Ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính).
Tuy nhiên, theo ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), EVFTA tác động tích cực đến thu ngân sách nhà nước.
Cắt giảm thuế quan đồng nghĩa với giảm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, tác động tiêu cực tới thu ngân sách nhà nước. Vì sao ông lại cho rằng, EVFTA tác động tích cực tới thu ngân sách?
Với các FTA thông thường, mức độ cắt giảm thuế nhập khẩu của Việt Nam chỉ từ 87% đến 92%, ngoại trừ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cắt giảm 98% số dòng thuế vào cuối lộ trình thực hiện (năm 2018).
Còn đối với các FTA thế hệ mới, như EVFTA, mức độ cắt giảm thuế quan mạnh hơn, lên đến trên 98% số dòng thuế khi kết thúc lộ trình và tốc độ cắt giảm cũng nhanh hơn. Ngoài ra, FTA thế hệ mới còn cam kết cắt giảm cả thuế xuất khẩu, phải thực hiện nhiều cam kết phi truyền thống liên quan đến lao động, công đoàn, mua sắm chính phủ, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ…
Với EVFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực (sau khi Quốc hội thông qua, dự kiến vào tháng 6/2020), với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Sau 7 năm, Việt Nam phải xóa bỏ 91,8% số dòng thuế, tương đương trên 97% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ EU. Sau 10 năm, Việt Nam phải xóa bỏ thuế quan đối với 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU…
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, việc cắt giảm thuế quan không ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước, vì các FTA chỉ cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, nên hàng hóa nhập khẩu vẫn phải chịu thuế giá trị gia tăng; nhiều loại hàng hóa như thuốc lá, rượu bia, xe ô tô, xe máy phân khối lớn… còn phải chịu cả thuế tiêu thụ đặc biệt; có loại còn phải chịu thêm cả thuế bảo vệ môi trường, như xăng dầu.
Vì vậy, cắt giảm thuế quan theo EVFTA còn có tác động tích cực tới thu ngân sách, vì kim ngạch nhập khẩu từ EU sẽ tăng lên. Hơn nữa, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ EU có thuế suất cao, Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, nên tác động giảm thu từ thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng này trong những năm đầu thực hiện EVFTA sẽ không lớn.
Cụ thể, đó là những mặt hàng nào và cam kết cắt giảm thuế ra sao, thưa ông?
Theo cam kết, lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô động cơ xăng trên 3.000 cc và động cơ diesel trên 2.500 cc là sau 9 năm sau khi EVFTA có hiệu lực và 10 năm đối với các loại ô tô còn lại. Lộ trình cắt giảm thuế đối với linh kiện, phụ tùng ô tô; hóa chất; máy móc, thiết bị, phụ tùng tối đa 7 năm. Với đồ uống có cồn tối đa 10 năm, thịt bò là 3 năm, thịt lợn đông lạnh 7 năm, thịt gà 10 năm...
Đây là những mặt hàng đang phải chịu thuế nhập khẩu rất cao và Việt Nam nhập khẩu khá nhiều từ EU. Vì thuế nhập khẩu cắt giảm dần theo lộ trình, nên số thu từ thuế nhập khẩu các mặt hàng này giảm không mạnh, trong khi các sắc thuế khác đánh vào các mặt hàng này, như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt không giảm nhiều vì các sắc thuế đó đánh lên hàng nhập khẩu tính trên giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Khác với các FTA thế hệ cũ, thực hiện EVFTA, Việt Nam phải cắt giảm cả thuế xuất khẩu, nên chắc chắn ảnh hưởng tới thu ngân sách?
Cam kết cắt giảm, tiến tới xóa bỏ thuế xuất khẩu của Việt Nam trong EVFTA cơ bản tương tự cam kết CPTPP.
Cụ thể, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU và sang thị trường CPTPP với lộ trình lên đến 15 năm. Hơn nữa, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều không bị đánh thuế, nên việc cắt giảm, tiến tới xóa bỏ thuế xuất khẩu không mấy tác động tới thu ngân sách từ hoạt động xuất khẩu. Trong khi đó, những mặt hàng xuất khẩu quan trọng đang chịu thuế xuất khẩu như dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)..., theo cam kết, Việt Nam vẫn được duy trì thuế xuất khẩu, nên không tác động tới thu ngân sách nhà nước.
Ngoài các cam kết cắt giảm thuế quan truyền thống, các FTA thế hệ mới còn có các quy định phi truyền thống và đây chính là hàng rào kỹ thuật được các nước dựng lên nhằm hạn chế nhập khẩu. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ hoạt động xuất khẩu?
Tất cả các nước trên thế giới đều có yêu cầu về bảo vệ môi trường, kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh, truy nguyên nguồn gốc, trách nhiệm xã hội… Các nước càng phát triển thì yêu cầu càng cao.
Các yêu cầu đó được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước, không phân biệt có ký kết FTA hay không. Vì vậy, không có chuyện EU dựng hàng rào kỹ thuật như một hàng rào phi thuế quan để hạn chế hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực.
Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế quan đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Và sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế tương đương 99,7% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu được hàng hóa vào thị trường khó tính này, hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu rất khắt khe về bảo vệ người lao động, môi trường, kiểm dịch động thực vật, an toàn vệ sinh… Nếu không đáp ứng được, hàng hóa sẽ vẫn bị đánh thuế bình thường.