Mới đây, khi cổ phiếu của Mitsubishi đang rớt giá mạnh sau vụ bê bối gian lận về mức tiêu thụ nhiên liệu, Carlos Ghosn một lần nữa lại được gọi là “anh hùng” khi ra tay cứu vớt Mitsubishi bằng việc mua lại khoảng 500 triệu cổ phiếu phổ thông trị giá 2,2 tỷ USD của công ty này.
Sau động thái mua lại cổ phiếu Mistsubishi vừa qua, Carlos Ghosn thừa nhận rằng, đây thực sự là một cơ hội “vàng” để thành lập liên minh Renault - Nissan - Mitsubishi. Nếu kết hợp lại, liên minh này sẽ trở thành tập đoàn ô tô lớn thứ 4 thế giới, tiết kiệm được những khoản chi phí lớn nhờ kết hợp mua bán các phụ tùng, vật liệu; thúc đẩy doanh số dòng xe chạy điện và cùng phát triển dòng xe mini. Bên cạnh đó, lợi thế của Mitsubishi tại thị trường Đông Nam Á tiềm năng cũng là một trong những lý do khiến Ghosn muốn giúp đỡ đồng hương của mình.
“Tôi không nghĩ những gì sắp tới lại có thể khó khăn hơn những điều đang diễn hiện tại. Rất nhiều thử thách đang đón chờ, song chắc chắn sẽ có một phần thưởng khổng lồ nếu chúng ta thành công”, Ghosn nói.
Liệu sự tự tin, quyết đoán của Carlos Ghosn lần này có thể mang lại cho ông kết quả rực rỡ như những câu chuyện phi thường trước đó?
Carlos Ghosn năm nay 62 tuổi, là người gốc Li-băng, sinh ra ở Brazil và học ở Pháp. Ông thông thạo 4 thứ tiếng: Pháp, Anh, Bồ Đào Nha và Ả Rập. Ghosn lấy bằng cử nhân kỹ thuật năm 1978, sau đó dành 18 năm làm việc cho Michelin - công ty sản xuất lốp xe lớn nhất châu Âu. Tại đây, ông lần lượt nắm giữ các vị trí giám đốc nhà máy tại Pháp, giám đốc chi nhánh tại Brazil, giám đốc khu vực tại Bắc Mỹ. Trên mỗi cương vị, Ghosn đều đạt được những thành tựu riêng, nổi bật nhất là việc mua lại, rồi vực dậy Công ty Uniroyal Goodrich Tire từ thua lỗ.
Mặc dù vậy, ý thức được rằng sự nghiệp của mình sẽ khó bứt phá trong một công ty gia đình, nên vào năm 1996, Carlos Ghosn quyết định chuyển đến Renault, dù tại thời điểm này, Ranault đang “xuống dốc không phanh”.
“Lúc ấy, tôi biết rằng Carlos Ghosn sẽ là một nhà lãnh đạo đặc biệt, có thể đưa Renault đi xa hơn bất cứ ai khác”, Louis Schweizer, CEO của Renault lúc bấy giờ kể lại lần đầu tiên gặp Carlos Ghosn.
Con mắt tinh tường của Schweizer đã không nhìn nhầm người. Chỉ trong 2 năm, Ghosn đã giúp Renault tiết kiệm được 20 tỷ franc bằng cách đóng cửa nhà máy ở Bỉ, cắt giảm hơn 3.000 công nhân, cắt hợp đồng với các nhà cung cấp quá đắt dù họ là bạn hàng lâu năm. Nhờ biện pháp siết chặt đó của Ghosn mà Renault dần dần được hồi sinh, trở thành một trong những hãng ô tô lớn nhất thế giới. Từ đây, Ghosn bắt đầu nổi tiếng với danh hiệu “kẻ hủy diệt chi phí”.
Tin tưởng tài năng của Ghosn, năm 1999, Schweitzer đã đầu tư 7 tỷ USD vào Nissan và chỉ định Ghosn vào vị trí CEO mới của Nissan, trong bối cảnh công ty này đang gánh khoản nợ 20 tỷ USD sau 8 năm liên tục thua lỗ. Trở ngại lớn nhất lúc đó của Nissan là có một bộ máy quá cồng kềnh, với cơ cấu nhiều công ty mẹ - công ty con. Ghosn bắt đầu kế hoạch chấn hưng Nissan bằng việc đóng cửa 5 nhà máy, giảm chi phí mua bán xuống chỉ còn 20%, sa thải 14% trong tổng số nhân viên của Nissan. Chỉ trong vài tháng, Ghosn đã vực dậy được Nissan, và hai năm sau đó biến Nissan thành công ty sản xuất ô tô có lãi cao nhất thế giới.
Mặc dù bị chỉ trích bởi những hành động mạnh tay, đi ngược với truyền thống của Nhật, Ghosn luôn biết cách tạo ra một bầu không khí làm việc hết sức dễ chịu giữa lãnh đạo và nhân viên trong công ty. Ông nói chuyện với các nhân viên bằng tiếng Nhật, luôn tìm cách động viên, giúp đỡ họ và không bao giờ áp đặt ý kiến.
“Luôn luôn lắng nghe và hãy giải thích cho mọi người rõ lý do, cũng như kết quả của mỗi sự thay đổi. Khi nhân viên của bạn đã thông hiểu, họ sẽ hỗ trợ bạn hết mình”, Ghosn chia sẻ.
Kỳ tích “giải cứu Nissan” của Carlos Ghosn đã khiến ông trở thành người hùng của nước Nhật và được đưa vào làm nhân vật chính trong một bộ truyện tranh 7 phần bán rất chạy tại nước này. Hy vọng thời gian tới, Ghosn sẽ còn tiếp tục làm nên những kỳ tích mới cho xứ Phù Tang!