Ông Nguyễn Tuấn Việt, CEO Công ty cổ phần Kinh doanh Ô tô Thủ đô (giữa) sẽ là vị CEO tham gia thử sức với bài toán này
Môi trường kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi trong giai đoạn 2008 - 2014 đã khiến hàng trăm ngàn DN nhỏ và vừa của Việt Nam gặp khó khăn, lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, bị hủy niêm yết bắt buộc, phải rút lui khỏi thị trường. Qua đó, bộc lộ hàng loạt điểm yếu của các DN, mà một trong những hạn chế chủ yếu đó là quản trị dòng tiền thiếu bài bản, mạnh về sự linh hoạt, nhưng lại yếu về chiến lược dài hạn. Thông thường cuối năm, các DN hay lao vào cuộc đua cắt lỗ để cân đối dòng tiền, giải phóng hàng tồn kho.
Theo nhiều chủ DN, khi thị trường khó khăn, DN “hấp hối”, thì cắt lỗ là hoạt động cần thiết và hoàn toàn bình thường. Hầu hết DN bất động sản, sản xuất hàng tiêu dùng đều áp dụng biện pháp này, song có DN thành công, nhưng cũng có nhiều DN đã phải trả giá đắt. Bài học về quyết định bán hàng dưới giá vốn để trả nợ đã gây nhiều sóng gió cho Công ty cổ phần Hữu Liên Á Châu.
Tình hình khó khăn tài chính của Công ty kéo dài và hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ, quy mô hoạt động sản xuất bị thu hẹp đáng kể. Công ty vẫn đang tích cực đàm phán với các ngân hàng, chủ nợ để xin giãn thời gian trả nợ và tiếp tục cho vay để hỗ trợ vượt qua khó khăn, sớm ổn định hoạt động sản xuất, thực hiện tái cơ cấu toàn diện hoạt động kinh doanh trong thời gian tới.
Trong đó, để giải quyết tình hình khó khăn, trong quý III/2014, Công ty đã chủ động giải phóng hàng tồn kho để thu tiền trả nợ. Tuy nhiên, Công ty không thoát khỏi tình trạng này mà tiếp tục thua lỗ. Việc liên tục thua lỗ trong các quý khiến lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lỗ tới 412 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 105 tỷ đồng. Tình trạng này có thể khiến Công ty sẽ phải hủy niêm yết bắt buộc.
Sau khi lỗ ở quý II/2014, Công ty cổ phần Miền Đông tiếp tục lỗ gần 4 tỷ đồng trong quý III/2014 do kinh doanh dưới giá vốn. Cụ thể, doanh thu thuần của Công ty chỉ đạt 24,7 tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán lên đến 27,2 tỷ đồng, dẫn đến Công ty bị lỗ gộp gần 2,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 7 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho không giảm mà tăng gần 30% so với đầu năm.
Một trường hợp khác là một DN sản xuất linh kiện điện tử. Vừa qua, do thị trường khó khăn, cạnh tranh gay gắt, nên hoạt động kinh doanh của DN bị ảnh hưởng. Mục tiêu tăng doanh thu 2 quý gần đây không đạt, thậm chí có quý còn giảm 9%.
Cho dù đã nỗ lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nhưng theo tính toán, vào dịp cuối năm nay, DN này sẽ thiếu tiền để trang trải hàng loạt chi phí và thanh toán nợ nần cho đối tác, ngân hàng.
Đúng vào lúc này, một số khách hàng lâu dài của Công ty đưa ra đề nghị mua lượng hàng lớn nếu được giảm giá các loại linh kiện. Một đối tác đòi giảm 17% so với giá niêm yết, còn một đối tác khác thì yêu cầu giảm tới 20%. Theo tính toán, nếu đồng ý với đề nghị của những khách hàng này, Công ty sẽ phải bán dưới giá vốn và chịu lỗ trung bình khoảng 7%. Nhưng bù lại, Công ty sẽ giải phóng được khoảng 60% lượng hàng đang tồn kho. Quan trọng hơn, khách hàng sẵn sàng thanh toán ngay.
Đây là cơ hội rất tốt mà CEO nên cân nhắc. “Tôi nghĩ, tôi sẽ đồng ý bán hạ giá cho các đối tác để có tiền trang trải chi phí, trả nợ nần vào dịp cuối năm. Đồng thời, chúng tôi sẽ giải phóng được khoảng 60% lượng hàng hóa đang nằm trong kho. Nếu không bán, chúng tôi có thể bị mất các khách hàng lâu dài này do một số đối thủ đang muốn lôi kéo các khách hàng này”, CEO Công ty này cho biết.
CEO đã đề xuất phương án giảm giá đến các cổ đông của Công ty, nhưng họ không đồng tình. Một số cổ đông chính cho rằng, việc bán hàng dưới giá vốn như vậy sẽ khiến Công ty lỗ lớn, trong khi tỷ suất lãi của ngành lĩnh vực kinh doanh linh kiện điện tử vốn rất thấp. Đồng thời, giá trị sản phẩm của Công ty sẽ bị hạ thấp. Và quan trọng nhất là nếu đã giảm giá, sau này muốn tăng lại sẽ rất khó. Đặc biệt, nếu giảm giá cho các đối tượng này, các đối tác khác của công ty cũng sẽ có những đòi hỏi tương tự.
Để tìm lối thoát cho DN, CEO (cũng đồng thời là một cổ đông của DN) đã gặp và thuyết phục các đại diện cổ đông của công ty. Mời quý vị và các bạn theo dõi Chương trình CEO - Chìa khóa thành công tuần này để xem CEO sẽ thuyết phục các cổ đông trong công ty mình như thế nào.