của Ford sẽ đạt cấp độ 4 theo thang đo của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô (SAE), là chiếc xe không cần vô lăng, bàn đạp ga và phanh, nhưng vẫn có thể xử lý được tất cả các tình huống khi tham gia giao thông, giống như một người tài xế thực thụ. Mẫu xe này dự kiến sẽ được ra mắt với số lượng lớn.
Trước mắt, Ford đã và đang trong quá trình tăng gấp 3 lần số lượng xe thử nghiệm và trở thành công ty ô tô sở hữu số lượng xe thử nghiệm lớn nhất thế giới. Hãng còn dự định tiếp tục tăng số lượng xe lên gấp 3 lần trong năm 2017. CEO Mark Fields thừa nhận, Ford có thể không phải là hãng đầu tiên giới thiệu xe tự lái, nhưng có thể sẽ là công ty đầu tiên cung cấp công nghệ này đến với công chúng.
Luôn bắt kịp với các xu hướng công nghệ thịnh hành, Mark Fields đã và đang kết mối liên minh với những gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft. Hồi đầu năm nay, Ford công bố sẽ bắt tay với Amazon triển khai dự án cho phép khách hàng kết nối xe ô tô của họ với thiết bị trợ lý ảo nhà thông minh (Echo) của Amazon. Theo đó, chủ nhân xe ô tô Ford sẽ có thể kết nối với Echo để yêu cầu các lệnh như mở cửa gara hoặc đặt lịch hẹn với thợ sửa xe. Ngoài ra, họ còn có thể ra lệnh từ Echo bằng giọng nói để tắt, khởi động, khóa xe, mở khóa xe và kiểm tra nhiên liệu xe của mình khi đang ở trong nhà. Bên cạnh đó, họ có thể điều khiển đèn, máy lạnh, hệ thống an ninh và các thiết bị gia đình khác khi đang lái xe.
Cuối năm 2014, đầu năm 2015, Ford cũng đã công bố 25 thí nghiệm về di chuyển trên khắp thế giới, thử nghiệm những ý tưởng vận tải đột phá nhằm tạo ra những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, cung cấp những mẫu xe với khả năng sử dụng linh hoạt hơn và kết nối với xã hội tốt hơn để đem đến những lợi ích tốt nhất cho khách hàng.
Mark Fields từng phát biểu rằng, sản phẩm ô tô của thời đại này không còn đơn thuần là một sản phẩm công nghiệp nữa, mà là một sản phẩm công nghệ thì đúng hơn. Có thể thấy, những bước đi của Ford đang nằm đúng trên quỹ đạo mà vị CEO 55 tuổi đã vạch ra ngay từ khi trở thành vị thuyền trưởng chèo lái con tàu Ford.
Mark Fields nhậm chức CEO của Ford từ ngày 1/7/2014. Trước đó, ông từng giữ chức Chủ tịch Ford Chi nhánh Bắc Mỹ; là CEO của Mazda Motors (khi hãng xe này còn thuộc quyền sở hữu của Ford). Tính đến nay, Mark Fields đã có thâm niên 27 năm làm việc cho Ford. Vào năm ngoái, chỉ một năm sau khi tiếp quản vị trí CEO, Mark Fields đã mang về cho Ford một thành quả lớn. 2015 là năm hãng xe Mỹ này đạt mức lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục với 10,8 tỷ USD. Cũng trong năm này, thu nhập của vị CEO đã tăng 17% lên mức 17,4 triệu USD.