Doanh nhân Đoàn Ngọc Tùng, CEO Công ty Du lịch MTV Việt Nam, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên báo Đầu tư, doanh nhân Đoàn Ngọc Tùng, CEO Công ty MTV Việt Nam, Phó Chủ tịch câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp lữ hành mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương nới lỏng quy định hạn chế tổ chức sự kiện tập trung đông người đối với các cơ quan, đơn vị.
Kỳ vọng và mong chờ
Thưa ông, Chính phủ đã đồng ý mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15/3. Hẳn ông rất kỳ vọng vào lần trở lại đường đua thế giới này của ngành kinh tế xanh?
- Chúng tôi rất kỳ vọng và mong chờ ngày mở cửa hoàn toàn của hoạt động du lịch từ ngày 15/3 theo quyết định của Chính phủ.
MTV đã chuẩn bị các sản phẩm, dịch vụ nào cho lần trở lại toàn diện này, thưa ông?
- MTV Travel đã và đang chào bán một số sản phẩm du lịch nội địa cho thời điểm quý II và III năm nay như: Mai Châu, Côn Đảo, Tây Nguyên, Phú Quốc, Nha Trang...
Sau đó sẽ là các tour, combo đi Quy Nhơn, Quảng Bình, Đà Nẵng và một số tỉnh du lịch trọng điểm mùa hè như: Hạ Long, Cát Bà, Cửa Lò, Sầm Sơn...
Hiện, chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị một số sản phẩm tour du lịch quốc tế như: Dubai, Thái Lan, Singgapore, Nhật bản và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang chờ xem chính sách mở cửa và cấp visa của một số nước trên đối với khách du lịch Việt Nam như thế nào để quyết định thời điểm tung ra chào bán sản phẩm.
Về chính sách visa, bấy lâu nay vẫn luôn là một trong những “điểm nghẽn” của ngành kinh tế xanh. Ông mong muốn chính sách visa sẽ được cải thiện ra sao từ thời điểm 15/3?
- Về chính sách visa dành cho người nước ngoài vào Việt Nam, chúng tôi mong muốn Chính phủ có những quyết sách thông thoáng hoặc có thể miễn thị thực cho một số nước có lượng khách lớn vào du lịch Việt Nam.
Mong được tổ chức các sự kiện tập trung đông người
Thưa ông, các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng sớm nhất, nặng nề nhất bởi “sóng thần” Covid-19. Vậy các doanh nghiệp hiện đang mong chờ những chính sách hỗ trợ nào từ Nhà nước để có thể nhanh chóng phục hồi?
- Các doanh nghiệp du lịch hiện đều mong muốn được vay những gói ưu đãi dành riêng cho ngành du lịch để phục hồi doanh nghiệp sau một thời gian dài đóng băng.
Các doanh nghiệp vẫn mong muốn được tiếp tục hưởng những chính sách ưu đãi về thuế VAT trong giai đoạn phục hồi du lịch.
Việc nới lỏng quy định hạn chế tổ chức sự kiện tập trung đông người đối với các cơ quan, ban, ngành hoặc các Tổng công ty và cho phép các đơn vị được tổ chức du lịch hoặc hội thảo, tập huấn... trong nước là việc rất cần thiết. Các doanh nghiệp du lịch rất mong đợi điều này từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương.
CEO Đoàn Ngọc Tùng cho biết, doanh nghiệp lữ hành mong sớm được tổ chức các sự kiện tập trung đông người. |
Về nhân lực ngành du lịch, rất nhiều doanh nghiệp cho biết không thể tuyển được nhân sự như ý, theo ông, làm thế nào để thu hút lại lực lượng lao động cho ngành kinh tế xanh trong thời gian ngắn nhất?
- Trong quá trình tạm đóng băng hoạt động du lịch, một số doanh nghiệp đã chủ động đào tạo nguồn nhân lực trẻ (sinh viên mới ra trường) để phục vụ cho sự phục hồi hoạt động của doanh nghiệp khi trở lại hoạt động.
Muốn thu hút được những nhân sự có kinh nghiệm lâu năm quay trở lại với ngành du lịch như trước đây thì chỉ có cách phục hồi và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh du lịch, trước mắt là trong nước và tiếp đến là quốc tế.
Lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam
Hiện nay MTV có gặp khó khăn gì khi chuẩn bị cho các hoạt động phục vụ thị trường quốc tế không, thưa ông?
- Hiện MTV đang xây dựng một số chương trình du lịch quốc tế nhưng vẫn phải chờ xem quy định của các nước về chính sách visa và chính sách mở cửa hoàn toàn của các nước (vì nếu đi du lịch quốc tế và vẫn bắt buộc phải cách ly hoặc visa chưa cấp cho khách du lịch thì du khách sẽ chưa sẵn sàng sử dụng sản phẩm).
Một số đường bay thương mại quốc tế đã nối lại nhưng hiện tại giá vé và thuế phí vẫn cao hơn so với những thời điểm trước khi đại dịch Covid-29 bùng phát, đây cũng là lý do chưa thu hút được nhiều du khách.
Nguồn vốn của doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm ứng phó với những tác động kinh hoàng bởi Covid-19 nên rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ.
Ông đánh giá thế nào về cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên đấu trường quốc tế khi mở cửa từ 15/3 và kèm theo là những điều kiện thông thoáng?
- Việt Nam có đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng đón khách du lịch, là đất nước đã phủ vacine đạt 80-90% cả nước và được quốc tế đánh giá cao về tỷ lệ phủ vacine. Đặc biệt, thiên nhiên phú cho Việt Nam những cảnh đẹp nổi tiếng thế giới. Quyết định nhanh mở cửa toàn bộ với hoạt động du lịch từ ngày 15/3 của Chính phủ sẽ mang đến lợi thế cạnh tranh cho ngành kinh tế xanh Việt Nam trên đấu trường du lịch quốc tế.
Ở cương vị Phó chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội, xin ông cho biết các hoạt động, chương trình famtrip nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thành viên xây dựng sản phẩm, dịch vụ?
- Ngay từ những tháng đầu năm 2022, CLB Lữ Hành Unesco Hà Nội liên tục kết nối với các tỉnh, thành trên cả nước để xây dựng sản phẩm mới - lạ - độc và tổ chức các chương trình fam trip khảo sát thực tế cho các doanh nghiệp hội viên.
Có thể kể đến một số chương trình tiêu biểu như: Fam trip “Khám phá cung đường miền tây Nghệ An – hình thức caravan”; Fam trip và Hội nghị “Phục hồi du lịch 4 tỉnh Bắc Trung bộ trở lại Bắc Trung Bộ 2022’; Fam trip và Hội nghị “Du lịch Vĩnh Phúc – Điểm đến an toàn”; Fam trip và Hội nghị “Lễ hội khinh khí cầu và lễ hội hoa lê tại Tuyên Quang – Na Hang – Hồng Thái”; Fam trip và Hội nghị “Kích cầu du lịch Thanh Hóa năm 2022”; Fam trip “Trở lại châu Âu 2022: Pháp – Bỉ - Hà Lan – Đức”…