Báo cáo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của VCCI cho thấy, mỗi năm, các cơ quan nhà nước trung ương ban hành trên dưới 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi văn bản lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định có tính bắt buộc thực thi. Như vậy, không khó để tính ra có hàng chục nghìn quy định được ban hành hàng năm.
Theo VCCI, trong 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù phần lớn các bộ, ngành đều tích cực cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, với tỷ lệ cắt giảm cao từ 50-89%, nhưng việc cắt giảm còn chưa thực chất, chưa thực sự đồng bộ để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
“Cách nhìn và quan điểm của các bộ, ngành về phương án cắt giảm điều kinh doanh còn bất nhất. Thậm chí ngay trong một bộ, có văn bản thì theo tư duy quản lý hậu kiểm, có đề xuất lại theo tư duy tiền kiểm”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nói.
Đại diện VCCI cũng cho hay, vẫn còn những quy định bất hợp lý được các cơ quan nhà nước đề xuất soạn thảo, mà nếu ban hành sẽ trở thành rào cản trói buộc quyền kinh doanh của doanh nghiệp, chẳng hạn như quy định về trần khuyến mại không được vượt quá 50%, hay quy định về phát triển và quản lý ngành phân phối của Bộ Công thương...
Điều này cho thấy, tư duy và cách thức rà soát văn bản của các bộ, ngành vẫn chưa thực sự tuân thủ theo các tiêu chí về điều kiện kinh doanh của Luật Đầu tư, cũng như không thống nhất tư duy quản lý nhà nước với các hoạt động doanh nghiệp.
Đó là chưa kể còn khá nhiều dự thảo sửa đổi các nghị định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được gửi lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, hoặc có lấy thì cũng là "làm lấy lệ" chứ chưa có sự tiếp thu, cầu thị thực chất, cho dù đây là yêu cầu bắt buộc.
Đánh giá về động thái cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành vừa qua, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật BASICO, thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp cho rằng, động thái này mới mang tính phong trào.
Theo ông Đức, Chính phủ thúc giục cải cách, song việc thực thi ở nhiều bộ, ngành còn rất chậm. Chẳng hạn, những bất cập tại Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí dù đã được doanh nghiệp phản ánh từ khá lâu, nhưng phải hơn 2 năm sau mới được sửa và trong thời gian này, hàng trăm doanh nghiệp đã phải đóng cửa.
“Thời gian sửa quy định còn dài hơn cả tuổi thọ của doanh nghiệp là một bất cập. Việc sửa sai cần phải tính bằng ngày, bằng giờ”, ông Đức nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nhiều hơn và thường xuyên hơn những cuộc rà soát pháp luật kinh doanh để thúc đẩy cải cách thể chế, mà Báo cáo Điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 là một khởi đầu.
“Hiện vẫn tồn tại tính chu kỳ trong các đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Cải cách không thể lúc trồi, lúc sụt, mà phải duy trì liên tục. Có như vậy môi trường kinh doanh mới có thể thực sự được cải thiện”, ông Lộc nói.
Cần bãi bỏ những quy định can thiệp vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho biết, cải cách thời gian qua tuy được thực hiện, nhưng chưa như doanh nghiệp mong muốn. Nghị định 60/NĐ-CP/2014 đã làm khó doanh nghiệp ngành in lâu nay và tới nay mới có nghị định thay thế là Nghị định 25/2018/NĐ-CP, nhưng mới chỉ giải quyết được 50% kiến nghị của doanh nghiệp.
"Tiêu chuẩn thành lập doanh nghiệp in vẫn rất phức tạp, đòi hỏi phải đáp ứng nhiều quy định vô lý về diện tích nhà xưởng, máy móc, công nghệ..., đặc biệt là yêu cầu về tiêu chuẩn của người đứng đầu doanh nghiệp như phải có trình độ cao đẳng về in ấn, hay buộc phải qua lớp học của bộ chủ quản, mà lại chỉ học về luật xuất bản, hay chỉ cho phép doanh nghiệp được lên kết với một đối tác… Đây là những quy định không hợp lý, can thiệp sâu vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp cần phải bãi bỏ", ông Dòng kiến nghị.
Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, Nghị định 81/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về xúc tiến thương mại vẫn “cài cắm” nhiều điều kiện về thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, doanh nghiệp phải nộp mẫu thỏa thuận hợp đồng khi có nhiều thương nhân phối hợp khuyến mại… Đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, nên yêu cầu này là không thỏa đáng, cần phải sửa đổi.