Một số kế hoạch đáng chú ý
Trong mùa đại hội cổ đông năm 2024, câu chuyện IPO và niêm yết mới “nóng” trở lại, khi nhiều doanh nghiệp hé lộ kế hoạch này.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) chia sẻ, doanh nghiệp có kế hoạch IPO Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai vào cuối năm 2024.
“Chăn nuôi Gia Lai từng là công ty ‘vứt đi’ do không vay nợ được vì vướng nợ xấu với Eximbank, nhưng năm vừa rồi đã xử lý rất tốt khoản nợ với Ngân hàng”, ông Đoàn Nguyên Đức nói.
Hoàng Anh Gia Lai sở hữu 88,03% Chăn nuôi Gia Lai - đơn vị có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tổng tài sản 3.417 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023.
Trong năm qua, công ty này ghi nhận doanh thu giảm 9%, về 1.678 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 174%, lên 1.051 tỷ đồng. Hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) đạt 29,1%, vượt trội so với các doanh nghiệp chăn nuôi đang niêm yết.
Tại Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã chứng khoán FRT), Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bạch Điệp cho biết, Công ty có kế hoạch chào bán riêng lẻ 10% cổ phần chuỗi nhà thuốc Long Châu để mở rộng hệ sinh thái sức khoẻ. Đây có thể xem là động thái để Long Châu tiến sâu vào hệ sinh thái sức khoẻ (y tế dự phòng, chẩn đoán, điều trị, nhà thuốc, theo dõi tại nhà và bảo hiểm).
Kể từ khi thành lập quý III/2018, Long Châu liên tục mở rộng số lượng cửa hàng trong cả nước. Riêng năm 2023, chuỗi nhà thuốc này mở thêm 560 cửa hàng, nâng tổng số lượng lên 1.497.
Về kết quả kinh doanh, sau khi có lãi nhẹ trong năm 2021, Long Châu liên tục ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh: năm 2022 đạt doanh thu 9.595,9 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) là 200,4 tỷ đồng; năm 2023, doanh thu tăng 65,5%, lên 15.882,4 tỷ đồng, EBITDA tăng 154,7%, lên 510,5 tỷ đồng.
Với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), doanh nghiệp có kế hoạch IPO mảng nhựa và ống thép.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) có kế hoạch IPO và niêm yết Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, đang giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán MCH).
Kỳ vọng IPO công ty con sẽ nâng định giá công ty mẹ
Nói về lợi ích đối với công ty mẹ khi niêm yết công ty con, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan nhấn mạnh: “Hiện tôi có thể nói dựa trên ước tính của chúng tôi rằng, việc IPO Masan Consumer là Top 2 vấn đề hàng đầu của Masan Consumer. Trên UPCoM, cổ phiếu MCH đang giao dịch ở dưới giá trị nội tại. Do đó, tôi cho rằng, việc IPO Masan Consumer sẽ giúp nâng định giá của cổ phiếu Masan”.
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nêu quan điểm, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp nào hoạt động hiệu quả sẽ là điểm sáng trên thị trường. Việc IPO công ty con hoạt động hiệu quả sẽ tạo thêm hàng mới hấp dẫn cho thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn mà không phải tăng thêm gánh nặng lãi vay, giải quyết vấn đề vốn cho cả công ty con và công ty mẹ. Trong trường hợp phát huy lợi thế sau khi niêm yết, công ty con phát triển tốt sẽ là “phao cứu sinh” để dần phục hồi công ty mẹ.
Thực tế, việc IPO công ty con cũng là kênh huy động vốn dài hạn cho sự phát triển của công ty con, trong bối cảnh công ty mẹ không sẵn sàng nguồn lực để đầu tư, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho công ty mẹ khi đầu tư phát triển dự án mới, tránh ảnh hưởng đến các hoạt động khác. Ngoài ra, có thể tận dụng uy tín và vị thế thương hiệu của công ty mẹ để thu hút đầu tư, huy động vốn vào công ty con thông qua thị trường chứng khoán.
“Nhiều trường hợp IPO công ty con để kêu gọi đối tác chiến lược cho dự án mới, các doanh nghiệp phải tách ra công ty con và xây dựng lộ trình IPO để thu hút đối tác chiến lược và các quỹ đầu tư nước ngoài cho việc phát triển dự án mới. Một số trường hợp IPO công ty con để nâng cao định giá công ty mẹ, hoặc tạo kỳ vọng cho thị trường làm tăng giá trị cổ phiếu của công ty mẹ. Niêm yết cổ phiếu của công ty con cũng có thể giúp công ty mẹ dễ dàng hơn trong việc cầm cố cổ phiếu của công ty con để huy động vốn từ các tổ chức tài chính”, ông Lâm Văn Vân nói.
Nhìn lại lịch sử, giá cổ phiếu sau IPO chia 2 ngả
Điều kiện IPO hiện cao hơn trước như doanh nghiệp phải hoạt động có lãi trong 2 năm liên tiếp và không có lỗ lũy kế.
Tháng 7/2015, Hoàng Anh Gia Lai thực hiện niêm yết công ty con là Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HNG - hiện tại không còn là công ty con). Thời điểm đó, Hoàng Anh Gia Lai đưa ra nhiều câu chuyện kỳ vọng trong tương lai. Tuy nhiên, sau khi niêm yết, cổ phiếu HNG liên tục giảm giá, từ 33.500 đồng/cổ phiếu ngày 20/7/2017 xuống hơn 4.200 đồng/cổ phiếu hiện nay.
Đà rơi của cổ phiếu HNG diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp gần như liên tục kinh doanh thua lỗ. Hiện tại, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đang trong quá trình tái cơ cấu và đối mặt với nguy cơ bị huỷ niêm yết do 3 năm vừa qua đều ghi nhận lợi nhuận âm.
Trong nhóm bất động sản, những năm qua, giá cổ phiếu của Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã chứng khoán DXS), Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã chứng khoán KHG), Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán HPX), Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (mã chứng khoán CRE) đều có diễn biến lao dốc khi kết quả kinh doanh không như kỳ vọng, gây thua lỗ cho nhiều nhà đầu tư nắm giữ dài hạn.
Ngược lại, các thương vụ IPO như Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) năm 2016, Công ty cổ phần Vincom Retail (mã chứng khoán VRE) năm 2017, FPT Retail năm 2017 giúp nhà đầu tư lãi lớn, vì giá cổ phiếu sau đó có xu hướng tăng mạnh.
Gần đây, thị trường IPO có dấu hiệu sôi động trở lại là tín hiệu tốt, nhưng đó có là cơ hội đầu tư hay không tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp, chất lượng tài sản, triển vọng kinh doanh cũng như mức giá cổ phiếu.