2018 - năm khắc nghiệt với doanh nghiệp dược
Chèo lái con tàu Dược Hậu Giang với truyền thống 45 năm phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong giai đoạn thị trường có nhiều biến động, đòi hỏi doanh nhân Ðoàn Ðình Duy Khương, Tổng giám đốc (CEO) Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (mã DHG) sự nhạy bén, năng động, cũng như phong cách quản trị doanh nghiệp hiện đại.
Ngành dược năm 2018 đối mặt với nhiều thách thức, một trong số đó đến từ các quy định mới của Bộ Y tế nhằm thắt chặt thuốc kê toa, với danh mục nhiều loại thuốc thuộc diện quản lý đặc biệt. Chẳng hạn, trước đây các nhà thuốc tự bán, thì nay phải đăng ký, chịu các quy định quản lý chặt chẽ.
Cùng với đó, việc các sản phẩm bảo hiểm phát triển đang thu hẹp thị phần và nhu cầu mua thuốc của người dân. Ðó là chưa kể, các doanh nghiệp mới đẩy mạnh cạnh tranh để chen chân vào thị trường…
Kết quả là năm 2018 trở thành năm khắc nghiệt đối với các doanh nghiệp dược Việt Nam, bằng chứng là 10 doanh nghiệp dược lớn niêm yết trên sàn chứng khoán đều không ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.
Chuyên nghiệp hóa - chiến lược đưa DHG tiếp tục thành công
Năm 2019 được nhìn nhận tiếp tục là năm khó khăn với các doanh nghiệp dược và Dược Hậu Giang không là ngoại lệ. Ðáng chú ý, dự thảo Thông tư 11/2018/TT-BYT điều chỉnh quy định đấu thầu tại khu vực công lập, sau đợt thẩm định mới nhất vào cuối tháng 12/2018, có 5 nhóm thuốc Generics sẽ bị siết chặt hơn về tiêu chuẩn sản xuất (GMP), cũng như quy trình nguyên vật liệu đầu vào và lịch sử lưu hành/xuất khẩu tại các nước phát triển.
Ở nhóm Generic cấp cao 1 và 2, các nhà sản xuất dược nội địa sẽ gặp cạnh tranh lớn hơn đến từ các hãng Generic toàn cầu, hoặc những tập đoàn nghiên cứu dược phẩm đa quốc gia khổng lồ đang tiến hành mở rộng hoạt động kinh doanh.
Khi thị trường dược phẩm được kiểm soát chặt chẽ, khả năng các công ty sản xuất dược phẩm nội địa chuyển phần giá tăng lên cho người tiêu dùng sẽ bị hạn chế do mức độ cạnh tranh cao. Bởi vậy, duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp cao cũng là thách thức không nhỏ.
Trò chuyện với CEO Ðoàn Ðình Duy Khương bên dòng sông Hậu một buổi sáng mùa Thu, ông chia sẻ, để tiếp tục thành công và phát triển bền vững, Dược Hậu Giang chỉ có một con đường, đó là tập trung chuyên nghiệp hóa thông qua tổ chức sản xuất khoa học, hiệu quả, thắt chặt quản lý.
Để phát triển bền vững, Dược Hậu Giang chỉ có một con đường, đó là tập trung chuyên nghiệp hóa...
Từ vài năm trước, Dược Hậu Giang đã triển khai nhiều dự án chuyển đổi. Ðơn cử, trong hoạt động quản lý, nếu như trước đây dược trình viên được giao quản lý theo khu vực nào sẽ có quyền kiểm soát cả khu vực đó, nên rủi ro không kiểm soát được hoặc thất thoát có thể nảy sinh từ đây, thì nay đã có quy trình giám sát, kiểm soát chặt chẽ đến từng nhà thuốc bằng hệ thống công nghệ hiện đại, cũng như các quy định, quy trình chi tiết.
Theo đó, hoạt động của doanh nghiệp ở mọi khâu, mọi mắt xích không còn phụ thuộc vào bất cứ cá nhân nào. Tương tự trong hoạt động sản xuất, để hiệu quả hơn, Dược Hậu Giang liên tục cải tiến quy trình để giảm hao hụt, lựa chọn công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại…
Với tầm nhìn chiến lược và sự chuyển đổi kịp thời, kết thúc năm 2018, Dược Hậu Giang đạt gần 750 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 95% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Trong bối cảnh khó khăn chung, đặc biệt là sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo cấp cao, theo ông Khương, kết quả này là nỗ lực lớn của toàn thể cán bộ và người lao động trong Công ty.
Thế hệ lãnh đạo kế cận như ông Ðoàn Ðình Duy Khương, sau nhiều năm được đào tạo, dẫn dắt, đã chính thức được giao ghế nóng, đảm nhận việc điều hành doanh nghiệp.
Nền tảng quản trị chuyên nghiệp đã các thế hệ lãnh đạo của Dược Hậu Giang nhận thức và xây dựng từ các năm trước. Việc hoạch định chiến lược, giao nhiệm vụ, phân bổ chỉ tiêu được thực hiện theo các quy trình, kế hoạch đã đề ra và được tuân thủ nghiêm ngặt.
Ðội ngũ lãnh đạo của Dược Hậu Giang hiện nay thuộc thế hệ 7x, tức đều ở độ chín về tuổi đời và tuổi nghề, rất đồng lòng và có khát vọng. Bên cạnh đó, cổ đông lớn Taisho Nhật Bản đã và đang "thổi những luồng gió mới" trong sự thay đổi, gia tăng hiệu quả hoạt động, cải thiện năng suất lao động…
Lăng kính CEO Đoàn Đình Duy Khương
Thương hiệu Dược Hậu Giang đã phát triển 45 năm. Là người gắn bó với doanh nghiệp 18 năm, ông có thể chia sẻ định hướng chiến lược mà ông và các cộng sự tâm huyết theo đuổi?
Dược Hậu Giang là doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm, là đơn vị chăm sóc sức khỏe nên yếu tố khoa học, hiệu quả điều trị được đặt lên hàng đầu. Chúng tôi cũng ý thức được tầm quan trọng của việc kết nối với các nhà đầu tư quốc tế và mong muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược đúng với mục tiêu của Dược Hậu Giang là hợp tác khoa học, sản xuất các dược phẩm Generic chất lượng cao.
Khi nói về các dòng sản phẩm của Dược Hậu Giang, nhiều người nhắc đến con số 100 tỷ đồng. Đó hẳn phải là một dấu mốc đáng nhớ?
Câu chuyện 100 tỷ đồng doanh thu là mục tiêu đặt ra đối với các sản phẩm chủ lực của Dược Hậu Giang. Chúng tôi đặt dấu mốc 100 tỷ đồng/nhãn hàng để ghi nhận nỗ lực của cán bộ - nhân viên, song điều quan trọng hơn là tạo ra số lượng sản phẩm có chất lượng phục vụ cho người dân. Ở Dược Hậu Giang, chúng tôi có trên 10 sản phẩm có doanh thu trên 100 tỷ đồng.
Thành công đã khó, song giữ được thành công còn khó hơn. Ông có thể chia sẻ Dược Hậu Giang làm gì để không chỉ duy trì được thành quả, mà còn chinh phục các nấc thang cao hơn?
Tốc độ tăng trưởng bình quân của Dược Hậu Giang là 15%/năm. Chiến lược là như vậy, nhưng điều mà chúng tôi chú trọng chính là chất lượng sản phẩm.
Cách đây hơn 10 năm, Dược Hậu Giang đã nhìn ra và xác định sẽ theo đuổi sứ mạng là doanh nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bởi thế, chúng tôi luôn đặt chất lượng thuốc lên hàng đầu, cùng với đó là xây dựng các đơn vị phân phối, trải dài trên nhiều vùng miền, đến từng ngóc ngách làng xóm nhằm đưa sản phẩm tới khách hàng một cách tốt nhất. Đó cũng là nền tảng để Dược Hậu Giang có thể ổn định và vươn lên.
Có một điều chắc chắn rằng, với hệ thống quy trình, quy định mới, những năm tới, Dược Hậu Giang sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Người ta vẫn thường ví doanh nghiệp dược như "vương quốc riêng", mà ở đó công chúng đầu tư rất khó nắm bắt, theo dõi. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi cho rằng, đó là vấn đề của nhiều năm trước, hiện đã thay đổi. Việc xây dựng nền tảng vững chắc thông qua chuyên nghiệp hóa hoạt động là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh cách mạng 4.0 bùng nổ như hiện nay, khi mà doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam rất nhiều. Nếu không chuyên nghiệp hóa, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận với thị trường, với các chuẩn mực mới.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có chiến lược rõ ràng trong trung và dài hạn, biết mình đi đâu, về đâu, có quy trình, quy chế chặt chẽ, có đội ngũ nhân sự thực hiện được mục tiêu... Khi nội lực doanh nghiệp không đáp ứng kịp, thì phải có đơn vị tư vấn giỏi để nâng tầm quản trị doanh nghiệp.
Để đưa con tàu Dược Hậu Giang ra biển lớn, ông nhắc đến việc tập hợp đội ngũ. Vậy đâu là phương thức để CEO Đoàn Đình Duy Khương và Dược Hậu Giang sử dụng?
Tầm nhìn của Dược Hậu Giang là vì một cuộc sống khỏe đẹp hơn, song để biến tầm nhìn thành hành động mới là quan trọng. Chúng tôi nhất quán với nguyên tắc tạo ra các sản phẩm mang hàm lượng khoa học cao. Kết hợp với các nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước để tạo sản phẩm mới, chất lượng.
Liên quan đến nguồn nhân lực, để thực hiện được tầm nhìn đã đặt ra, chúng tôi luôn có chính sách cầu hiền. Với Dược Hậu Giang, chúng tôi chú trọng mời gọi nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng phù hợp với doanh nghiệp, hòa hợp với văn hóa doanh nghiệp.