CEO Boomerang Vòng Thanh Cường: Cuộc chơi truyền thông và nghệ thuật lắng nghe mạng xã hội

CEO Boomerang Vòng Thanh Cường: Cuộc chơi truyền thông và nghệ thuật lắng nghe mạng xã hội

Chỉ trong vòng 4 năm, Vòng Thanh Cường đã đưa Boomerang trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường cung cấp các công cụ xử lý tiền khủng hoảng trên Internet, thị trường được ước tính trị giá hơn 600 tỷ đồng/năm, nhờ nghệ thuật biết lắng nghe mạng xã hội.
 

Nghề hòa giải thời công nghệ

Năm 2005, ông Cường về nước thành lập Yobanbe.com, website hoạt động tương tự mạng xã hội Facebook. Cùng với Yahoo360 của Công ty Yahoo!, Yobanbe.com của ông Cường được đánh giá là những mạng xã hội thời kỳ đầu ở thị trường Việt Nam.

Vào thời điểm đó, thói quen chia sẻ, cập nhật thông tin của người sử dụng Internet ở Việt Nam đã hình thành. Đặc biệt là các tin đồn, scandal về người nổi tiếng, các doanh nghiệp đã lan tỏa rất nhanh trên Yahoo360, Yobanbe, nhưng do số người sử dụng Internet chưa phát triển mạnh và còn khá phân tán, nên tầm ảnh hưởng của thông tin chưa cao.

Sau một năm hoạt động, Yobanbe có hơn 100.000 người sử dụng và được sáp nhập vào VNG, đổi tên thành ZingMe. Ông Cường tiếp tục tham gia xây dựng các tính năng phục vụ cộng đồng cho mạng xã hội ZingMe đến năm 2009.

Đến năm 2010, Facebook vào Việt Nam và bắt đầu thu hút rất lớn lượng người dùng trong nước. Sớm nhận thấy nhu cầu về kết nối, chia sẻ thông tin sẽ phát triển mạnh mẽ từ mạng xã hội này, ông Cường thành lập Boomerang. Về cơ bản, Boomerang là công cụ thu thập, đánh giá và phát hiện các nguồn thông tin có thể là khủng hoảng cho doanh nghiệp, đồng thời thông báo cho họ để có thể xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, đây là thị trường có tính địa phương hóa rất cao vì trở ngại lớn nhất là các công cụ phải phân tích được ngữ pháp tiếng Việt để đưa ra kết quả chính xác nhất nên gần như là sân chơi của các doanh nghiệp trong nước.

Cùng thời điểm của Boomerang, còn có Noti5 của ePi Technologies, nhưng nhiều nguồn tin cho biết, công ty này đã được VNG mua lại một thời gian sau đó và không tham gia thị trường.

Có thể nói, các công cụ như Boomerang hay Noti5 vào thời điểm đó không mới đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng rất lạ lẫm với doanh nghiệp trong nước, nên ông Cường xác định, phải tập trung vào các tập đoàn đa quốc ở Việt Nam. Tận dụng các mối quan hệ có sẵn từ thời còn làm mạng xã hội Yobanbe, ZingMe, ông Cường tiếp cận Nokia Việt Nam, Unilever Việt Nam và đề nghị dùng thử miễn phí Boomerang trong 3 - 6 tháng.

Kết quả thu về thành công mỹ mãn, cả hai đều chuyển sang sử dụng thu phí của Boomerang sau thời gian dùng thử. Việc cả hai doanh nghiệp lớn sử dụng đã giúp sản phẩm Boomerang có được uy tín dù còn khá non trẻ trên thị trường.

Với tốc độ thông tin lan tỏa trên Internet hiện nay, thời gian giải quyết khủng hoảng diễn ra tối đa trong 24 tiếng đồng hồ kể từ khi phát hiện. Ông Cường nhắc lại lần Boomerang đã giúp khách hàng giải quyết nhanh nhất là khi phát hiện nguồn tin có thể tạo nên khủng hoảng và báo cho một công ty sữa để họ khắc phục, hòa giải với nguồn tin chỉ trong vòng 15 phút.

Mặc dù vậy, Boomerang chưa thuyết phục được nhiều doanh nghiệp trong nước sử dụng dịch vụ của mình. Hiện có khoảng 200 khách hàng sử dụng dịch vụ của Boomerang, trong đó 90% doanh thu đến từ khách hàng là những tập đoàn nước ngoài, như McDonald’s, GrabTaxi. VNG là khách hàng Việt Nam lớn nhất của Boomerang, chiếm khoảng 3% doanh thu.

Hiện có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xử lý tiền khủng hoảng trên Internet ở Việt Nam khá nổi tiếng là Boomerang, Buzzmetrics và Younet. Cách đây không lâu, Buzzmetrics đã sáp nhập với Younet, nhưng nếu tính thị phần riêng lẻ từng doanh nghiệp, Boomerang đang dẫn đầu thị trường. 

Khởi nghiệp không hẳn là sự điên rồ của tuổi trẻ

33 tuổi, nhưng Vòng Thanh Cường đã có 12 năm kinh nghiệm về Internet và digital marketing. Ông theo học và tốt nghiệp hai trường Aptech và RMIT năm 2003, sau đó trở thành lập trình viên cho công ty gia công phần mềm PSV (hiện nay là CSC) và sang làm việc tại trụ sở của công ty đặt ở Mỹ năm 2004. Tuy nhiên, cuộc sống ở Mỹ nguyên tắc và khá nhàm chán, trong khi Việt Nam lúc đó lại là thị trường đầy tiềm năng để lập nghiệp. Cùng với sự điên rồ của tuổi trẻ, ông quyết định về nước khởi nghiệp với số vốn hơn 100 triệu đồng.

Thế nhưng giờ ngẫm lại, thấy đó không hẳn là sự điên rồ mà là đam mê và sớm nhận ra những yếu tố cần có, đủ để kinh doanh thành công. Ông kể, máu kinh doanh đã ngấm vào ông khi còn là học sinh trung học. Là anh cả trong gia đình có 3 anh chị em, nhà lại kinh doanh buôn bán nên mới học trung học cơ sở, ông đã tiếp xúc và phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình.

Những lúc rảnh, ông Cường hay theo xe gia đình đi tỉnh lấy hàng. Thế giới kinh doanh trong mắt ông lúc đó rất muôn màu và cũng rất khắt nghiệt, muốn giữ chân khách hàng phải biết phục vụ tận tâm.

Ngay từ lúc còn nhỏ, ba mẹ luôn động viên anh em hãy kinh doanh, nhưng trước khi mở Công ty, phải giỏi một lĩnh vực nào đó và biết rõ mọi hoạt động của mô hình kinh doanh mà mình sẽ theo đuổi.

Ông Cường chọn ngành công nghệ vì bị thu hút bởi máy tính và cho rằng, đây sẽ là thiết bị hỗ trợ liên lạc hữu dụng trong tương lai không xa. Ông bắt đầu máy mò tự học lập trình từ hồi học lớp 7. “Đối với ngành công nghệ, muốn phát triển phải đầu tư từ rất sớm”, Cường nói.

Tuy nhiên, bài học lớn nhất mà ba luôn nhắc nhở anh em là phải biết giữ chữ tín trong kinh doanh, nếu không sẽ không đi xa được. Có một lần, khách hàng đặt cọc tiền mua bia ở cửa hàng nhà trước Tết, một tuần sau, mặt hàng này hút hàng khiến giá đội lên rất cao, song ba vẫn giao cho khách với giá đã thỏa thuận trước đó.

Bài học này đã được ông áp dụng khi điều hành Boomerang, vì dù các doanh nghiệp thuần Việt có lợi thế rất lớn trong thị trường xử lý tiền khủng hoảng trên Internet, nhưng lại chưa có một công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt được công bố, nên tính chính xác của các bản báo cáo dựa vào năng lực của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ là chính. Và đây là yếu tố cần sự kiên trì và uy tín để tạo niềm tin. 

Những tham vọng sắp chạm tới

Trong thời gian tới, dư địa phát triển cho công ty sẽ còn nhiều vì các mạng xã hội ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh, riêng Facebook đã có 34 triệu tài khoản, chiếm gần 1/3 dân số. Đây là cơ hội xây dựng hình ảnh rất tốt, giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng và nhu cầu, cũng như tăng tính tương tác thường xuyên với khách hàng, nhưng cũng tạo ra vô số cuộc khủng hoảng "chết người" đối với doanh nghiệp. Một thông tin bất lợi cho doanh nghiệp có thể lan truyền rộng rãi sau vài tiếng. Nguy hại hơn là một người tiêu dùng có thể đánh sập cả thương hiệu. Bản thân các doanh nghiệp sau khi thấy được các cuộc khủng hoảng truyền thông lớn trong năm qua cũng đã biết rõ sự nguy hiểm của các kênh truyền thông xã hội ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động kinh doanh. 

Nắm bắt cơ hội này, trong năm nay, Boomerang sẽ mở rộng thị phần ra phía Bắc, với các gói sản phẩm có mức giá phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước.

Trước đó, năm 2015, Boomerang đã hợp tác với GCOMM, công ty nghiên cứu thị trường. Boomerang đang định vị trở thành công ty cung cấp giải pháp lắng nghe và hỗ trợ xử lý tiền khủng hoảng trên Internet, thay vì một công ty cung cấp công cụ đơn thuần.

Chưa dừng lại ở đó, Boomerang còn nuôi tham vọng mở rộng sang thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á như Philippines, Myanmar, Indonesia… Đây là các thị trường tiềm năng, nhưng cũng khá mới mẻ với các dịch vụ mà Boomerang đang cung cấp.

Do đó, Boomerang sẽ không cạnh tranh trực tiếp, mà sẽ hợp tác với các đối tác bản địa với vai trò là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ để cung cấp một giải pháp trọn gói từ công cụ đến tư vấn xử lý tiền khủng hoảng trên Internet. Hiện Boomerang đang hợp tác với 3 đối tác và đã có khách hàng dùng thử.

Khi được hỏi vì sao đặt tên Công ty là Boomerang, Cường cười và bảo đó là lời nhắc nhở Công ty luôn cung cấp dịch vụ cho khách hàng thật tốt để họ giống như chiếc Boomerang, đi đâu rồi cũng quay về lại với Công ty.

Tin bài liên quan