Báo cáo tài chính quý I/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, số liệu huy động cao hơn dư nợ cho vay. Bà có nhận xét gì về diễn biến này?
Không thể phủ nhận hệ thống đã có những quan ngại về thanh khoản trong những giai đoạn nhất định, dẫn đến các tổ chức tín dụng tập trung nhiều hơn vào sự ổn định, an toàn, đáp ứng thanh khoản cho người dân.
Bên cạnh đó, nhu cầu huy động trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước giảm mạnh, niềm tin của nhà đầu tư về trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi, nên tiền đang dồn vào gửi tại hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản dồi dào, thể hiện rõ trong báo cáo tài chính quý I/2023, đó là nhu cầu vay giảm mạnh.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank |
Lãi suất huy động vốn đang giảm dần, nhưng hệ thống ngân hàng thương mại dù rất muốn cũng không thể giảm nhanh và mạnh hơn, vì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác của kinh tế vĩ mô, mối quan hệ của tỷ giá và lãi suất các đồng tiền khác… Trong tháng 5/2023, mặt bằng lãi suất huy động giảm khoảng 0,5 - 1%/năm.
Đà giảm ghi nhận ở hầu hết các kỳ hạn trong hệ thống ngân hàng trên thị trường, nhất là sau quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ ba liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (ngày 25/5). Hiện tại, lãi suất niêm yết kỳ hạn 12 tháng dao động phổ biến quanh mức 6,8%/năm ở các ngân hàng thương mại nhà nước.
Thực tế, không đợi cơ quan quản lý hạ lãi suất thì các ngân hàng thương mại mới hạ lãi suất, đặc biệt trong khối ngân hàng có vốn nhà nước có trọng trách dẫn dắt toàn ngành thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về lãi suất, tỷ giá…, nhằm giữ ổn định thị trường tiền tệ. Do đó, từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay, nhưng tín dụng vẫn không tăng như kỳ vọng.
Tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 5/2023 tăng 3,17% so với cuối năm 2022. Theo bà, nguyên nhân tín dụng tăng thấp là gì?
Tôi cho rằng, có 3 nguyên nhân chính khiến tín dụng những tháng đầu năm 2023 tăng trưởng ở mức thấp.
Thứ nhất, nhu cầu vốn cho đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh suy giảm. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp sản xuất có đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn khiến nhu cầu vay vốn giảm. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có tình hình tài chính suy yếu dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu vay vốn giảm sút do nhiều dự án gặp khó khăn về mặt pháp lý.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả khảo sát 9.556 doanh nghiệp cho biết, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh, hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023. Tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh là 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%.
Thứ hai, số liệu của Bộ Công thương cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2023 tiếp tục giảm (giảm hơn 11% so với cùng kỳ). Trong đó, tỷ lệ sụt giảm nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, phản ánh tình hình sản xuất tiếp tục khó khăn nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu giảm. Sự sụt giảm mạnh ở cả 2 chiều xuất khẩu và nhập khẩu cho thấy, nhu cầu tiêu dùng suy giảm ở các thị trường lớn.
Thứ ba, giải ngân đầu tư công còn chậm. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 14,66% kế hoạch năm. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 15,65%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (18,48%).
Hệ thống ngân hàng tăng trưởng chủ yếu dựa vào tín dụng, nay vốn luân chuyển chậm chạp trong nền kinh tế, chắc hẳn sẽ dẫn đến những hệ lụy?
Tôi cho rằng, vấn đề được các lãnh đạo ngân hàng quan tâm nhất hiện nay đó là tăng trưởng tín dụng thấp sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, bao gồm khó khăn trong thực hiện mục tiêu của đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu khó giữ ở mức thấp.
Các ngân hàng vẫn đang từng bước giảm lãi suất cho vay, nhưng dòng tiền trong sản xuất - kinh doanh giữa các doanh nghiệp bị ách tắc dẫn đến tác động dây chuyền, khiến doanh nghiệp không có dòng tiền trả nợ đúng hạn lẫn nhau và các tổ chức tín dụng đương nhiên không đứng ngoài câu chuyện công nợ này. Bài toán kinh doanh có quá nhiều yếu tố không thuận lợi.
Nhưng Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ?
Thông tư 02 được ban hành ngày 23/4/2023 là giải pháp trước mắt, tạo điều kiện cho các ngân hàng cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ, nhằm giúp bên vay có khả năng khôi phục được hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp cận được vốn và trả nợ ngân hàng.
Với dự kiến nợ xấu năm 2023 sẽ tăng, các nhà băng buộc phải thận trọng, tập trung giảm áp lực tài chính, chấp nhận tăng trưởng thấp.
Liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, Thông tư 02 nêu rõ, trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung là dương, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích bổ sung dự phòng đến thời điểm 31/12/2023 là tối thiểu 50% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung; đến thời điểm 31/12/2024, trích thêm số còn lại để đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung. Vấn đề là năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng liệu có đủ để trích lập được hay không lại là một câu chuyện khác.
Ngoài ra, không tính lãi dự thu trong thời gian cơ cấu lại nợ cũng là áp lực rất lớn của ngành ngân hàng.
Xung quanh vấn đề này là lãi suất đang giảm, nhưng lãi suất huy động luỹ kế trong 10 tháng trước vẫn cao nên bình quân lãi suất đầu vào cao, trong khi tín dụng tăng trưởng thấp. Trong khi đó, tỷ lệ huy động vốn tăng nhanh hơn, cao hơn so với tăng trưởng của dư nợ.
Nói cách khác, cầu tín dụng thấp, cân đối vốn không tối ưu sẽ dẫn đến giảm hiệu quả kinh doanh và là chỉ báo sớm cho việc nợ xấu sẽ gia tăng. Dự kiến, nợ xấu năm 2023 sẽ lớn và để chống đỡ, các ngân hàng buộc phải thận trọng, tập trung giảm áp lực tài chính, chấp nhận tăng trưởng thấp.
Agribank đã có động thái gì trước những diễn biến trên?
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02, Agribank đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng được thực hiện kể từ ngày 24/4/2023 đến hết 30/6/2024. Đồng thời, Agribank có các giải pháp mạnh để thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro từ những năm trước, hạn chế tối đa việc trích lập rủi ro năm 2023. Diễn biến hiện nay cho thấy, ngành ngân hàng đang trong giai đoạn khó khăn hơn cả thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành.
Trong những giai đoạn bình thường, bài toán của ngành ngân hàng là tiết giảm chi phí, trích lập dự phòng, giữ được chất lượng tín dụng. Nhưng hiện tại, tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu tăng là bài toán khó giải của cả nền kinh tế, chứ không còn là vấn đề chất lượng tín dụng.
Tôi cho rằng, giải pháp khả thi hơn cả là cố gắng đưa lãi suất huy động xuống nhanh hơn nữa để giảm chi phí đầu vào. Các ngân hàng rất muốn và vẫn đang cố gắng hạ lãi suất huy động, nhưng kỳ vọng của thị trường cao nên không thể giảm nhanh, mạnh, mà phải có từng nhịp, từng bước. Vừa hạ lãi suất, vừa phải theo dõi diến biến của thị trường, bởi có quá nhiều yếu tố khó lường.
Kết thúc quý đầu năm 2023, nhiều ngân hàng vẫn công bố đạt hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế khó khăn?
Tôi cho rằng, con số nghìn tỷ đồng lợi nhuận hiện nay chưa phản ánh đầy đủ con số dự phòng rủi ro cần trích lập bổ sung cho nợ xấu phát sinh trong năm 2023.