CEO Đặng Thành Tâm: Cần giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Đại dịch Covid-19 tấn công khiến hoạt động sản xuất đình trệ, gây tốn kém cho các doanh nghiệp. Trong lúc này, Chính phủ cần kịp thời có những giải pháp tháo gỡ gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các khu công nghiệp được xem là cứ điểm sản xuất trong nền kinh tế, đã bị virus Covid-19 tấn công trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư. Bắt đầu từ các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang, đến nay đã xuất hiện những ổ dịch ở một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM và Bình Dương… Hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp bị đình trệ, trong khi chi phí lại phát sinh thêm rất nhiều, đặc biệt là các chi phí liên quan đến công tác phòng dịch.

Theo quy định về phòng chống dịch của cơ quan chức năng, các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong các khu công nghiệp phải tiến hành test nhanh virus Covid-19 cho người lao động. Chi phí cho mỗi lần xét nghiệm trên 700.000 đồng/lượt xét nghiệm (tương đương 30 USD), mỗi khu công nghiệp có hàng trăm ngàn công nhân thì chi phí này đã lên tới 3 triệu USD, một tháng tốn tới 12 triệu USD.

Với những doanh nghiệp sử dụng lực lượng lao động lớn như giày da, dệt may có hàng ngàn, hàng vạn công nhân, chi phí xét nghiệm mỗi tháng đều là con số tiền tỷ. Đây là gánh nặng rất lớn trong khi các doanh nghiệp đang oằn vai với chi phí logistics, nguyên vật liệu gia tăng…

Để dập dịch thành công thì tiêm chủng vắc-xin vẫn là giải pháp cốt lõi.

Để dập dịch thành công thì tiêm chủng vắc-xin vẫn là giải pháp cốt lõi.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cứ điểm sản xuất của nền kinh tế, chúng tôi kiến nghị:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng xem xét việc tiến hành xét nghiệm theo nhóm tại các khu công nghiệp. Nếu mẫu xét nghiệm theo nhóm cho kết quả dương tính thì mới tiến hành xét nghiệm từng người trong nhóm. Làm như vậy sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể cho các doanh nghiệp.

Thực tế, ở TP.HCM cũng đã tiến hành xét nghiệm sàng lọc theo nhóm 10 người một, nhưng các nơi khác vẫn chưa áp dụng biện pháp này. Ví dụ, một công nhân có mức lương tháng là 8 triệu đồng, nếu một tháng làm đủ 4 lần xét nghiệm Công ty phải trả thêm hơn 2 triệu đồng nữa, tức là chi phí cho nhân công đó tăng khoảng 25%. Nhưng nếu góp 10 mẫu lại với nhau để xét nghiệm, chi phí cho mỗi người chỉ còn khoảng 200.000 đồng/tháng, tức chỉ tăng 2,5% chi phí lương.

Thứ hai, Chính phủ cần hỗ trợ các doanh nghiệp được vay để thanh toán tiền lương không thế chấp, không lãi suất. Thời hạn vay nên áp dụng trong thời gian 2 năm, tức đến khi dịch bệnh cơ bản được dập tắt và kinh tế lưu thông bình thường trở lại.

Ảnh tác giả

Các ngân hàng cần giãn nợ cho doanh nghiệp ít nhất hai năm, không giảm được lãi thì cũng cho chậm trả lãi ít nhất trong 12 tháng đối với doanh nghiệp

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc

Việc hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán lương cho công nhân giúp cuộc sống của người lao động không bị xáo trộn, tránh được bất ổn xã hội do chậm trả lương gây nên. Việc đảm bảo an sinh xã hội cũng chính là nhiệm vụ của các cấp chính quyền.

Thứ ba, hiện nay, các cấp chính quyền tập trung chống dịch nên các quyết định hành chính bị chậm đi nhiều, việc này ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, nên khi hết dịch kinh tế sẽ có độ trễ vì không thể vào guồng ngay mà phải thêm thời gian hoàn thuế dự án và cấp phép theo thời gian. Do vậy, dù chống dịch vẫn đảm bảo tiến độ cấp phép các dự án sẵn sàng khi điều kiện kinh tế ổn thì chúng ta mới có thể triển khai ngay để đưa kinh tế phát triển vũ bão, bù đắp cho giai đoạn bị ngưng trệ do dịch bệnh.

Thứ tư, các ngân hàng cần giãn nợ cho doanh nghiệp ít nhất hai năm, không giảm được lãi thì cũng cho chậm trả lãi ít nhất trong 12 tháng đối với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp ở vùng dịch.

Muốn vậy, các ngân hàng phải được cơ chế của Ngân hàng Nhà nước và sự hỗ trợ của Chính phủ… Tất cả những hỗ trợ này là rất cần thiết để cứu giúp doanh nghiệp cũng là cứu giúp nền kinh tế.

Thứ năm, để dập dịch thành công thì tiêm chủng vắc-xin vẫn là giải pháp cốt lõi. Chi phí cho vắc-xin vẫn rẻ hơn so với xét nghiệm và tránh được những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế khi phải thực hiện cách ly phòng chống dịch.

Vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay chưa được thương mại hóa, phải theo giấy phép của các chính phủ cho sử dụng khẩn cấp (ở Việt Nam cũng vậy) dù công dụng cũng như hiệu ứng phụ của vắc-xin đã rõ ràng. Bộ Y tế cần nghiên cứu kỹ và mạnh dạn đi trước cho cấp phép thương mại để các doanh nghiệp có thể tham gia mua vắc-xin, chủ động tiêm phòng cho người lao động.

Tin bài liên quan