Sáp nhập tự nguyện
“Đây là thương vụ sáp nhập tự nguyện, vì 2 ngân hàng không nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc và trên tinh thần sáp nhập để lớn mạnh quy mô. Sau sáp nhập, mạng lưới BIDV được mở rộng mà không cần tốn quá nhiều thời gian để đầu tư”, ông Tú nói và cho rằng, 44 chi nhánh và 187 phòng giao dịch ở khắp cả nước của MHB tập trung chủ yếu ở các khu vực ĐBSCL và ở khu vực nông thôn.
Nếu không sáp nhập MHB, BIDV phải mất khoảng 7 năm để có thể phát triển được mạng lưới này. Thứ 2 về địa bàn, hiện MHB chủ yếu tập trung ở địa bàn ĐBSCL. Vì thế, sáp nhập sẽ là cơ hội để BIDV đẩy mạnh việc tăng trưởng tín dụng ở khu vực nông thôn.
Sau sáp nhập sẽ niêm yết cổ phiếu của MHB
Theo ông Tú, từ khi có thông tin sáp nhập đến nay, cổ phiếu của BIDV liên tục tăng nên việc sáp nhập cũng sẽ có lợi cho cổ đông của cả 2 bên. Để hoàn thành được việc sáp nhập cũng phải đến hết năm 2015. Với tỷ lệ 1:1, BIDV cho rằng, đang bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ, lẻ. Những lợi ích đem lại cho các cổ đông trong tương lai. Có thể, trước mắt cổ đông của BIDV hơi thiệt một chút. Một phần, do thanh khoản của MHB kém hơn BIDV.
Trong năm qua, BIDV đã bán 6.166 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Năm nay, BIDV sẽ bán 8.000 tỷ đồng. Việc VAMC mua lại nợ xấu nhiều, nhưng liệu có xử lý được nợ xấu. BIDV trích dự phòng rủi ro 7.800 tỷ đồng trong năm 2014 so với mức của năm 2013 là 9.800 tỷ đồng. BIDV xác định, việc trích dự phòng rủi ro luôn phải được đảm bảo.
Tỷ lệ cho vay trên vốn huy động của BIDV là từ 90-91%, đảm bảo nguồn vốn huy động được sử dụng một cách hiệu quả. BIDV sẽ tập trung vốn cho nông nghiệp, nhất là với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt là sau khi sáp nhập MHB, BIDV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng cho khu vực nông nghiệp. Dư nợ MHB chiếm 50% tổng dư nợ của ngân hàng này. Các chi nhánh của MHB hiện nay cũng chủ yếu nằm ở khu vực ĐBSCL và các tỉnh ở vùng nông thôn.
Kết thúc năm 2014, tổng tài sản tăng trưởng khá: Tổng tài sản đạt 655 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18%, tiếp tục là một trong những NHTM có quy mô lớn nhất thị trường. Tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng tích cực so với toàn ngành ngân hàng, chất lượng tín dụng được cải thiện: dư nợ tín dụng cho các TCTD và dân cư đạt trên 460 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18,9%, tăng trưởng gắn với kiểm soát chất lượng, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm dần từ mức 2,9% năm 2012 xuống dưới 2% năm 2014.
Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo đúng định hướng với tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực ưu tiên (DNVVN, công nghệ cao, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu) đều cao hơn tốc độ tăng trưởng chung, tỷ lệ dư nợ bán lẻ trên tổng dư nợ tăng, đạt 17%. Huy động vốn của các TCTD và dân cư đạt 502 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 20%. Cơ cấu nguồn vốn cải thiện theo hướng gia tăng tính ổn định, bền vững, tăng tỷ trọng tiền gửi dân cư.
Thu dịch vụ ròng đạt 2.835 tỷ, tăng 18,4% so với năm 2013, tiếp tục là một trong những ngân hàng có quy mô thu dịch vụ ròng dẫn đầu thị trường. Hiệu quả kinh doanh tăng trưởng ổn định phù hợp với tốc độ tăng trưởng quy mô: Lợi nhuận trước thuế đạt trên 6.065 tỷ, tăng trưởng 20% so với năm 2013, dự phòng rủi ro trích lập đầy đủ theo quy định, ROE đạt 14,4% và ROA đạt 0,8%. Đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn 9% như đã cam kết với cổ đông.
Trên cơ sở các kết quả hoạt động kinh doanh của BIDV năm 2014, BIDV xây dựng định hướng hoạt động kinh doanh 2015 gồm: tăng trưởng tín dụng ở mức 16%, tăng trưởng huy động vốn ở mức 16,5%, Lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 7.500 tỷ đồng, ROA, ROE đảm bảo cải thiện hơn so với năm trước; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 3%, phấn đấu ≤2,5%; Đảm bảo các tỷ lệ hoạt động theo quy định của NHNN.
Trong năm nay, BIDV sẽ phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị 6.000 tỷ đồng, chuyển đổi cổ phiếu từ sáp nhập MHB (336,9 triệu cổ phiếu) để tăng vốn lên trên 43.100 tỷ đồng.
Theo ông Trần Bắc Hà, BIDV đã phối hợp MHB xây dựng đề án sáp nhập MHB vào BIDV theo tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:1. Đồng thời, BIDV di chuyển 12 chi nhánh MHB tại khu vực miền núi phía Bắc và Đồng bằng Sông Cửu Long về địa bàn trọng điểm TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng.