CEO Begroup: Sandbox quá chậm gây cạnh tranh bất bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước

0:00 / 0:00
0:00

Thiếu khung pháp lý thử nghiệm về kinh tế chia sẻ (sandbox) là kẽ hở khiến doanh nghiệp ngoại trốn thuế, độc quyền, chèn ép doanh nghiệp trong nước, theo Tổng giám đốc Be Group Nguyễn Hoàng Phương.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group

Bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 diễn ra sáng nay (23/12), bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group cho rằng, kinh tế chia sẻ mang lại rất nhiều lợi ích, thậm chí đã làm thay đổi hoàn toàn nhiều ngành kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, kinh tế chia sẻ cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho kinh tế quốc gia, nếu không làm chủ được các nền tảng công nghệ.

“Các nền tảng công nghệ nước ngoài mang lại giá trị trước mắt, nhưng lấy đi nhiều giá trị lâu dài, mang ý nghĩa chiến lược, thiết yếu của quốc gia. Chúng tôi nhận ra rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nếu không đứng lên làm chủ công nghệ, làm chủ các mảng kinh doanh cốt lõi thì sẽ thua trên sân nhà.

Người Việt Nam phải làm chủ dữ liệu số của Việt Nam, không thể để công cuộc chuyển đổi số quốc gia bị thao túng bởi doanh nghiệp và thế lực công nghệ nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần kết hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa để tạo ra hệ sinh thái số thuần Việt đủ sức cạnh tranh trong nước và vươn ra thế giới”, bà Phương kỳ vọng.

Lấy ví dụ về Be Group - một doanh nghiệp Việt đang phải đối chọi với hai đối thủ có giá trị vốn hóa 12 tỷ USD và 15 tỷ USD trên thị trường, bà Phương cho hay, sự đối chọi này rất khó khăn cho doanh nghiệp, với hành lang pháp lý như hiện nay. Có rất nhiều bất cập mà CEO Be Group chỉ ra.

Thứ nhất, theo bà Phương, khung pháp lý thử nghiệm cho kinh tế chia sẻ (sandbox) quá chậm gây ra cạnh tranh bất bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Thứ hai, có hiện tượng doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm lẫn nhau để tạo thế độc quyền, vi phạm Luật cạnh tranh.

Thứ ba, pháp luật về thuế đang không đang kheo kịp sự phát triển của loại hình doanh nghiệp mới, còn nhiều kẽ hở bị lợi dụng, gây thất thu ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nước ngoài dù liên tục báo lỗ hàng năm, song doanh thu lại tăng trưởng vượt bậc.

Cuối cùng, hành lang pháp lý của chúng ta về bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ dữ liệu giao thông, dữ liệu hạ tầng quốc gia… chưa tốt. Nhiều dữ liệu quan trọng đang được doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận quá dễ dàng. Vì vậy, các doanh nghiệp này khi thâm nhập thị trường Việt Nam thay vì bắt tay doanh nghiệp Việt lại phát triển độc lập, triệt tiêu doanh nghiệp trong nước.

“Những bất cập trên khiến chúng ta hiểu rằng, Việt Nam cần có hệ sinh thái số của riêng mình. Thế nhưng, ý chí của riêng doanh nghiệp là chưa đủ, Chính phủ cần phải vào cuộc, càn có chính sách thuận lợi hơn hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, đủ sức cạnh tranh với đối thủ nước ngoài”, bà Phương đề xuất.

Một trong những giải pháp Chính phủ có thể hỗ trợ phát triển nền tảng số nội địa, theo CEO Be Group, là Chính phủ cho phép doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào chiến lược chuyển đổi số quốc gia đồng thời có cơ chế pháp lý thuận lợi hơn cho các start up Việt gọi vốn từ nước ngoài.

"Chúng tôi hy vọng sẽ có những chính sách tốt hơn cho doanh nghiệp thuần Việt. Có như vậy, startup Việt mới có thể từ mầm cây trở thành cổ thủ, từ vườm ươm trở thành những khu rừng", bà Phương nói.

Tin bài liên quan