Phố Wall tiếp tục giảm điểm phiên thứ 2 liên tiếp trong phiên thứ Ba do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu dược phẩm.
Cổ phiếu dược phẩm và y tế giảm khá mạnh trong phiên thứ Ba sau khi Tổng thống Mỹ Trump viết trên Tweet cho biết, đang nghiên cứu một hệ thống mới nhằm tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực y tế và giảm giá thuốc xuống.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị tâm lý cho khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào giữa tuần tới.
Kết thúc phiên 7/3, chỉ số Dow Jones giảm 29,58 điểm (-0,14%), xuống 20.924,76 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,92 điểm (-0,29%), xuống 2.368,39 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 15,25 điểm (-0,26%), xuống 5.833,93 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng tỏ ra yếu ớt trong phiên thứ Ba, ngoại trừ chứng khoán Đức đảo chiều thành công, nhưng mức tăng cũng rất khiêm tốn. Cũng giống phố Wall, chứng khoán châu Âu giảm trong phiên thứ Ba do nhóm cổ phiếu dược sau bình luận của ông Trump.
Bên cạnh đó, chứng khoán khu vực cũng nhận thông tin không tích cực từ Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo đó, dữ liệu từ Đức vừa công bố cho thấy, số đơn đặt hàng công nghiệp của Đức giảm 7,4% trong tháng 1, mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 8 năm do nhu cầu trong nước và khu vực đồng euro sụt giảm.
Kết thúc phiên 7/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 11,13 điểm (-0,15%), xuống 7.338,99 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 7,74 điểm (+0,06%), lên 11.966,14 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 17,19 điểm (-0,35%), xuống 4.955,00 điểm.
Chứng khoán châu Á tiếp tục trái chiều trong phiên thứ Ba khi chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong tuần do ảnh hưởng từ đà sụt giảm của phố Wall phiên trước đó, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông tiếp tục tăng điểm.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ khi Trung Quốc xác định, lĩnh vực này là chìa khóa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế.
Kết thúc phiên 7/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 34,99 điểm (-0,18%), xuống 19.344,15 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 84,79 điểm (+0,36%), lên 23.681,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,54 điểm (+0,26%), lên 3.242,41 điểm.
Khả năng Fed tăng lãi suất kéo đồng USD tăng mạnh và đẩy giá vàng tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Ba, xuống mức thấp nhất 6 tuần.
Kết thúc phiên 7/3, giá vàng giao ngay giảm 9,5 USD (-0,76%), xuống 1.215,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2017 giảm 9,4 USD (-0,77%), xuống 1.216,1 USD/ounce.
Giá dầu ít thay đổi khi kết thúc phiên thứ Ba khi khả năng về việc Mỹ gia tăng sản xuất giảm đi sau phát biểu của Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid Al-Falih, thành viên lớn nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết, các nguyên tắc cơ bản của thị trường đang được cải thiện.
Ông Khalid Al-Falih cho biết, thỏa thuận cắt giảm sản lượng cuối năm ngoái giữa OPEC và các nước lớn ngoài khối này về việc giảm cung và tăng giá đã cải thiện được nguyên tắc cơ bản về cung cầu. Tuy nhiên, điều đó chỉ xảy ra bởi Saudi Arabia thực hiện cam kết, đưa sản lượng của mình xuống dưới 10 triệu thùng/ngày.
Ông cũng cho biết, OPEC sẽ không cho phép các nhà sản xuất đối thủ tận dụng cam kết này để tăng sản lượng của mình. OPEC dự kiến sẽ gặp lại vào tháng 5 để xem xét khả năng mở rộng sản xuất.
Kết thúc phiên 7/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,06 USD/thùng (-0,11%), xuống 53,14 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,09 USD (-0,16%), xuống 55,92 USD/thùng.