Carlsberg sốt ruột?
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán cuối tuần trước, ông Tayful Uner cho biết, Tập đoàn này đã quan tâm tới Habeco từ năm 2008 và năm 2009 trở thành đối tác chiến lược của Habeco (với tỷ lệ sở hữu 17,3% – PV). Các bên đã có thỏa thuận, khi Habeco niêm yết, Carlsberg có quyền ưu tiên mua cổ phần. Vị CEO này cũng nói thêm rằng, trước chủ trương thoái vốn Nhà nước tại Habeco của Chính phủ, họ đã bày tỏ sự quan tâm, song chưa có triển khai cụ thể nên chưa thể nói chính xác.
“Bất cứ thỏa thuận nào đã ký kết đều nên được tôn trọng, chúng tôi cũng kỳ vọng thỏa thuận này sẽ được tôn trọng tuyệt đối. Chúng tôi hoàn toàn tuân thủ luật pháp của Việt Nam, cũng như các quy định của Chính phủ”, ông Uner bày tỏ quan điểm.
Như vậy, có thể thấy, Carlsberg đang mong muốn sớm được tăng sở hữu cổ phần tại Habeco. Cần nhắc lại rằng, vài năm trước, Bộ Công thương đã dự kiến thoái một phần vốn tại Habeco cho Carlsbeg để Tập đoàn này tăng sở hữu lên 30%, nhưng sau đó hai bên không đạt được thỏa thuận và kế hoạch bất thành.
Lặp lại kịch bản?
Những động thái của các bên liên quan đến việc Nhà nước thoái vốn tại Habeco gần đây khiến công chúng nhớ lại kịch bản thâu tóm bia Huế trước kia. Bia Huế trước khi chuyển nhượng là công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên, gồm: phía Việt Nam (Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Xổ số kiến thiết Thừa Thiên Huế làm đối tác) và phía nước ngoài (Carlsberg International A/S làm đối tác); mỗi bên góp 9.854.000 USD, chiếm 50% vốn đều lệ công ty liên doanh. Thời hạn hoạt động là 30 năm, kể từ ngày 6/4/1994.
Năm 2009, tỉnh Thừa Thiên Huế có chủ trương chuyển nhượng phần vốn góp tại Bia Huế. Việc thoái vốn được thực hiện thông qua bán thỏa thuận cho Carlsberg, chứ không qua đấu giá công khai. Trả lời Báo Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thương vụ này được thực hiện theo Điều 9, Điều lệ liên doanh ký ngày 5/2/1994; Điều 25, Điều lệ liên doanh ký ngày 16-6-2008 của Công ty TNHH Bia Huế và pháp luật Việt Nam, cụ thể là Luật Doanh nghiệp năm 2005, quy định tại Điều 44. Theo đó, khi chuyển nhượng phần vốn góp; trừ trường hợp quy định tại Khoản 6, Điều 45 của Luật này, thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
1. Phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện;
2. Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày chào bán.
Ông Cao cũng nói thêm rằng, khoản vốn Nhà nước tại bia Huế thời điểm đó bao gồm cả thương hiệu do đơn vị tư vấn định giá là 40 triệu USD. Qua đàm phán, các bên đã thống nhất được mức giá chuyển nhượng phần vốn của Tỉnh cho Carlsberg là 1.875 tỷ đồng, tương đương khoảng 90 triệu USD.
Nhiều người đặt câu hỏi, liệu kịch bản tại bia Huế có lặp lại với Habeco? Trước đó, tại các doanh nghiệp mà Carlsberg xuất hiện, động thái thâu tóm được thể hiện khá rõ rệt. Đơn cử, vào năm 1993, Carlsberg tham gia liên doanh Nhà máy bia Đông Nam Á và đến năm 2014 đã trở thành chủ sở hữu duy nhất tại nhà máy bia này.
Trong khu vực và trên thế giới, Carlsberg cũng hiện diện trong nhiều thương vụ M&A và hiện đang sở hữu khoảng 500 thương hiệu bia. Chẳng hạn, vào năm 2008, Carlsberg mua lại 50% cổ phần từ Scottish và Newcastle, qua đó giành quyền kiểm soát toàn bộ một số hãng bia ở Nga… Carlsberg cũng mua lại nhà máy bia huyền thoại Grimbergen ở Bỉ, hay các thương vụ nhằm giành quyền kiểm soát các thương hiệu như Ringnes, Baltika, Xinjiang, Beerlao…
Tham vọng tại Việt Nam
Là một trong những nhà đầu tư ngoại lớn nhất đặt chân đầu tiên vào lĩnh vực bia, rượu, nước giải khát tại Việt Nam từ những năm 90, đang nắm trong tay nhiều thương hiệu bia nổi tiếng và những nhà máy bia lớn như bia Huế, sở hữu 30% cổ phần Công ty Bia Hạ Long, liên doanh với Habeco, tại Bà Rịa Vũng Tàu đầu tư nhà máy có công suất 50 triệu lít bia/năm, trở thành đối tác chiến lược của Habeco từ năm 2009, song đến nay Carlsberg vẫn chỉ đứng vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam.
Điều này cũng có lý do nội tại, bởi theo ông Tayful Uner, trong hơn 23 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Carlsberg mới chỉ thực sự khẳng định mình từ gần nửa thập kỷ trở lại đây, khi Carlsberg Việt Nam được thành lập vào năm 2012, quy tụ việc quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh trực tiếp thị trường Việt Nam về một đầu mối.
Tính từ năm 2012 đến tháng 6/2016, sau khi thành lập Carlsberg Việt Nam, thị phần toàn quốc của Carlsberg đã tăng nhanh từ 7,1% lên 10,8%, trong đó thị phần chính là ở các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. Chỉ riêng tại khu vực này, với việc mua trọn bia Huế và đầu tư trên 60 triệu USD lắp đặt dây chuyền sản xuất bia lon Huda gần đây cùng nhiều chiến lược đầu tư mở rộng khác, Carlsberg đã nhanh chóng nâng thị phần từ 46% lên 54% trong năm nay, trở thành nhà cung cấp lớn nhất tại thị trường miền Trung. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng tại thị trường Đà Nẵng hết sức ấn tượng, từ 1% lên tới 20% chỉ trong vòng 1 năm với nhãn hiệu bia Huda và Tuborg.
Đề cập đến kế hoạch tăng thị phần tại Việt Nam, ông Uner nhắc lại việc quan tâm mua thêm cổ phần của Habeco, nỗ lực cải thiện chất lượng và quy trình sản xuất bia, cũng như đưa ra giá bán hợp lý.
“Chúng tôi tin là có thể củng cố năng lực và khả năng để mở rộng thị phần, tăng sức cạnh tranh với chiến lược hiện nay. Chúng tôi đã đầu tư vào nhà máy bia Huế và hiện đang từng bước mở rộng thị phần của mình”, vị CEO này trao đổi với báo chí.
Mua lại bia Huế với nhãn hiệu bia Huda đã và đang giúp Carlsberg vượt lên dẫn đầu tại thị trường miền Trung. Với Habeco, Carlsberg dường như muốn áp dụng lại chiến lược tương tự để vượt qua hàng loạt các đối thủ cạnh tranh khổng lồ khác cũng đang săn đón cổ phiếu của các doanh nghiệp bia Việt như Thai Beverage, Asahi, Heineken, Ab-Inbev, SABMiller, Singha…
Khẳng định chiến lược này, ông Uner cho biết, hiện Carlsberg tập trung phát triển mạnh thị trường miền Trung để từng bước có nền móng vững vàng mở rộng thị phần ra miền Bắc và miền Nam thông qua việc phát triển thương hiệu Huda. Với Habeco, Carlsberg kỳ vọng mạnh mẽ rằng, thương vụ này sẽ tạo bàn đạp để giúp họ vượt lên các đối thủ cạnh tranh khác, đồng thời mở rộng thị phần và vượt lên trở thành một trong những hãng bia dẫn đầu trên thị trường Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Cho dù trên thị trường thời gian qua xuất hiện không ít thông tin về mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Habeco và Carlsberg, song ông Uner tiết lộ với Đầu tư Chứng khoán rằng vừa có cuộc gặp với Chủ tịch HĐQT Habeco Đỗ Xuân Hạ và quan hệ hai bên vẫn rất tích cực, tốt đẹp.
Vị CEO này cũng khẳng định rõ ràng, nếu được Chính phủ Việt Nam chào bán cổ phần Habeco theo thỏa thuận, Carlsberg sẵn sàng thực hiện đúng cam kết tại thỏa thuận chiến lược, đồng thời cho biết, Carlsberg luôn nhận thức rõ giá trị của thương hiệu Bia Hà Nội và khi được trao “món hồi môn” quý giá này, sẽ làm hết sức để gìn giữ và phát triển thương hiệu, cũng như nâng tầm giá trị, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Liệu thông điệp này có phải là “điểm cộng” cho Carlsberg trong cuộc đua mua cổ phần tại Habeco?