Tại Đài Loan, Công ty Chứng khoán (CTCK) Yuanta đã có gần 60 năm hoạt động, là CTCK đầu tiên và lớn nhất thị trường. Vậy tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về cơ hội của các CTCK và mục tiêu hoạt động của Yuanta Việt Nam là gì?
Tập đoàn Tài chính Yuanta chính là một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất của Đài Loan. Hiện nay, Tập đoàn bao gồm các công ty con thuộc ngành nghề chứng khoán, ngân hàng (Yuanta Bank và Ta Chong Bank), bảo hiểm, quản lý quỹ, quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong đó CTCK Yuanta được thành lập vào năm 1961, là 1 trong 14 CTCK thành viên đầu tiên của Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan và hiện nay là CTCK lớn nhất Đài Loan về thị phần.
Ông Lê Minh Tâm.
Yuanta Việt Nam được sự hỗ trợ toàn diện của Tập đoàn từ nhân sự, đào tạo, phát triển các chính sách, quy trình, đến công nghệ và tài chính. Nhiều chuyên gia của Tập đoàn đang làm việc ở Việt Nam. Chúng tôi cũng tận dụng được nền tảng khách hàng và mạng lưới hoạt động quốc tế của Tập đoàn mẹ.
Yuanta Việt Nam đang và sẽ xây dựng những sản phẩm tài chính gì để tạo sức cạnh tranh riêng biệt và có thể kết nối các dòng vốn đầu tư, nhất là các dòng vốn chuyên nghiệp trong và ngoài nước tham gia TTCK Việt Nam, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, Yuanta Việt Nam là một phần trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Yuanta ở khu vực châu Á. Chính vì vậy, chúng tôi chú trọng việc xây dựng các sản phẩm, tiện ích nhằm giúp khách hàng của Tập đoàn có thể dễ dàng kết nối đến các cơ hội đầu tư ở Việt Nam, cũng như tạo cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường vốn trong khu vực.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đài Loan hiện là đối tác đầu tư trực tiếp (FDI) lớn thứ 4 tại Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Vậy trong lĩnh vực đầu tư gián tiếp, theo ông, TTCK Việt Nam có sức hấp dẫn dòng vốn đầu tư từ Đài Loan không?
Không giống các nhà đầu tư FDI, các nhà đầu tư chứng khoán của Đài Loan chưa biết đến và chưa đầu tư nhiều vào TTCK Việt Nam. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho Yuanta. Yuanta là một tập đoàn tài chính lớn, có mạng lưới rộng khắp Đài Loan, có thương hiệu mạnh tại Đài Loan và nhiều quốc gia khác.
Hơn nữa, Yuanta hiện nay là tập đoàn tài chính duy nhất của Đài Loan có CTCK hoạt động tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp chúng tôi có lợi thế trong việc giới thiệu TTCK Việt Nam đến các nhà đầu tư Đài Loan.
Tôi tin rằng, TTCK Việt Nam rất hấp dẫn các nhà đầu tư Đài Loan do có mức tăng trưởng cao. Mặt khác, có rất nhiều người Đài Loan là doanh nhân hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có thu nhập và nguồn tiền nhàn rỗi tại Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để họ đầu tư vào chứng khoán.
Thực tế, năm 2017, GDP Việt Nam tăng trưởng 6,81% thì VN-Index tăng 47%; năm 2018, dự kiến GDP tăng 6,88%, nhưng VN-Index lại đang ở mức tăng trưởng âm so với cuối năm 2017. Ông có bình luận gì về hiện trạng này và ông dự báo thế nào về TTCK cuối năm nay cũng như năm tới?
Thực tế, trên thế giới chưa có một nghiên cứu nào chứng minh rõ ràng cho mô thức liên hệ giữa chỉ số tăng trưởng GDP và chỉ số chứng khoán của cùng một nền kinh tế. Bởi trong bối cảnh toàn cầu hoá, chỉ số của TTCK ngoài việc chịu ảnh hưởng của các chỉ số nội tại của các công ty niêm yết, của chính nền kinh tế, chính sách tiền tệ của quốc gia đó, còn bị ảnh hưởng bởi thị trường khu vực, triển vọng kinh tế khu vực và thế giới, dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào hay rút ra....
Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn của TTCK Việt Nam, sẽ phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Nếu chỉ nhìn riêng chỉ số chứng khoán thì khó có thể thể hiện được tất cả các khía cạnh phát triển của TTCK Việt Nam trong dài hạn.
Ông Lih-chung CHIEN,Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan (TWSE).
Quan sát TTCK Việt Nam, tôi biết rằng, đa số doanh nghiệp trên sàn niêm yết hiện có quy mô vừa và nhỏ. Khi doanh nghiệp ở quy mô nhỏ là lúc thị trường ẩn dấu nhiều cơ hội và khả năng phát triển rất tiềm năng.
Tuy nhiên, để đạt được sức phát triển cao hơn, tôi nghĩ rằng, Việt Nam cần nới lỏng một số chính sách, đặc biệt là chính sách quản lý tỷ giá.
Cùng với đó, quy định về tỷ lệ đầu tư tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài nên rõ ràng, cụ thể hơn. Chẳng hạn, Nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần tại những ngành nghề cụ thể, còn lại cho phép các doanh nghiệp và nhà đầu tư được chủ động quyết định.
Một việc quan trọng khác là cần thúc đẩy các doanh nghiệp minh bạch và tăng cường quản trị công ty. Đây là điều vô cùng quan trọng.
Các chủ thể, nhất là doanh nghiệp niêm yết và các tổ chức tài chính trung gian, cần phải được quản trị tốt thì mới mong giảm bớt những cú sốc và mất mát cho người tham gia. Tôi nghĩ, nếu thị trường Việt Nam có tính mở cao hơn và nội tại trong đó các doanh nghiệp được quản trị tốt hơn thì TTCK Việt Nam sẽ rất hấp dẫn.
Tôi rất vui khi biết rằng, CTCK Yuanta đã quyết định lập CTCK 100% vốn tại Việt Nam. Tôi tin rằng, với khả năng quản trị vững vàng và cơ sở khách hàng rộng lớn, CTCK Yuanta sẽ sớm thu hút nhiều nhà đầu tư Đài Loan quan tâm đến TTCK Việt Nam. Hiện tại, các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư trực tiếp vào Việt Nam rất nhiều. Yuanta có cơ hội kết nối và tận dụng nguồn vốn này thúc đẩy các hoạt động đầu tư trên TTCK Việt Nam.
Bên cạnh thị trường cổ phiếu, tại Đài Loan, TTCK phái sinh rất phát triển, trong đó sản phẩm phát triển nhất là chứng quyền. Đây là một sản phẩm có sức hấp dẫn cao, nhưng cũng đòi hỏi phải không ngừng dõi theo và cải thiện vì nó có liên quan đến cả TTCK cơ sở.
Muốn có sản phẩm chứng quyền tốt, điều tất yếu cần có là phải có nhiều sản phẩm cơ sở tốt. CTCK Yuanta tại Đài Loan hiện nay là công ty chiếm thị phần lớn nhất về sản phẩm chứng quyền.
Tôi tin rằng, khi Yuanta phát triển tại Việt Nam, Công ty sẽ mang kinh nghiệm và nguồn lực của mình góp sức phát triển chứng quyền, cũng như nhiều sản phẩm tài chính chuyên nghiệp khác tại Việt Nam. Về phía Sở Giao dịch chứng khoán Đài Loan, chúng tôi đã và sẽ giao lưu nhiều hơn với Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trong phát triển TTCK.
Chúng tôi sẽ mang những kinh nghiệm của mình từ các thị trường khác để áp dụng tại Việt Nam
So với TTCK Đài Loan và các thị trường Đông Nam Á khác như Thái Lan, Singapore hay Indonesia, TTCK Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai và đang phát triển.
Ông Arthur Chen, Tổng giám đốc Tập đoàn Chứng khoán Yuanta (Đài Loan).
Tuy nhiên, dựa vào mức tăng trưởng GDP cao, nhu cầu lớn của thị trường nội địa do dân số cao, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và đơn giản hóa các thủ tục để thu hút đầu tư nước ngoài, chúng tôi thấy được tiềm năng rất lớn của TTCK Việt Nam.
Hơn nữa, tổng số tài khoản đầu tư tại các CTCK Việt Nam chỉ mới hơn 2 triệu tài khoản, trong khi có đến hơn 67 triệu tài khoản ngân hàng.
Chúng tôi tin chắc rằng, số lượng tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng lên trong thời gian tới, góp phần vào việc phát triển thị trường mạnh hơn, từ đó sẽ thúc đẩy việc đầu tư vào chứng khoán trở nên phổ thông hơn.
Nhìn từ các thị trường mà chúng tôi đã hoạt động, có thể thấy, vẫn còn nhiều cơ hội cho thị trường Việt Nam tăng trưởng và cải thiện.
Chúng tôi sẽ mang những kinh nghiệm của mình từ các thị trường khác để áp dụng tại Việt Nam. Là một trong các tổ chức tài chính hàng đầu ở Đài Loan, hoạt động của chúng tôi bao gồm cả ngân hàng thương mại, bảo hiểm nhân thọ, quản lý quỹ và đầu tư mạo hiểm. Chúng tôi sẽ theo dõi sát ngành tài chính ở Việt Nam để tìm ra những cơ hội tiềm năng.
Chúng tôi hoàn toàn lạc quan về TTCK Việt Nam. Qua việc tích hợp vào nền tảng hệ thống của khu vực, chúng tôi có thể kết nối đa dạng khách hàng của chúng tôi với thị trường Việt Nam trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như môi giới, ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản và tạo ra giá trị tài sản cho các khách hàng.
Về chiến lược phát triển ra nước ngoài của Yuanta, ngoài thị trường Hàn Quốc và Hồng Kông đã phát triển tốt và ổn định, chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng sắp tới đóng góp chủ yếu cho thị trường Đông Nam Á.
Trong 18 tháng vừa qua, Yuanta đã đầu tư 150 triệu USD vào Thái Lan và 45 triệu USD vào Việt Nam cho thấy, Tập đoàn Tài chính Yuanta rất coi trọng thị trường Đông Nam Á.