Ngày 04/04, Schoolab (Tổ chức đổi mới sáng tạo toàn cầu) và BambuUP (Nền tảng thông tin và kết nối đổi mới sáng tạo) đã tổ chức sự kiện Demo Day, nhằm giới thiệu mô hình kinh doanh tuần hoàn của 10 startup “xanh” (từ hơn 100 đơn đăng ký). Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chương trình “Towards Zero Waste Accelerator: Tăng tốc hướng tới tương lai không rác thải”, đã thu hút sự quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, nhiều quỹ đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại đây, bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUP đã có những chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán về góc nhìn, cũng như yêu cầu các quỹ đầu tư khi tham gia đánh giá và lựa chọn đầu tư đối với các startup trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
![]() |
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUP chia sẻ tại Demo Day chiều 04/04. |
Sau hơn 7 tháng thực hiện chương trình, tiếp xúc với rất nhiều các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bà nhận thấy họ đang đưa ra những tiêu chí nào để tìm kiếm các startup có tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn?
Các quỹ đầu tư hiện nay đều có những tiêu chí lựa chọn khá tương đồng. Khi quyết định rót vốn, họ thường đánh giá các yếu tố cơ bản như năng lực của nhà sáng lập, chất lượng đội ngũ, mô hình kinh doanh – liệu nó có hợp lý và có khả năng nhân rộng hay không. Một startup có tiềm năng thu hút vốn không chỉ cần một ý tưởng sáng tạo, mà còn phải chứng minh được sự hợp lý của mô hình và tính khả thi khi nhân rộng.
Tuy nhiên, khác với giai đoạn trước đây, nhà đầu tư hiện nay đặt ra thêm hai yêu cầu then chốt: dòng tiền thực tế và khả năng tạo lợi nhuận rõ ràng. Không còn là những bản vẽ ý tưởng bay bổng như trước nữa, các nhà đầu tư giờ đây yêu cầu các chỉ số tài chính phải thật sắc nét. Họ thực tế hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, một xu hướng ngày càng rõ rệt là các nhà đầu tư – kể cả trong những ngành truyền thống – bắt đầu quan tâm đến yếu tố ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Đây được xem là những tiêu chí không thể thiếu trong quá trình đánh giá tiềm năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Riêng với các mô hình khởi nghiệp kinh tế tuần hoàn hoặc đổi mới sáng tạo xanh, nhiều quỹ đầu tư hiện nay không chỉ đóng vai trò tài trợ vốn, mà còn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chiến lược dài hạn. Các quỹ này thường mang tính đặc thù, sẵn sàng đồng hành ở giai đoạn đầu, và xem trọng tác động xã hội bên cạnh lợi nhuận tài chính.
Trong các chương trình hỗ trợ startup, đã có nhiều quỹ đầu tư quốc tế chủ động kết nối với đơn vị tổ chức để tìm hiểu sâu hơn về doanh nghiệp. Điều này cho thấy tín hiệu tích cực, các quỹ đầu tư đang dần quan tâm đến các mô hình khởi nghiệp bền vững tại Việt Nam.
Đặc biệt, khi chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà là điều tất yếu, bắt buộc. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU đã bắt đầu áp dụng các quy định nghiêm ngặt về ESG. Theo đó, nếu nhà cung cấp không đáp ứng các tiêu chuẩn này, họ sẽ không được phép tiếp tục bán hàng vào thị trường đó.
Như bà chia sẻ tại Demo Day, mô hình kinh doanh tuần hoàn chưa quá phát triển ở Việt Nam. Phải chăng đây là cơ hội với các startup trong lĩnh vực này? Và liệu rằng khi ngày càng nhiều startup tham gia vào kinh tế tuần hoàn, sẽ càng thu hút được nhiều quỹ đầu tư về Việt Nam?
Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường nghiêm trọng. Nhiều báo cáo quốc tế đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức độ ô nhiễm cao và dễ bị tổn thương nhất trước các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nhưng trong bối cảnh nhiều thách thức, Việt Nam lại sở hữu tiềm năng rất lớn để trở thành một trung tâm thử nghiệm các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực môi trường. Đây có thể là cơ hội để xây dựng một "phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo" (Innovation Lab) cho các mô hình kinh tế tuần hoàn, công nghệ xanh và giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Điều này cũng tạo ra dư địa lớn để các startup và doanh nghiệp sáng tạo thử nghiệm, điều chỉnh và hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ mang tính bền vững. Không chỉ là nhu cầu nội tại, những thách thức môi trường ở Việt Nam còn có tính liên kết toàn cầu, và vì vậy, hoàn toàn có khả năng thu hút các nguồn lực hỗ trợ quốc tế – từ vốn đầu tư, công nghệ đến chuyên gia – cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các quốc gia khác, có thể thấy điểm chung là vai trò khởi đầu của chính sách nhà nước. Chính phủ thường giữ vai trò “phất cờ”, tạo ra những chính sách nền tảng để hỗ trợ các startup trong giai đoạn đầu, giúp họ có điểm tựa ban đầu khi bước ra thị trường.
Tiếp theo đó là sự tham gia của các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, giúp tăng khả năng tiếp cận vốn và mở rộng quy mô. Tuy nhiên, để startup phát triển bền vững, yếu tố then chốt chính là sự đồng hành từ các doanh nghiệp và tập đoàn lớn – những đơn vị có thể trở thành khách hàng, đối tác, hoặc kênh phân phối sản phẩm.
Startup muốn phát triển vẫn phải đi đúng hướng của một doanh nghiệp thực thụ: có đầu ra, có sản phẩm, và có thị trường. Các quỹ đầu tư chỉ có thể hỗ trợ trong một giai đoạn nhất định, còn sự phát triển lâu dài sẽ phụ thuộc vào việc kết nối và tạo ra giá trị thực.
Tại Việt Nam, các yếu tố nền tảng cho hệ sinh thái vẫn còn khá cơ bản. Muốn startup thu hút được đầu tư, bản thân hệ sinh thái cần hấp dẫn hơn – và ngược lại, khi có nhiều quỹ đầu tư quan tâm, sức hút và cơ hội cho startup cũng sẽ tăng lên. Đây là một quá trình cộng hưởng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng từ nhiều phía, chứ không thể kỳ vọng vào một quỹ hay đơn vị riêng lẻ.
Bên cạnh những yêu cầu rất quan trọng, bà nhận thấy khó khăn thực tế của các startup nói chung và trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn nói riêng là gì?
Trong quá trình phát triển, hầu hết các startup đều phải đối mặt với bốn nhóm thách thức phổ biến và mang tính quyết định: khó khăn từ phát triển thị trường và đầu ra sản phẩm; hoàn thiện sản phẩm và giải pháp; quản trị sản xuất (nhất là khi mô hình bắt đầu mở rộng); cuối cùng là quản trị tài chính và huy động vốn.
Với các startup hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, những thách thức này còn nhiều hơn. Thị trường sản phẩm tuần hoàn tại Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, chưa phát triển mạnh. Điều này khiến quá trình chinh phục thị trường kéo dài hơn, sản phẩm cần nhiều thời gian để kiểm chứng và hoàn thiện. Do đó, các startup này càng cần thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài – bao gồm mạng lưới chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác và các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Như vậy, về phía nhà nước nên có những hỗ trợ như thế nào để thúc đẩy cộng đồng startup phát triển, thưa bà?
Hiện nay, cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo đang đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 57 mới được Bộ Chính trị ban hành, cũng như dự thảo sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ sắp được đưa ra trong thời gian tới. Những thay đổi này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý, mở ra không gian mới cho các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng công nghệ.
Một trong những yếu tố then chốt chính là tạo ra cơ chế chấp nhận rủi ro – điều bắt buộc trong môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Không thể kỳ vọng vào sự bứt phá nếu thiếu đi tinh thần sẵn sàng thử nghiệm, chấp nhận thất bại và học hỏi từ những thất bại đó.
Song song, các cơ chế thử nghiệm như sandbox pháp lý cũng rất cần thiết, đặc biệt với những lĩnh vực công nghệ mới mà Việt Nam hiện chưa có khung pháp lý rõ ràng, như blockchain, crypto, token và các mô hình kinh tế số khác.
Sự kỳ vọng này không chỉ đến từ các startup, mà còn từ những tổ chức đang hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Với những tín hiệu tích cực từ các chính sách gần đây, niềm tin vào một bước chuyển mình mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đang ngày càng rõ rệt.