Do giá dầu thế giới đang giảm mạnh, nên kết quả sản xuất - kinh doanh lẫn giá cổ phiếu của Rosneft cũng tụt dốc ghê gớm, khiến BP và ông Bob Dudley lo nghĩ đến “mất ăn mất ngủ”.
Ngày 15/1/2015, giá dầu thô Brent biển Bắc đã giảm xuống còn 46,10 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009. Xu hướng giá dầu thô thế giới giảm liên tục từ mức 115 USD/thùng vào tháng 6/2014 đến nay đang đe dọa Rosneft nói riêng và nền kinh tế Nga nói chung. Thêm vào đó, lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ áp lên Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đang hạn chế khả năng của các công ty Nga, trong đó có Rosneft tiếp cận với thị trường vốn bên ngoài.
Hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Nga, đương nhiên BP cũng bị ảnh hưởng đơn, ảnh hưởng kép. Sơ bộ, BP đã mất 9,1 tỷ USD kể từ khi đầu tư vào Rosneft từ tháng 3/2013 đến nay.
Bài báo đã không né tránh những chi tiết được xem là có phần nhạy cảm, như quan hệ “bằng mặt, nhưng không bằng lòng” kéo dài vài năm qua giữa ông với ông Igor Sechin, nguyên Phó Thủ tướng Nga, một đồng minh tin cẩn của Tổng thống Nga Vladimir Putin và hiện là Chủ tịch, kiêm CEO Rosneft.
Ông Igor Sechin đang nằm trong danh sách đen gồm các quan chức Nga không được phép đến Mỹ và nhiều nước phương Tây, nên báo chí phương Tây gọi ông là Igor Sanction ít nhiều có phần chơi chữ (tiếng Anh Sanction có nghĩa là lệnh trừng phạt). Song dẫu sao, hai ông vẫn thường xuyên phải ngồi họp bàn với nhau về công việc của Rosneft.
Là người đã có dịp tiếp xúc với cả 2 ông Bob Dudley và Igor Sechin, ông Fadel Gheit, chuyên gia phân tích cao cấp về dầu khí của Công ty Oppenheimer & Co. có trụ sở chính tại New York (Mỹ) nhận xét: “Hai ông này có tính tình khác hẳn nhau. Trong khi ông Bob Dudley mang tính cách của người miền Nam nước Mỹ, khá thẳng thắn, nhẹ nhàng, dễ gần, thì ông Igor Sechin hoàn toàn ngược lại, lúc nào trông mặt cũng khó đăm đăm, chẳng biểu lộ cảm xúc. Dường như trông ông luôn như một pho tượng”.
Xin quay trở lại quá khứ một chút. Ông Bob Dudley đã sống và làm việc tại Nga từ năm 1994 đến 1997. Năm 2003, sau khi ông John Browne, CEO BP khi đó quyết định đầu tư 8 tỷ USD để sở hữu 50% cổ phần của Liên doanh TNK - BP, ông Dudley, khi đó là trợ lý CEO được cử sang Nga đại diện cho BP. Đối tác của BP trong Liên doanh là tổ hợp các nhà đầu tư tư nhân Nga AAR, gồm các tỷ phú Mikhail Fridman, Viktor Vekselberg, Len Blavatnik và German Khan (góp vốn để sở hữu 50% cổ phần còn lại).
Tháng 7/2008, dù đang là CEO TNK - BP, song ông Bob Dudley đã buộc phải rời Mátxcơva (thủ đô Nga) “không kèn không trống”, sau khi bị đe doạ kiện tụng và điều tra về thuế, hơn nữa visa của ông cũng sắp hết hạn và không được gia hạn. Theo tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Nga, chính ông Bob Dudley đã nói với Đại sứ Mỹ tại Nga khi đó rằng, ông bị đối tác Nga chơi xỏ và Igor Sechin, Phó Thủ tướng Nga khi đó cũng có vai trò “đứng đằng sau giật dây”. Ông thề là không bao giờ trở lại nước Nga nữa.
Tuy nhiên, tháng 10/2010, sau khi lên nắm quyền CEO BP thay ông Tony Hayward, ông Bob Dudley buộc phải quay lại Nga, vì trách nhiệm không thể thoái thác. Rồi đầu năm 2013, Rosneft chi 55 tỷ USD để thâu tóm TNK - BP, BP buộc phải nhượng lại cổ phần cho Rosneft để nhận tiền mặt và 19,75% cổ phần của Rosneft.
Ông Bob Dudley thừa nhận: “Dù hiện tại, quan hệ giữa Nga và phương Tây bị che phủ bởi bầu không khí tương tự như hồi chiến tranh lạnh, song BP vẫn luôn coi Nga là địa chỉ đầu tư chiến lược của mình về lâu về dài”. Trong 6 tháng đầu năm 2014, gần 20% lợi nhuận mà BP có được là từ thị trường Nga. Trong 10 năm từ 2003 đến 2013, BP cũng đã được liên doanh chia lợi nhuận tới 19 tỷ USD. Đó có thể là phần thưởng cho sự “lao tâm khổ tứ” của ông và được BP ghi nhận.
Vì thế, dù không nói ra, song ông Bob Dudley luôn chuẩn bị cho mình tinh thần sẵn sàng chịu khổ và kiên nhẫn khi đầu tư vào Nga lâu dài.