Câu chuyện sân nhà

Câu chuyện sân nhà

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sunlife đến từ Canada thành lập năm 1865, Generali đến từ Ý thành lập năm 1831, Prudential thành lập năm 1848 tại Vương quốc Anh, Manulife đến từ Canada thành lập năm 1887, Daiichi đến từ Nhật Bản thành lập năm 1902,…

Những cái tên có lịch sử trên 100 năm đang thống lĩnh thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với 17/18 công ty đều có vốn nước ngoài dưới hình thức sở hữu 100% vốn hoặc liên doanh. Duy nhất Bảo Việt Nhân thọ là công ty trong nước hoạt động trong lĩnh vực nhân thọ từ năm 1996.

Những con số trên đơn giản phản ánh một điều, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam nói riêng và bảo hiểm Việt Nam nói chung còn quá non trẻ, và khi mở cửa hội nhập thì điều gì phải xảy ra đã diễn ra. Các hãng nước ngoài với kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, và công nghệ mới là người chơi chính trên thị trường.

Điểm sáng khi nhìn ở góc độ này phải kể tới Bảo Việt Nhân thọ, dù chỉ là doanh nghiệp nội duy nhất, có kinh nghiệm mới chỉ gần 3 thập kỷ, nhưng đang giữ vị trí số 1 về tổng doanh thu phí bảo hiểm.

Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, điều ngược lại đang diễn ra trước đây. Phải nhấn mạnh là trước đây, khi thị trường với đa số công ty bảo hiểm được thành lập trong nước, nhưng tương lai chưa hẳn đã là như vậy.

PVI Holdings, hãng bảo hiểm có gốc từ ngành dầu khí, từng nhiều năm giữ số 1 thị phần, hiện đang có HDI Global SE (Talanx sở hữu 100%) đang là cổ đông giữ cổ phần chi phối. Hàng loạt doanh nghiệp khác đã sẵn sàng tiếp nhận đầu tư nước ngoài khi cổ đông trong nước đồng thuận nới room ngoại lên 100%.

Việt Nam là mảnh đất hứa cho các hãng bảo hiểm toàn cầu khi sở hữu dân số đông, tăng trưởng kinh tế nhanh, và trống vắng nhà cung cấp nội có đẳng cấp.

Lãnh đạo HDI khi nắm chi phối PVI Holdings không ngần ngại chia sẻ bước đi của mình rằng “tại Đức, thị trường không tăng trưởng nữa, nên chúng tôi phải đi tới các thị trường khác”.

Sẵn sàng đầu tư lớn để có vị trí tại Việt Nam sẽ là xu hướng khó tránh với lĩnh vực phi nhân thọ. Bảo hiểm Bảo Việt, thành lập năm 1964, có lẽ giống “người anh em nhân thọ” sẽ phải giữ sứ mệnh là công ty bảo hiểm nội có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường.

Mở cửa, hội nhập và cổ phần hóa, ngành bảo hiểm đang cho thấy một bức tranh chân thực nhất.

Các doanh nghiệp nội phải nhường bớt sân chơi để có thêm kinh nghiệm cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp lớn toàn cầu, lực lượng nhân sự nội địa được đào tạo và chuyển giao kinh nghiệm quản lý một lĩnh vực tài chính khá phức tạp, nhiều sản phẩm dịch vụ mới được cung cấp.

Những điều đó kết hợp với dư địa thị trường còn lớn giúp cho ngành bảo hiểm năm nay chống chọi tốt với dịch Covid-19, duy trì mức độ tăng trưởng khá, đầu tư trở lại cho nền kinh tế một lượng vốn đáng kể,…

Ngành bảo hiểm đã mở cửa và chấp nhận nhường sân nhà để hướng tới cái đích là người dân và doanh nghiệp được hưởng các dịch vụ bảo hiểm chất lượng quốc tế.

Điều này đâu đó vẫn còn chưa đạt tới khi cuộc đua chiếm lĩnh thị phần vẫn còn dư vị sau nhiều năm, nâng chất lượng phục vụ là yêu cầu mà các doanh nghiệp bảo hiểm cần sớm đáp ứng cho đúng với tầm vóc trăm năm.

Tin bài liên quan