Cuộc tranh luận giữa CEO và các cổ đông của mình về việc nên xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp hay thương hiệu cá nhân vốn đã “nóng” trên Chương trình CEO Chìa khóa thành công tuần trước, càng “nảy lửa” hơn trên trang mạng xã hội của Chương trình, khi hàng loạt bình luận bày tỏ những quan điểm trái chiều liên quan đến vấn đề này.
“Rủi ro từ thương hiệu cá nhân rất lớn. Vì thế, không nên tập trung quá lớn vào thương hiệu cá nhân”. “Thương hiệu doanh nghiệp quan trọng hơn”. “Nếu là tôi, tôi cũng không đồng ý cho CEO xây dựng thương hiệu cá nhân vào lúc này. Cho dù CEO cũng bỏ tiền ra góp vốn thật đấy, nhưng điều đó không đảm bảo rằng một ngày nào đó CEO không ra đi”. Những ý kiến phản đối việc xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO đã bày tỏ như vậy.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, không ít quan điểm ủng hộ việc phát triển thương hiệu cá nhân. Lý do, theo TruongKyPhong, một thành viên trong cộng đồng mạng xã hội của Chương trình CEO Chìa khóa thành công là, doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập, vị thế của cả CEO và công ty đều rất thấp. Do vậy, giải pháp phù hợp nhất là làm thương hiệu cá nhân để nâng tầm thương hiệu công ty. “Nếu cứ tách riêng cá nhân hay công ty thì tranh luận sẽ không bao giờ dừng lại”, TruongKyPhong bình luận.
Thậm chí, còn có ý kiến bình luận cho rằng, nếu không đầu tư cho thương hiệu cá nhân, thì doanh nghiệp tạm thời không phát triển được. Cuộc tranh luận sôi nổi trên facebook của Chương trình CEO Chìa khóa thành công càng cho thấy một điều, xây dựng thương hiệu cho cá nhân hay doanh nghiệp là vấn đề mà rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang mắc phải.
Thậm chí, theo bà Nguyễn Thị Hồng Lan, nguyên Giám đốc Thương hiệu và Truyền thông Ngân hàng VIB, thì đó là câu hỏi mà không phải lúc nào cũng có câu trả lời giống nhau. Chọn thương hiệu công ty hay cá nhân là phụ thuộc vào chiến lược phát triển công ty của hội đồng quản trị, khả năng tài chính…
“Đây là câu chuyện vô cùng phức tạp và khó khăn. Nhưng theo tôi, nên xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, trong đó có thương hiệu cá nhân, một cách bền vững, lâu dài”, vị chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu phát biểu.
Thực tế, cũng rất nhiều quan điểm cho rằng, phải tiến hành đồng thời việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và công ty. Ví von một cách hình ảnh, ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Kinh Đô miền Bắc, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kinh Đô, còn cho rằng, các CEO đừng dại mà “một tay chống cả giang sơn”. Lý do là, nước nổi thì thuyền nổi, nếu tập trung phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp, thì thương hiệu cá nhân cũng sẽ được đẩy lên cao.
“Đó mới là cách làm căn cơ và lâu dài. Phải có chiến lược xây dựng thương hiệu cho công ty trước khi xây dựng thương hiệu cho CEO. CEO hãy cho cho mọi người thấy rõ lộ trình phát triển của công ty, cũng như những đóng góp của cá nhân CEO trong quá trình phát triển đó. Không nên để các cổ đông hiểu lầm rằng, CEO muốn lợi dụng để xây dựng thương hiệu cho cá nhân”, ông Việt chia sẻ kinh nghiệm.
Thương hiệu cá nhân, như quan điểm của ông Trần Hữu Đoàn, Giám đốc Kinh doanh Công ty Tư vấn và Kiểm toán Gia Cát, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ý Nhân, là cần nhưng chưa đủ. Vì thế, phải phát triển đồng thời cả thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân.
Trong khi đó, VuHuy, một thành viên trong cộng đồng mạng xã hội của Chương trình CEO Chìa khóa thành công khẳng định: “Phải có bột mới gột nên hồ, thương hiệu cá nhân chỉ là chiến thuật, thương hiệu công ty mới là chiến lược”.
Rất nhiều quan điểm trái chiều và điều đó tiếp tục hứa hẹn một cuộc tranh luận vô cùng hấp dẫn trong Chương trình CEO Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề tiếp nối của tuần trước là “Truyền thông - Thương hiệu doanh nghiệp hay thương hiệu cá nhân”. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, qua cuộc tranh biện này, có thể tìm được câu trả lời phù hợp nhất cho mình trong quá trình xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, cũng như thương hiệu cho cá nhân CEO.
Ông Trần Hữu Đoàn tiếp tục ngồi ở vị trí CEO của Chương trình. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Lan và ông Trần Quốc Việt sẽ ngồi ở vị trí chuyên gia của Chương trình. Không chỉ là chuyên gia của Chương trình, bà Lan và ông Việt chính là hai chuyên gia thực sự trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp. Những kinh nghiệm của họ sẽ thực sự hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.