Mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần, khoác lên mình bộ đồ thể thao hàng hiệu, xách theo bộ gậy golf, Tùng - phụ trách kinh doanh tại một sàn môi giới bất động sản ở Hà Đông - lại lên đường tới các sân tập golf để… săn khách hàng.
Là môi giới khá lành nghề, Tùng cho biết, việc đánh golf không ngoài mục đích tiếp cận giới đầu tư lắm tiền nhiều của và đang “nghiêng ngó” kênh đầu tư.
Chỉ riêng bộ gậy của người chơi golf đã tốn cả nghìn USD, mua thẻ thành viên là cả chục nghìn USD, chưa kể đến tiền phí trả cho từng buổi chơi…, thế nhưng với Tùng, mức đầu tư này quá rẻ so với khoản hoa hồng kếch sù có được nhờ vào việc môi giới thành công một căn hộ chung cư siêu sang hoặc một căn biệt thự cao cấp giá từ 10 - 20 tỷ đồng/căn.
Tùng cho biết, những người như anh không hề hiếm thấy ở sân golf. Golf không đơn thuần là một môn thể thao quý tộc và sân golf cũng không đơn thuần là một sân bóng, mà đó là nơi dễ dàng nhất để có thể làm quen, chia sẻ các thú vui đắt đỏ, từ đó thuyết phục khách hàng xuống tiền cho một tài sản như bất động sản.
Mặc dù hướng đến phân khúc bất động sản hạng sang trở lên với giá từ 5 - 7 tỷ đồng đến hàng triệu USD một sản phẩm, nhưng Tùng cho biết, lượng khách khá ổn định và tăng dần đều. Họ là những người giàu và siêu giàu mà anh phân làm hai dạng.
Một là 'giàu từ trong trứng giàu ra'. Hai là phất lên nhờ công việc. Dạng thứ hai thì nhiều hơn và là khách tiềm năng khi họ nhận thấy đầu tư bất động sản đang là một xu hướng. Giá có đắt nhưng họ thấy xứng đáng là không hề do dự.
Trong 10 năm qua, từ một sinh viên mới ra trường phải đi phát tờ rơi quảng cáo bất động sản bằng xe đạp, Tùng cũng đang bước vào giới siêu giàu với xe hơi đắt tiền, nhà lầu thênh thang nhờ vào lượng khách nhà giàu ngày càng tăng mạnh.
Tranh thủ cơ hội
Những cuộc khảo sát trong thời gian gần đây của nhiều định chế quốc tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giới giàu và siêu giàu thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.
Theo Savills, dù Việt Nam vẫn còn là nước đang phát triển, nhưng những người thuộc nhóm người có giá trị tài sản ròng cực cao (UHNWI) vẫn tăng đáng kể trong 10 năm qua.
Trong khi đó, báo cáo The Wealth Report (do đơn vị tư vấn bất động sản tự do Knight Frank thuộc Vương quốc Anh công bố) cho biết, những người có giá trị tài sản ròng cực cao ở Việt Nam đã tăng trưởng đến 320% - tỷ lệ cao nhất thế giới từ năm 2006 đến 2016, theo sau là Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành và Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam cho biết, các quốc gia mới hoặc đang phát triển với tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, điển hình như Việt Nam, đã đem đến cho nhà đầu tư nhiều cơ hội tại thị trường nhà ở.
Đây là tầng lớp nhà giàu mới nổi, nhóm người trẻ có thu nhập cao, ổn định và có khả năng chi trả tốt cho tài sản giá trị là bất động sản.
Tân Hoàng Minh phát triển nhiều dự án siêu sang
Cùng việc tâm lý "ngại khoe sự giàu có" trong bộ phận dân cư đã dần được gỡ bỏ trong một vài năm trở lại đây, thời điểm này và cả chục năm tới được xem là thời điểm vàng cho nhà đầu tư phát triển các dự án siêu sang, đồng thời thu hút thế hệ "dân số vàng" cho phân khúc bất động sản siêu cao cấp, hạng sang, mà một căn chung cư có giá còn có thể cao hơn cả giá các căn biệt thự thông thường.
Nếu căn hộ thuộc phân khúc cao cấp vẫn định danh ở mức 35 - 60 triệu đồng/m2, thì phân khúc siêu cao cấp và hạng sang là những căn hộ có giá từ 100 triệu đồng/m2 trở lên, với tổng giá trị mỗi căn hộ lên tới cả chục tỷ đồng.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản cho thấy, nếu trước kia, số lượng căn hộ triệu đô trong các dự án khá hiếm, chủ yếu là các căn penthouse, duplex, thì hiện nay, có nhiều chủ đầu tư đã sẵn sàng chi tiền để phát triển toàn bộ các căn hộ trong dự án thành các căn hộ siêu sang.
Có thể kể đến Tân Hoàng Minh với các dự án như D’. Le Roi Soleil, D’. Palais De Louis…, Công ty cổ phần Tháp nước Hà Nội với Dự án Hanoi Aqua Centel, hay các căn hộ hạng sang tại các tòa căn hộ Aqua Bay thuộc Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) của Vihajico.
Ngoài ra, phân khúc bất động sản hạng sang còn phát triển nhờ sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài. Cách đây không lâu, Tập đoàn CapitaLand đã mua và nắm sử dụng khu đất rộng 0,9 ha tại quận Tây Hồ, Hà Nội.
Tại khu đất này, CapitaLand dự định sẽ phát triển dự án phức hợp với tổng cộng 380 căn hộ, bao gồm căn hộ Soho bên cạnh văn phòng và khối đế bán lẻ.
Với vị trí khá đắc địa, nguồn tin từ các thành viên thị trường cho biết, dự án mà CapitaLand triển khai chắc chắn không dừng ở mức giá căn hộ cao cấp, bởi nhà phát triển này đang hướng tới đối tượng khách hàng nước ngoài, những người không bận tâm về ngân sách, mà chỉ quan tâm về chất lượng sống và tính độc đáo của các dự án.
Cuộc đua tăng tốc
Theo báo cáo tài sản toàn cầu thường niên Wealth Report 2017 của Knight Frank vừa công bố, tỷ lệ người siêu giàu của Việt Nam dự báo tăng 170%, nâng tổng số người siêu giàu của Việt Nam với tài sản hơn 30 triệu USD/người lên 540 người. Số lượng triệu phú Việt cũng được dự báo sẽ tăng từ 14.300 đến 38.500 trong thập kỷ tới.
Sự giàu lên của tầng lớp trung lưu tạo ra các chuẩn mực mới về sản phẩm bất động sản, nhưng cũng chính điều đó đẩy sức cạnh tranh ngày càng lên mức khốc liệt hơn. Nhà đầu tư nội không chỉ cạnh tranh gay gắt với nhau, mà còn phải dè chừng cả các nhà đầu tư ngoại quốc tham gia vào thị trường.
Theo ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Phú Long, trong một thị trường mà sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, người mua cũng ngày càng kỹ tính và đòi hỏi cao hơn, các chủ đầu tư không còn chỉ đơn thuần xây nhà là có thể bán ngay được.
Ngay cả các dự án cao cấp và hạng sang, vị trí đắc địa ở khu vực trung tâm dù có thể là những yếu tố tạo ra sự khác biệt cho dự án, nhưng để định vị thương hiệu theo những cách đặc biệt, các chủ đầu tư buộc phải không ngừng tìm kiếm các ý tưởng phát triển mới để có thể nổi bật hơn đối thủ cạnh tranh cũng như chinh phục được những khách hàng khó tính.
Sự thay đổi bộ mặt thị trường bất động sản từ chính nhu cầu của khách hàng đang diễn ra với cường độ ngày càng lớn.
Vingroup, Sungroup, HD Mon Holdings, MIK Group, Capital House, Hải Phát, Văn Phú, Novaland, Phú Long, Hưng Thịnh hay Phát Đạt… là những điển hình thành công trong những năm vừa qua khi theo đuổi những giá trị này.
Không hẳn tất cả các dự án do họ đầu tư, phát triển có được thanh khoản tuyệt đối, nhưng thị trường luôn có cái nhìn công bằng khi quyết định xuống tiền mua nhà của các chủ đầu tư này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills TP.HCM cho biết, dù dòng sản phẩm hạng sang rất kén khách, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn tự tin với dự án của mình, bởi họ nắm rõ được tập khách hàng.
Thực tế, có không ít khách hàng có ngân sách từ 1 - 2 triệu USD trở lên mong muốn sở hữu những căn hộ sang trọng, đẳng cấp, mang dấu ấn cá nhân.
Theo đó, những khách hàng này không dừng ở việc tìm kiếm các dự án cao cấp bậc nhất trên thị trường, mà còn quan tâm đến những yếu tố quan trọng như vị trí, uy tín chủ đầu tư, phong cách thiết kế và bố trí mặt bằng của căn hộ, phù hợp với mục tiêu để ở hoặc đầu tư sau này.
"Đối với những khách hàng mang tính cá biệt cao, ngân sách sẽ không còn đóng vai trò tiên quyết nữa, mà sự thuyết phục khách hàng đầu tư cho không gian sống độc đáo, tiện nghi sẽ là yếu tố quyết định", ông Duy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, bất động sản cao cấp hiện nay hướng tới phục vụ nhu cầu của khách hàng thượng lưu không chỉ ở chuẩn mực về thiết kế, mà còn phải chuẩn mực về độ an toàn, chất lượng dịch vụ và các tiện ích độc đáo, như chăm sóc sắc đẹp, bảo vệ sức khoẻ và phục hồi năng lượng…
Theo bà An, những tiện ích đó có thể khiến giá thành các căn hộ tăng lên, nhưng để những khách hàng cao cấp hài lòng, thì tiền không phải là vấn đề quá lớn.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với các nhà phát triển bất động sản, nếu muốn theo đuổi phân khúc siêu cao cấp, hạng sang, bởi tạo ra giá trị đẳng cấp khác biệt với thượng khách và giúp họ cảm nhận được đúng giá trị sống tương đương số tiền cả chục tỷ đồng bỏ ra không phải chuyện đơn giản.