Dịp Tết, xưởng làm hoa từ đất sét của chị Trần Thị Tường Vui (quận 4) tất bật gia công. "Năm nào mua Tết cũng bận rộn nhất vì khách hàng đặt mua hoa nhiều, trung bình hàng nghìn bông hoa lẻ và hơn 100 hoa chậu", chị Vui - người từng 10 năm làm loại hoa này - nói.
Những cục đất sét được nhào nặn, thêm màu, bột, hồ... để mịn và dai hơn. "Công đoạn pha màu rất quan trọng, phải đúng tỷ lệ, loại đất để dễ tạo hình, khi hoa khô thì bắt mắt và chân thật hơn.Thời điểm Tết, mỗi ngày tôi dùng hơn chục cân đất sét", chị Vui nói.
Đất sau khi nhào nặn được đưa vào máy ép cho mỏng để làm cánh, lá. "Với mỗi loại hoa lại cần một khuôn riêng. Tính ra đến giờ tôi có hàng nghìn loại khuôn, phần lớn là tự chế", chị Vui giải thích.
Tác phẩm có giá trị nhất của chị Vui trong dịp Tết này là cây tắc kiểng cao 2,6 m; được làm từ hơn 50 kg đất sét, 30 kg sắt, giấy để làm khung. Sau hai tháng thực hiện, cây quất được chị bán với giá gần 30 triệu đồng.
Cây quất đất sét gồm 1.000 trái và 4.000 lá, có hình dáng, kích thước tương đương quất thật. "Trên cây tôi còn gắn thêm những trái xanh, lá vàng, lá non cho giống thật", chị Vui nói.
Cũng theo chị, công đoạn khó nhất khi làm quất đất sét là tạo bộ gốc cho cây. Gốc cũng là khung nâng đỡ toàn cây nên phải chắc chắn, cần phối nhiều màu để ra dáng xù xì như thật.
Những cây hoa đất sét khác có giá từ khoảng 5 triệu đồng trở xuống. Nhiều khách ngoài mua cây còn lấy cành hoa về tự cắm. "Những cành hoa mai, sen, đào... tôi làm đều bỏ sỉ với số lượng lên đến hàng nghìn bông trong dịp Tết", chị Vui nói.
Chậu hoa sứ có giá gần 4 triệu đồng. Vì là sản phẩm thủ công nên mỗi loại hoa lại có hình dáng, kích thước khác nhau.
"Ngoài hoa mai, tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng làm cây chuối và đu đủ trong dịp Tết. Mỗi khách lại yêu cầu một kiểu dáng khác nhau và chỉ cần gửi ảnh là tôi sẽ làm giống thật đến 90%", chị Vui nói.