Chia sẻ tại Hội thảo "Tìm động lực tăng trưởng từ ESG" do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức ngày 23/5, ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Én Vàng quốc tế đã đề cập đến hành trình thay đổi mang tính bước ngoặt.
Với trăn trở tìm ra phương tiện kinh doanh mang lại hiệu quả, đóng góp một phần giá trị cho cộng đồng, ông Định chia sẻ, trong dịp sang Trung Quốc và Mỹ, ông đã thấy xe điện ở các quốc gia này rất nhiều và phổ biến, ông đã có ý nghĩ mong muốn có ngày đưa dịch vụ của công ty sử dụng xe điện. Tuy nhiên cách đây vài năm, cơ sở hạ tầng phục vụ cho xe điện tại Việt Nam còn chưa phổ biến, nên Chủ tịch HĐQT Én Vàng nhận thấy việc này khó khả thi.
Tuy nhiên, Hội nghị COP26 diễn ra là cơ hội và bước ngoặt lớn cho Én Vàng. Các cổ đông quyết định từ năm 2024 không đầu tư xe xăng, chuyển sang đưa xe điện vào vận hành kinh doanh.
"Việc ký kết hợp tác với Vinfast như bàn tay nối dài đưa xe điện đến với nhiều khách hàng, chúng tôi đặt mục tiêu giảm các chi phí khác bởi đi xe điện tiết kiệm hơn so với đi xe xăng", ông Định cho biết.
Để thay đổi, doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, chi phí đầu tư lớn. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng, doanh nghiệp đầu tư hết một vòng đời sản phẩm mới thay đổi, nên khi dừng xe xăng, số lượng xe đi đâu cũng là một vấn đề. Hướng tới xe điện là xu hướng của tương lai, việc thay đổi này giúp công ty đóng góp một phần cho bảo vệ môi trường.
"Chúng tôi làm vận tải, đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường hàng ngày nên việc thay đổi để môi trường tốt hơn là cấp thiết", ông Định nói.
Chủ tịch HĐQT Công ty Én Vàng thông tin kết quả thực tế đã được ghi nhận bằng chính trải nghiệm của khách hàng và quá trình vận hành an toàn. Chi phí vận hành rẻ hơn 20-30% so với chi phí sử dụng xe xăng, chi phí bảo hành, bảo trì cũng rẻ hơn.
Theo ông Định, Hải Phòng luôn vận động doanh nghiệp đi tiên phong trong phát triển xanh, bền vững nhưng cho đến nay chưa có hỗ trợ cụ thể. Doanh nghiệp cố gắng lấy giá cước xe điện như xe xăng, hy vọng thời gian tới sẽ có những chính sách cụ thể hỗ trợ để doanh nghiệp có niềm tin hơn, mạnh dạn thay đổi để tiến tới hiện thực hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
"Hiện nay, những doanh nghiệp taxi lớn như Mai Linh, Vinasun chưa dám đầu tư xe điện vì câu chuyện tồn tại. Tôi hoàn toàn không ân hận khi chuyển sang xe điện. Năng lượng mặt trời nếu được tận dụng tốt sẽ góp phần giảm thiểu chi phí cho xe điện. Chúng tôi tin tưởng vào lựa chọn của mình", ông Định nhấn mạnh thêm.