Chuyện cổ tích "Cây Khế" hầu như ai cũng biết, đại loại tóm tắt như sau: Có hai anh em mồ côi, bình thường chăm lo làm lụng, no đói có nhau. Nhưng mọi chuyện bắt đầu từ khi họ có vợ. Từ việc ông anh bạo hành, tranh của đến đẩy em ra riêng đều do vợ xúi mà ra…
Một ngày, đang dạo trong vườn, người em thấy có con chim to đang chén mấy quả khế đầu mùa. Bực quá, chàng đuổi đi thì con chim phều phào, "ăn một quả giả cục vàng…", rồi bay mất hút.
Sáng hôm sau chờ mỏi cả cổ không thấy chim đâu, người em nghĩ bụng, đến anh mình còn lừa mình nữa là chim chóc. Định bụng ra hái khế đem bán kiếm gạo thì bất thình lình thấy chim bay đến. Chàng cả mừng, xoắn xuýt hỏi chim:
* Định cho tao leo cây hay sao mà lâu thế?
* Nãy bay ngang phố, lượn vào chùm dây điện căng ngang đường, tí chết đây này.
* Hề hề, biết đâu được đấy. Mà thôi, mình đi nhở…
Tin người em được chim thần giúp đỡ, nay giàu có lan đến tai người anh. Gã điên lắm. Mình chia cho nó cây khế để nó hái quả mà sống qua ngày. Còn chim cò đến đậu, bắt được thì ít nhất cũng phải cưa đôi chứ. Trái với chuyện cổ tích ngày xưa, vợ chồng người anh gây sức ép buộc em phải trả lại cây...
Đến mùa khế chín, chim thần lại bay đến. Ai ngờ trên cây khế đã đặt sẵn bẫy sập. Lúc tỉnh dậy thấy bị trói gô vào thành giường, chim cả kinh không hiểu chuyện gì xảy ra. Kịp lúc ông anh bước đến, hất hàm nói:
* Bây giờ mày tính sao?
* Sao là thế nào? Ơ, ông kia đâu?
* Nó bán lại nhà rồi, mày ăn khế phải trả vàng thì tao mới tha, hiểu chửa?
* À, chuyện nhỏ, mai cứ may túi ba gang, tôi đưa đi lấy.
Hai vợ chồng bàn nhau, có ba gang túi, vàng mang về bằng đứa em thì nó cười mình thối mũi… Và kết cục thì ai cũng biết. Người anh lăn tòm xuống biển. Còn Đại bàng Airlines chỉ bị ướt lông, ướt cánh, vùng lên khỏi mặt nước bay đi đâu không rõ…
Nhưng chuyện chưa dừng ở đây. Một ngày cả làng xôn xao khi nghe tin Khế em, một chàng trai vốn hiền lành, chuyên nghề bán khế bị khởi tố về tội giết người và trộm cắp tài sản. Vì vậy, ngày quan nha luận tội, dân trong vùng kéo đến dự rất đông.
Theo cáo trạng thì do túng quá hóa liều, Khế em đã bàn bạc với anh đi trộm vàng. Sau khi trộm được, vì hám của nên đã rủ đi tắm và lừa lừa dìm anh xuống nước. Tuy chưa tìm được xác nạn nhân, nhưng bằng cớ là đơn tố cáo của vợ người anh và số tài sản lớn không chứng minh được nguồn gốc, quan nha kết luận, Khế em phạm tội “trộm cắp tài sản” và “giết người”.
* Bị cáo có thừa nhận những hành vi như cáo trạng không?
* Mong quan trên minh xét. Quả tôi bị oan.
* Bị cáo bị oan như thế nào?
* Thưa. Sau khi chia tài sản, tôi được anh cho cây khế. Có con chim đến ăn, rồi tôi được nó cho vàng, cho bạc… Nghe chuyện, anh tôi đến cướp lại cây khế. Một ngày, tôi thấy chim cũng đến ăn, nhưng mấy hôm sau thì anh trai tôi mất tích.
Nghe đến đây, quan tòa nổi giận:
* “Bị cáo thật to gan. Đã trộm tài sản công, giết anh trai rồi còn dựng lên chuyện hoang đường để che mắt bản phủ”…
Bất thình lình, ngoài công đường có hồi trống kêu vang, hoá ra chim thần đến kêu oan hộ Khế em rồi kể hết sự độc ác, tham lam của vợ chồng người anh. Tất cả những người dân trong làng được Khế em giúp đỡ cũng đồng thanh đứng lên xác nhận.
Sau khi điều tra kỹ càng, thấy đúng là người em bị oan, quan phủ liền thả tự do cho anh này, rồi bắt vợ người anh tống ngục vì tội vu khống…
Tuy nhiên, chuyện vẫn chưa dừng lại. Người anh rơi xuống biển nhưng không chết, vì lúc đó chim chỉ bay được vài chục mét. Sau khi chim thần bay đi, gã lóp ngóp bơi vào đảo sống đời Rôbinsơn. Ít lâu sau, khi bắt gặp một tàu buôn đi ngang, người anh vẫy đi nhờ, rồi dùng châu báu thuê tàu chở về cố quốc.
Lúc này đã giàu có lắm, người anh thuê thám tử lân la về quê dò hỏi thì được biết vợ đã bị bắt đi đày biệt xứ. Gã sợ tội không dám về quê, liền lập nghiệp ở xứ lạ. Lấy số vàng tích cóp được, gã ngồi mát ăn bát vàng, chuyên nghề cho vay nặng lãi.
Dân tình thấy thanh thế người này ngày càng lớn thì ùn ùn mang vàng bạc châu báu đến gửi. Người anh chỉ việc đưa ra cái giấy biên nhận rồi cầm vàng của chúng dân đem bán lấy tiền tiêu xài.
Tuy nhiên, cực thịnh tất suy. Năm ấy kinh tế suy vi, thời giá tăng vọt, vàng bạc cứ thế tăng vùn vụt. Dân tình ào ào đến rút về. Người anh cuống cuồng đi gom vàng khắp nơi. Nhưng của núi cũng cạn, gã lâm vào thế khó.
Chưa kể trong số vàng người anh trả nợ, dân tình phát hiện có lẫn vàng giả. Nhiều người của đau con xót, đến vạ vật trước nhà thưa kiện.
Bí quá hóa liều, gã chống chế:
* Ai bảo lúc mua không kiểm kỹ. Bây giờ gặp đồ giả biết kêu ai.
* Nhưng rõ ràng là vàng này tôi lấy từ nhà ông cơ mà?
* Ta đã bảo rồi, vàng nhà ta là uy tín nhất. Các ngươi toàn mua bán ở đâu rồi đem đến đây ăn vạ, ta làm sao gánh nổi.
* Thế hóa ra ai đen thì chịu à? - một người dân bức xúc. Ông trả tôi 10 lạng thì đến 8 là giả đây này.
* Các người đừng bức xúc quá, hại sức khỏe. Xem cái đám cưới ở làng bên kia kìa. Sính lễ vàng giả, chú rể pê đê, họ hàng cũng giả nốt. Thế mà họ vẫn phải im như thóc kia kìa.
* Ông đừng có bài bây. Không làm cho ra nhẽ, tôi báo quan chứ đùa à.
* Đây chả sợ. Cứ kêu khó, kêu khổ. Quan hoãn cho vài lần là lại đâu vào đấy ngay.