Cầu vốn và những cơ hội sau đại dịch

Cầu vốn và những cơ hội sau đại dịch

(ĐTCK) Giữa tháng 5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành, điều này tạo một dòng vốn rẻ khá lớn cho thị trường, kích thích nhu cầu vay vốn đẩy mạnh sản xuất.

Qua đợt dịch Covid-19, có thể thấy sức khỏe của doanh nghiệp Việt Nam không quá yếu. Nhưng với một số lĩnh vực chịu tác động trực tiếp, nhất là ngành hàng không, giao thông vận tải và du lịch, xuất nhập khẩu... thì khó khăn còn rất lớn. Đáng chú ý, dịch bệnh vẫn lan rộng trên toàn thế giới khiến giao thương và ngành du lịch chịu tác động có thể còn kéo dài. Vì thế, cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp chưa thể tăng trở lại, dù lãi suất giảm.

Cầu vốn chưa thể tăng nhanh

Dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng và ảnh hưởng chung tới toàn thế giới. Mỗi nước đều đã có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp rất tốt. Ở trong nước, Chính phủ đã kịp thời đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng các thông tin đưa ra hiện số lượng doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ từ tín dụng chỉ đâu đó khoảng 20%. Nếu thực sự như vậy thì vẫn còn chậm để đưa gói hỗ trợ tới doanh nghiệp, giúp họ vượt qua khó khăn sau đại dịch. Trong khi đó, hệ thống bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động của Việt Nam cũng đang vận hành, nhưng kết quả có tốt hay không vẫn là vấn đề được quan tâm.

Cầu vốn và những cơ hội sau đại dịch ảnh 1

Ông Huỳnh Bửu Sơn, Chuyên gia tài chính, ngân hàng

Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn trước mắt. Lúc đó, các doanh nghiệp mới tính đến chuyện tái mở rộng sản xuất, kinh doanh khi thị trường nội địa và xuất khẩu trở lại trạng thái bình thường như trước đây. Ngược lại, các doanh nghiệp sẽ rơi vào khó khăn vì mất khả năng chi trả, nhất là nợ vay...

Với chính sách tín dụng, ngành ngân hàng đã sớm vào cuộc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trước, trong và sau khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Đó cũng là việc các ngân hàng buộc phải làm, vì không chỉ gỡ khó cho doanh nghiệp mà còn giúp chính bản thân các ngân hàng tránh được rủi ro nợ xấu gia tăng.

Chính vì thế, việc giãn nợ và giảm lãi suất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thời gian qua chắc chắn các ngân hàng phải làm để tránh rủi ro nợ xấu gia tăng. Để chung tay vượt qua khó khăn cùng khách hàng, ngành ngân hàng đã vào cuộc giãn, cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất khoản vay cũ cũng như khoản vay mới. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn dĩ không dễ tiếp cận vốn ngân hàng thì qua đợt dịch này càng khó tiếp cận hơn, do hoạt động sản xuất - kinh doanh trở nên khó khăn.

Thực tế, gói tín dụng hỗ trợ từ các ngân hàng cũng không hẳn dễ dàng tiếp cận đối với những doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay được vốn. Còn với những doanh nghiệp lớn và đủ khả năng thì không sử dụng vốn vay nhiều, nhất là sau đợt dịch Covid-19 khi hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa trở lại như trước.

Trong thời gian qua, nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp đã có dấu hiệu giảm. Điều này được chứng minh qua số liệu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đưa ra. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến giữa tháng 4/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 0,8%, trong khi hết quý I/2020 đã tăng trưởng 1,3%. Như vậy, riêng trong nửa đầu tháng 4/2020, tín dụng đã tăng trưởng âm 0,5%. Bởi thực tế, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cũng không muốn vay vốn để làm gì nếu không có dự án sản xuất, kinh doanh mới. Hàng hóa sản xuất chưa xuất khẩu được, điều doanh nghiệp cần lúc này là làm sao để củng cố lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một khi cầu vốn giảm thì ngân hàng khó đẩy mạnh cho vay trong lúc này.

Nhưng về nợ xấu, hiện có hai loại, đó là nợ xấu trước đây để lại và nợ xấu phát sinh từ đại dịch. Nợ xấu phát sinh từ đại dịch sẽ không quá lớn khi gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn được dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, do không chỉ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19, mà còn có thêm yếu tố thị trường bất động sản chưa thể khởi sắc sau dịch bệnh...

Phải có sự thay đổi để nắm cơ hội

Dịch bệnh diễn ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí, nhiều đơn vị đã phải đóng cửa. Nhiều thị trường trên thế giới vẫn chưa thể trở lại như trước, nhất là ở những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19 như Mỹ, Anh, Ý...

Đưa nguồn vốn hỗ trợ giá rẻ ra thị trường là giải pháp cần thiết ở giai đoạn này, nhưng lớn hơn cả đó là cần có sự thay đổi về chính sách tín dụng trên bình diện rộng để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn chính thức.   

    

Còn tại Việt Nam, tình hình đã khả quan khi dịch bệnh được kiểm soát, nhưng doanh nghiệp và kể cả người lao động vẫn đang trong tình trạng như người vừa trải qua cơn bạo bệnh nên cần đến nguồn hỗ trợ từ Chính phủ; đồng thời, các doanh nghiệp cần thời gian củng cố để có thể đón đầu được các cơ hội mới trong thời gian tới.

Doanh nghiệp đang vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch đã được tiếp cận các giải pháp tín dụng như khoanh giãn nợ, hạ lãi suất… Nhưng điều đó không thay đổi thực trạng khó tiếp cận tín dụng của nhiều loại hình doanh nghiệp, vốn là tình trạng chưa được xử lý ngay cả khi không có dịch, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Hiện các doanh nghiệp khởi nghiệp khó có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng Việt Nam. Nếu như trên thế giới, hệ thống các quỹ khởi nghiệp rất phát triển, đa dạng về dòng vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn để có thể vươn mình lớn mạnh thì ở Việt Nam, các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp vẫn chưa phát triển, tín dụng vào khu vực này cũng rất cẩn trọng.

Đưa nguồn vốn hỗ trợ giá rẻ ra thị trường là giải pháp cần thiết ở giai đoạn này, nhưng lớn hơn cả đó là cần có sự thay đổi về chính sách tín dụng trên bình diện rộng để nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận tốt hơn với nguồn vốn chính thức.

Việt Nam cũng cần có sự thay đổi cả về chính sách và nhất là về chuỗi cung ứng, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc theo hướng đa dạng hơn. Thực ra, thay đổi chuỗi cung ứng bắt đầu manh nha từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cách đây 1 năm. Sự dịch chuyển đó thể hiện ở một số doanh nghiệp châu Âu, Nhật Bản, kể cả Trung Quốc chọn Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu. Khi đại dịch diễn ra, làn sóng dịch chuyển và cơ hội ngày càng trở nên rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Vì một khi doanh nghiệp quốc tế đến, nếu không thuận lợi họ cũng sẽ ra đi. Đây cũng là chuyện bình thường. Do đó, Việt Nam phải làm sao để ngày càng cải thiện chính sách để thu hút được nguồn vốn ngoại. Mặt khác, chúng ta phải cải thiện công nghiệp phụ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa, thay vì chỉ gia công cho nước ngoài với thu nhập rẻ mạt. Đây là vấn đề được đặt ra nhiều năm qua nhưng tới nay vẫn chưa làm được.

Nếu không tự thay đổi để tận dụng cơ hội thì các doanh nghiệp lớn đến rồi sẽ đi. Để tranh thủ được làn sóng này, Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi một số mặt mới có thể giữ chân các doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Thứ nhất là cải thiện môi trường đầu tư. Chúng ta phải tạo được "sân chơi" thực sự tốt, bình đẳng cho các doanh nghiệp FDI, tư nhân và quốc doanh cả về pháp luật, nguồn vốn, tài nguyên và nhân lực.

Thứ hai, đảm bảo vĩ mô, tỷ giá, lãi suất ổn định.

Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện. Chẳng hạn, nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế chi phí thấp, chứ không phải lãi cao so với các nước trong khu vực như hiện nay, khiến hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam kém sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, các vấn đề về xã hội như nhà ở cho người nước ngoài cũng phải được giải quyết tốt. Nếu không, cơ hội sẽ qua đi.

Thực tế hiện nay, lương lao động Việt Nam so với các nước là thấp, nhưng nếu so sánh trong tương quan với năng suất lao động tạo ra thì chưa hẳn như vậy. Muốn tăng năng suất làm việc, đòi hỏi hệ thống giáo dục - đào tạo trong nước phải tốt, doanh nghiệp phải xây dựng được đội ngũ lao động có trình độ cao.

Chỉ khi làm tốt những điều đó, Việt Nam mới hy vọng trở thành mắt xích mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt mới cạnh tranh được trên thị trường thế giới.

Tin bài liên quan