Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, mới có 2 nghị định cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh được ban hành (gồm Nghị định 08/2018/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh thuộc quản lý nhà nước của Bộ Công thương và Nghị định 100/2018/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh thuộc quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng) với 858 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa. Việc thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh mới chỉ đạt 30% so với yêu cầu.
Rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mới chỉ có một số bộ như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tích cực thực hiện nhiệm vụ, với phương án cắt giảm thực chất.
Riêng Bộ Công an không đề xuất xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh, mà đề xuất sửa riêng từng văn bản, nhưng thời hạn thực hiện trong năm 2019, không phải năm 2018.
Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất sửa 9 nghị định liên quan, tuy nhiên, với các dự thảo nghị định sửa đổi riêng biệt của bộ này soạn thảo lại bổ sung thêm điều kiện kinh doanh mới.
“Điều này đi ngược với chủ trương cắt giảm điều kiện kinh doanh của Chính phủ. Vì vậy, trong quá trình rà soát, chúng tôi phải chỉ ra các điểm này để bộ, ngành chủ động cắt giảm theo đúng chủ trương đề ra”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo của các bộ gửi lên đều tự đánh giá hầu hết đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, kết quả rà soát thực tế cho thấy, nội dung cắt giảm và hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất, vẫn mang nặng tính hình thức. Vẫn tồn tại những điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý.
Chẳng hạn, các điều kiện kinh doanh chung như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, phòng cháy chữa cháy, lao động, môi trường không quy định cụ thể, mà thay vào đó là quy định thực hiện theo pháp luật.
Các quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ bởi các cơ quan quản lý nhà nước vẫn tồn tại khá phổ biến. Các điều kiện kinh doanh được ẩn dưới quy định “thực hiện theo quy định của Bộ quản lý” chưa được cắt bỏ, nhiều điều kiện kinh doanh nằm trong các văn bản luật và kế hoạch sửa luật chưa rõ ràng.
Một số điều kiện kinh doanh sửa đổi chỉ về câu chữ hoặc sửa nội dung, nhưng chưa thực sự đơn giản hoá. Điều này cho thấy việc thực hiện mang tính hình thức hơn là mục tiêu vì cải cách, vì doanh nghiệp khi chưa thể hiện được thực chất tinh thần “cắt giảm”.
“Với tình trạng này, cho dù các nghị định cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh được phê duyệt trong năm 2018 thì chắc chắn không đạt được chỉ tiêu cắt giảm 50%”, Báo cáo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ.
Tại cuộc họp mới đây nhất của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ với các bộ ngành về cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu đích danh một số bộ, ngành chậm trễ cắt giảm điều kiện kinh doanh như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ...
“So với mốc thời gian Thủ tướng giao phải hoàn thành là ngày 15/8/2018 đã quá hơn hai tháng”, Bộ trưởng ước tính và nhắc lại yêu cầu đặt ra của Chính phủ là phải đảm yêu cầu cắt giảm về mặt tiến độ và việc cắt giảm phải thực chất.
“Tinh thần là phải đảm bảo đúng thời hạn và minh bạch, rõ ràng, cắt giảm thực chất, chứ không phải hình thức. Nếu không hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu này là không hoàn thành nhiệm vụ được giao và đích thân người đứng đầu các bộ, ngành phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh của Chính phủ, nhưng vẫn còn băn khoăn về tính thực chất và hiệu quả thực tế. Có nhiều điều kiện được cắt bỏ, đơn giản, nhưng vẫn không tác động nhiều đến doanh nghiệp, doanh nghiệp không được hưởng lợi vì còn phụ thuộc vào thực thi ở cấp dưới.
Vì vậy, ông Cung đề xuất, cần tập hợp, đánh giá những thủ tục nào được cắt giảm thực chất, cái nào còn hình thức để chỉ rõ cho các bộ, ngành chủ động cắt giảm theo đúng chủ trương đề ra; đồng thời, đảm bảo việc thực thi đồng bộ, nhất quán từ trên xuống dưới để mang lại sự thuận lợi thực sự cho cộng đồng doanh nghiệp.