CEO Du lịch Việt Trần Văn Long:  Bí quyết thành công là tận tâm hết mình

CEO Du lịch Việt Trần Văn Long: Bí quyết thành công là tận tâm hết mình

(ĐTCK) “Từ ngày đầu khởi nghiệp chỉ với 6 nhân sự, sau hơn 10 năm, Du lịch Việt hoạt động với bộ máy hơn 500 nhân sự, doanh thu lên tới nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bản thân tôi là Chủ tịch cũng bất ngờ với sự lớn mạnh đó. Tôi chỉ biết nỗ lực và tận tâm hết mình”. Đó là chia sẻ của ông Trần Văn Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Truyền thông Du lịch Việt về hành trình vươn tới thành công của ông và cộng sự.

 Thành công với lối đi riêng

CEO Trần Văn Long là cái tên nổi tiếng trong giới kinh doanh du lịch tại Việt Nam nói riêng, cũng như trong cộng đồng doanh nhân nói chung. Ông từng được vinh danh là doanh nhân xuất sắc, nhận giải thưởng Sao Đỏ, doanh nhân trẻ Việt Nam tiêu biểu của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam 2017, doanh nhân trẻ xuất sắc TP.HCM năm 2018. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để có được vinh quang ấy, ông đã trải qua biết bao chông gai.

Tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, Khoa Văn hóa du lịch vào năm 1998, Trần Văn Long khăn gói vào TP.HCM lập nghiệp với những suy nghĩ mông lung về con đường tiếp theo trên mảnh đất này.

“Tôi quyết tâm rời Hà Nội vào TP.HCM vào đúng ngày Nhà báo Việt Nam - 21/6/2001. Tôi không nghĩ rằng mình có thể trụ lại được ở thành phố này với quá nhiều thứ khác lạ về văn hóa, lối sống… Và may mắn, tôi đã thích nghi, yêu mến, rồi muốn gắn bó lâu dài với nơi đây”, ông nhớ lại.

Như một cái duyên, Trần Văn Long gắn bó với thành phố được mệnh danh "Hòn ngọc Viễn Đông" này trong suốt 10 năm làm hướng dẫn viên của một doanh nghiệp lớn thuộc Nhà nước. Tuy nhiên, sau đó, ông được điều động quay trở lại Hà Nội nhận nhiệm vụ mới.

“Trở ra Hà Nội làm việc là điều tôi không mong muốn khi đã quen với cách làm việc ở TP.HCM rồi. Áp lực thúc đẩy tôi ra làm riêng, thử đặt chân lên một hành trình mới” - lý do khởi nghiệp của CEO Du lịch Việt đơn giản là vậy.

Đó là năm 2008, Du lịch Việt ra đời đúng thời điểm suy thoái kinh tế xảy ra. Chỉ với 6 nhân sự ban đầu, Trần Văn Long đã phải bươn chải ngược xuôi để tồn tại, mà theo như ông nói, đó là hành trình đầy gian truân, thử thách.

“Tôi làm ngày làm đêm. Không ai biết trong Công ty tôi là Chủ tịch, sáng ra vẫn đi xem khách, đưa đón khách ở sân bay. Làm điều hành, quản lý, bồi bàn…, tôi không từ một công việc nào liên quan đến du lịch. Khách hàng vốn thường không quan tâm ông chủ doanh nghiệp là ai, mà chỉ cần được hài lòng. Tôi hiểu điều này và nghĩ rằng, những lời phàn nàn chính là món quà khách hàng dành tặng cho mình, ai muốn nói ngược nói xuôi tôi vẫn lắng nghe, tôi tặng lại họ món quà là sự cố gắng, nỗ lực như một lời tri ân”, ông trải lòng.

Sự tận tâm với khách hàng giúp Trần Văn Long dần chinh phục họ và có được khách hàng thường xuyên hơn, đưa Du lịch Việt dần vượt qua những khó khăn. Trước khi kinh doanh du lịch, Trần Văn Long từng hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và lĩnh vực này đã hỗ trợ ông rất nhiều. Xác định đổi mới và phát triển Công ty theo hướng khác biệt, nên ngay từ đầu ông đã mạnh tay đầu tư.

“Vốn ban đầu để mở Công ty đã vài chục tỷ đồng. Tôi quyết định vừa mở ra sẽ đầu tư ngay, thay đổi một số seri booking, làm mới hoàn toàn chương trình. Mọi người bảo tôi rửa tiền, tôi chỉ cười. Vì tôi quan niệm, kinh doanh thì phải đầu tư, trước tiên là đầu tư về con người, sản phẩm, sau đó là quảng cáo trên nhiều kênh truyền thông, các diễn đàn, mạng xã hội…”, ông chia sẻ.

Nhiều người trong gia đình cho rằng ông quá mạo hiểm khi dồn tiền cho một bước ngoặt mới là kinh doanh du lịch - là ngành rất khó khăn khi đó. Tuy nhiên, gạt mọi ý kiến ngăn cản, ông quyết tâm làm và làm bằng được, để đến hôm nay, Du lịch Việt được khẳng định thương hiệu trên thị trường Việt Nam, nhận hàng loạt giải thưởng lớn.

Sớm ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển

Là doanh nghiệp "sinh sau đẻ muộn" trong ngành du lịch, CEO Trần Văn Long xác định, chỉ có công nghệ mới có thể giúp Du lịch Việt cạnh tranh và đuổi kịp các doanh nghiệp lớn đi trước. Do đó, ngay từ ngày đầu thành lập, ông không chỉ đưa công nghệ vào hoạt động quản trị, điều hành kinh doanh du lịch, mà còn áp dụng trên toàn bộ hệ sinh thái của Du lịch Việt, bao gồm cả các hoạt động khác như truyền thông, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ…

“Mới thành lập, Công ty không có nhiều người. Có thể công ty khác 3 người làm 1 việc, nhưng tại Du lịch Việt, 1 người phải làm 3 việc, nên làm sao để công việc đạt hiệu quả cao nhất là vấn đề tôi luôn đặt ra. Theo đó, việc công nghệ hóa toàn bộ hệ thống được áp dụng, đỡ dùng sức người để tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất”, ông nói và cho biết thêm, ở Du lịch Việt, nhân viên không chèo kéo khách hàng, mà tận tình phục vụ để khách tự tìm đến với mình. Khách chủ động tìm đến Công ty đang chiếm hơn 70% tổng lượng khách hàng.

 “Chúng tôi đang đi đúng hướng khi làm những việc khách hàng cần chứ không làm những gì mình muốn. Định hướng theo đúng xu thế của khách hàng”, ông Long nhấn mạnh.

Về kết quả kinh doanh, tuy không chia sẻ con số cụ thể, nhưng vị CEO này cho biết, doanh thu hàng năm của Du lịch Việt đạt khoảng 1.000 tỷ đồng và hiện vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đều. Riêng năm 2018, Công ty tăng trưởng vượt mốc đề ra. 6 tháng đầu năm 2019, Du lịch Việt ghi nhận tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2018.

“Tôi sinh ra là để phục vụ”

Chia sẻ về công việc, CEO Du lịch Việt cho rằng, mình sinh ra là để phục vụ, mà nghề "làm dâu trăm họ" như nghề du lịch thì không tránh khỏi những sai sót, nhưng có sai có sửa. Theo ông, trong quá trình kinh doanh, việc gặp sai sót, bị khách hàng phàn nàn là khó tránh khỏi, nhưng không được né tránh cái sai, mà phải biết nhận khuyết điểm để khắc phục, rút kinh nghiệm.

“Tôi hay chia sẻ với nhân viên của mình rằng, mau ăn mau nói, mà mau nói thì mau lỗi, có lỗi phải sửa và thực sự nhận trách nhiệm. Khách hàng sẽ thấy mình dành cho họ cái gì, biết nhận về vấn đề gì. Khi mình cho đi ắt sẽ được nhận lại”, ông Long nói.

Vừa qua, câu chuyện Nhật Bản ngừng cấp visa du lịch cho 8 công ty du lịch tại Việt Nam khiến cộng đồng du khách xôn xao. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Long cho biết, khách hàng của Du lịch Việt chưa có trường hợp nào trốn ở lại khi đi du lịch nước ngoài. Dù khối lượng công việc rất nhiều, nhưng ông luôn cẩn trọng, đích thân kiểm tra từng hồ sơ. Bởi theo vị thủ lĩnh của 500 nhân sự này, đã làm du lịch thì không thể làm ẩu và tham được, vì như vậy sẽ không thể phát triển bền vững.

“Ở trong Công ty, chúng tôi sống, chia sẻ chân tình. Khi gặp khách hàng, chúng tôi luôn coi khách hàng như người thân, đón khách hàng như đón người thân về nhà. Bởi có khách hàng thì chúng tôi mới có ngày hôm nay", CEO Trần Văn Long chia sẻ.

Tin bài liên quan