Dự án cầu Nhật Tân là công trình giao thông trọng điểm tại TP.Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh
Sau hai tháng thực hiện kiểm toán Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu (Dự án thành phần 1) sử dụng vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) từ tháng 7 đến 9/2014, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) thông báo kết quả kiểm toán.
Được biết, Dự án là công trình giao thông trọng điểm tại TP. Hà Nội do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án 85 (PMU 85) làm đại diện chủ đầu tư, hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện để có thể thông xe, đưa vào khai thác vào ngày 6/1/2015.
Những nội dung được KTNN tập trung làm rõ là việc quản lý vốn đầu tư, mức độ tuân thủ chế độ chính sách quản lý đầu tư xây dựng, hiện quả sử dụng vốn đầu tư… Phạm vi kiểm toán là từ khi Dự án được triển khai cho đến hết ngày 30/6/2014.
Điểm nhấn nổi bật nhất trong Thông báo kết quả kiểm toán Dự án chính là việc KTNN đã không phải dùng cụm từ “sai phạm” một lần nào. Bên cạnh đó, những kiến nghị đối với cơ quan quản lý Dự án cũng chỉ ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho những sai sót được phát hiện.
Theo một số chuyên gia, với quy mô vốn đầu tư lên tới 13.626 tỷ đồng, có độ phức tạp cao về mặt kỹ thuật, tổng số tiền bị Kiểm toán yêu cầu giảm trừ chỉ khoảng 12 tỷ đồng, thì ở chừng mực nào đó, công tác quản lý, triển khai Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân đã được thực hiện tương đối tốt. KTNN không ghi nhận được những vi phạm lớn trong quá trình đấu thầu, điều chỉnh tổng mức đầu tư, quản lý tài chính - kế toán tại Dự án.
Mặc dù vậy, KTNN vẫn chỉ ra một số sai sót làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư công trình. Cụ thể, “vết xước” lớn nhất tại Dự án này chính là tiến độ công trình không được đảm bảo và chậm tới 4 năm so với mốc hoàn thành công trình được chốt tại Quyết định phê duyệt ban đầu (Quyết định số 650/QĐ – BGTVT ngày 15/3/2006), trong đó giai đoạn thiết kế chậm 14 tháng và giai đoạn thi công chậm 34 tháng.
Do thời gian thực hiện bị kéo dài đã dẫn đến phát sinh chi phí tư vấn giám sát đối với toàn Dự án thêm khoảng 61,3 tỷ đồng (218,1 triệu yên và 31,49 tỷ đồng).
Theo ghi nhận của KTNN, ở giai đoạn thiết kế, tiến độ bị lụt chủ yếu là do chủ đầu tư và tư vấn phải tiến hành xử lý tình huống bất khả kháng là phải điều chỉnh hướng tuyến do thay đổi quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.
Trong giai đoạn thi công, việc chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng - trách nhiệm của chủ đầu tư Dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư) do UBND TP. Hà Nội đảm trách là nguyên nhân chính dẫn tới việc các gói thầu xây lắp liên tục phải điều chỉnh hợp đồng.
Được biết, với tình trạng bàn giao mặt bằng không đồng bộ, nếu không có việc cả 3 gói thầu xây lắp chính của Dự án đều do những nhà thầu hàng đầu của Nhật Bản thi công, thì tiến độ thi công công trình khó có thể kết thúc vào cuối tháng 10/2014.
Ví dụ điển hình nhất là tại Gói thầu số 3 - xây dựng đường dẫn phía Bắc do nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) thi công, tiến độ bị chậm 27 tháng trong hợp đồng gốc là 34 tháng do bị vướng mặt bằng. Điều đáng nói là, chủ đầu tư đã phải chấp nhận thanh toán khoản tiền trị giá 156 tỷ đồng cho nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) khoản chi phí bổ sung trị giá 155,9 tỷ đồng do thời gian thi công kéo dài không do lỗi của nhà thầu. Tại thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu này khoảng 56 tỷ đồng.
Tại Gói thầu số 2 có mục tiêu xây dựng cầu và đường dẫn phía Nam, nhiều hạng mục nhà thầu lập tiến độ thi công 24/24h, nhưng không thể thực hiện được (tại trụ P 47 - 49) do người dân địa phương yêu cầu không được gây tiếng ồn lớn từ 23 h đến 5 h 30 đã ảnh hưởng đến tiến độ và biện pháp tổ chức thi công.
Cần phải nói thêm rằng, nếu được hoàn thành đúng tiến độ, Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân và đường dẫn hai đầu cầu phát huy hiệu quả đầu tư lớn hơn, bởi đây là công trình có tầm quan trọng đặc biệt trong mạng lưới giao thông TP. Hà Nội. Không chỉ góp phần hoàn thiện đường vành đai II phía Bắc, giảm ách tắc giao thông cho các tuyến từ nội thành đến sân bay Nội Bài, Dự án còn phục vụ phát triển đô thị Hà Nội lên phía Bắc, giãn mật độ dân cư trong nội đô.
Liên quan tới chất lượng thi công, Kiểm toán Nhà nước cho biết, qua kiểm định chất lượng đã phát hiện một số vết nứt trên bề mặt kết cấu với độ mở lớn nhất là 0,2 mm, trong đó có 43 vết nứt đối với kết cấu bê tông cốt thép thường và 30 vết nứt trên kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực.
KTNN khẳng định, các vết nứt này hiện chưa ảnh hưởng tới khả năng chịu lực của kết cấu và cũng chưa thể truy xuất nguyên nhân gây nứt (có thể do thiết kế, thi công hoặc do từ biến co ngót, do nhiệt độ thay đổi…), nhưng yêu cầu chủ công trình phải quan tâm theo dõi và sớm tìm ra nguyên nhân để có hướng khắc phục.
Liên quan tới công tác nghiệm thu, thanh toán, KTNN xác định còn một số tồn tại, sai sót và yêu cầu giảm trừ 12,3 tỷ đồng, trong đó 9,63 tỷ đồng do sai khối lượng, 0,8 tỷ đồng do sai đơn giá và 1,9 tỷ đồng do một số sai sót khác.
“Trách nhiệm các sai sót trên thuộc về PMU 85, liên danh tư vấn Chodai - Nippon Engineering kết hợp với TEDI”, KTNN quy trách nhiệm. Ngoài việc phải phối hợp với UBND TP. Hà Nội làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc chậm bàn giao mặt bằng thi công làm phát sinh chi phí tại gói thầu số 3, Bộ GTVT được yêu cầu chỉ đạo PMU 85, liên danh tư vấn phải sớm kiểm điểm về những sai sót trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt dự toán công trình.