Phải thừa nhận thực tế là, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang ở trong thế kẹt khi chưa thể xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu, nên còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan vi - rút có hại cho ngân hàng khác. Trong đó, thế kẹt lớn nhất là khó xử lý hành vi chây ỳ, chống đối tái cơ cấu của một nhóm cổ đông ngân hàng yếu.
Nguồn cơn sâu xa xuất phát từ kẽ hở hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Chính vì những kẽ hở này, nên ngay cả với 3 ngân hàng đã mua 0 đồng trước đây, cơ quan quản lý đang lúng túng với phương án giải quyết. Do đó, dễ hiểu khi NHNN muốn đưa quy định về chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém vào Dự thảo Luật đang được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, các đại biểu Quốc hội lại tỏ ra lo ngại về giải pháp này. Xét về mặt pháp lý, dù cơ quan quản lý khẳng định giải pháp chuyển giao bắt buộc không hề vi hiến, song sự phức tạp của ngân hàng 0 đồng thời gian qua đòi hỏi các cơ quan lập pháp phải thận trọng hơn về tính hợp pháp, hợp hiến của giải pháp chuyển giao bắt buộc.
Xét về lợi ích kinh tế, giải pháp chuyển giao bắt buộc có thể làm tổn hại đến cổ đông của các ngân hàng yếu kém. Song khi một ngân hàng bị thua lỗ nặng, mất hết vốn, âm vốn chủ sở hữu, tài sản nợ lớn hơn tài sản có, nếu giải thể, phá sản thì cổ đông góp vốn cũng không còn lại đồng nào.
Trong trường hợp này, phá sản hay chuyển giao bắt buộc - với cổ đông ngân hàng - sẽ không có sự khác biệt. Trong khi đó, chuyển giao bắt buộc sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền, đồng thời không gây hiệu ứng domino trong hệ thống. Đây là lý do dù đã có 3 giải pháp xử lý ngân hàng yếu kém (phục hồi, phá sản, giải thể), song NHNN vẫn muốn đưa thêm giải pháp “chuyển giao bắt buộc” vào Dự thảo Luật.
Thế nhưng, dù có hợp lý, chuyển giao bắt buộc cũng chưa hẳn là giải pháp thị trường. Vậy tại sao NHNN không dám mạnh dạn đưa ra phương án phá sản, giải thể ngân hàng theo Luật Phá sản 2014?
Ngoài lý do Luật Phá sản 2014 còn thiếu quy định cụ thể về phá sản ngân hàng, việc giải thể, phá sản ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn khác như cơ sở pháp lý cho phá sản ngân hàng chưa vững, sức khỏe của hệ thống ngân hàng chưa thực sự mạnh, năng lực bảo hiểm tiền gửi còn hạn chế, tính minh bạch của hệ thống chưa cao…
Trong bối cảnh hiện nay, trước mắt có thể áp dụng tạm thời phương án chuyển giao bắt buộc để “cưỡng ép” xử lý ngân hàng yếu kém. Sau năm 2020 (thời điểm dự kiến sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng), nên bãi bỏ giải pháp này và chỉ thực hiện ba giải pháp: phục hồi, giải thể, phá sản.
Trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2020, ngoài việc “dọn dẹp” cơ bản tổ chức tín dụng yếu kém, cần phải tăng năng lực của Bảo hiểm tiền gửi để cơ quan này có thể sớm tham gia hỗ trợ phá sản ngân hàng. Bên cạnh đó, phải từng bước cô lập, thu hẹp hoạt động của những ngân hàng quá yếu kém, không còn khả năng phục hồi để giảm tối đa rủi ro cho người dân, cho doanh nghiệp trước khi tiến hành phá sản những ngân hàng này.
Tất nhiên, để làm được điều đó, trước tiên, phải từng bước minh bạch hóa tình hình sức khỏe của các ngân hàng, theo đó có thể công khai kết quả xếp hạng tín dụng ngân hàng vào thời điểm thích hợp. Trên thực tế, việc xếp hạng ngân hàng cũng chính là sự định hướng của NHNN đối với người dân, cũng là sức ép để các ngân hàng đẩy nhanh tái cơ cấu.
Đương nhiên, phá sản ngân hàng là điều không ai muốn. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất trong thời gian tới là cơ quan quản lý phải siết chặt các quy định liên quan đến công tác thanh tra, giám sát, qua đó nâng cao hiệu quả thanh tra, thay vì lỏng tay để ngân hàng sai phạm, thua lỗ kéo dài rồi mới đi “chữa cháy”.