Cấp trưởng vắng, cấp phó phải ra hầu tòa

Những vấn đề bất cập của Luật Tố tụng hành chính 2010 được đại biểu Quốc hội chỉ ra tại khuôn khổ phiên thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) tại Hội trường Ba Đình hôm nay (23/6).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng).

Thảo luận về dự án luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Trung Thu (tỉnh Long An) nêu lên 1 thực tế đáng quan ngại là việc có nhiều vụ kiện hành chính, đơn kiện hành chính khi xét xử thường, bên bị kiện thường có đơn xin xét xử vắng mặt, thậm chí vắng mặt cả trong những phiên đối thoại hay là trong buổi lấy lời khai của tòa án.

Theo đại biểu Thu, việc vắng mặt của bên bị kiện là cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước đã làm cho quá trình xét xử gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn thẩm vấn. Hội đồng xét xử cũng như bên đi kiện không có cơ hội để làm sáng tỏ những tình tiết quan trọng mà nếu những tình tiết này qua thẩm vấn được sáng tỏ thì có thể làm thay đổi hoàn toàn bản chất vụ việc và kết quả của phiên tòa đạt được kết luận, sự thật khách quan được chứng minh, đem đến sự công bằng và hạn chế sự sai sót.

“Pháp luật hiện hành, đặc biệt là trong Hiến pháp quy định nguyên tắc tranh tụng, xét xử, nếu thiếu 1 bên trong phiên tòa thì nguyên tắc tranh tụng đã bị khiếm khuyết, tòa không thể nào thực hiện việc tranh tụng khi không có đối tượng để tranh tụng. Vì vậy, riêng đối với chủ thể là cơ quan tổ chức hành chính nhà nước, theo tôi, phải có những quy định hợp lý và nghiêm ngặt hơn để buộc các cơ quan, tổ chức này phải tuân thủ pháp luật, phải tuân thủ các quy định về nhiệm vụ và nghĩa vụ tham gia tố tụng hành chính. Luật phải có thêm quy định, nếu bên bị kiện vắng mặt thì có thể phải chịu thiệt hại trong tố tụng và mất quyền phản đối đối với những chứng cứ, tình tiết mà bên kia đưa ra hoặc đã có trong hồ sơ”…

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, quy định bắt buộc có người ủy quyền tham gia phiên tòa hết sức quan trọng.

“Các đồng chí lãnh đạo rất nhiều việc, cho nên có thể đi vắng, đi công tác, để có thể ủy quyền nhưng tôi cho rằng phải ủy quyền cho người có trách nhiệm, chứ còn ủy quyền xong lại đi xin phép thì không được. Theo tôi, tôi đồng ý với quan điểm của đại biểu Nghĩa là ủy quyền cho cấp phó, bởi cấp phó mà không biết nữa thì thôi làm phó làm gì, cho nên phó phải nắm chắc được công việc, bây giờ lại bảo phó không biết cho nên không làm được. Vấn đề này phải giao cho người có trách nhiệm thay mặt cho trưởng để quyết định vấn đề, chứ không được nói tôi ở đây, phiên tòa này và tôi xin phép về hỏi sếp rồi trả lời thì không được. Người ủy quyền phải đưa ra những bằng chứng công khai tại phiên tòa mà tranh tụng với người dân trực tiếp. Tôi thấy thiết kế theo hướng đó để khẳng định người được ủy quyền phải là người có trách nhiệm và từ đầu đến cuối. Chứ không ủy quyền, sau đó lại phải đi xin phép, tôi không đồng tình với quan điểm đó. Theo tôi phải ủy quyền cho người có trách nhiệm mà là cấp phó ra hầu tòa”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.

Về vấn đề mở rộng thẩm quyền giải quyết các vụ kiện hành chính của tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Thành Bộ (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, quy định như Khoản 4 điều 34 về thẩm quyền xét xử cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử khiếu kiện sơ thẩm quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện là phù hợp. Nguyên nhân thứ nhất là vì án hành chính là loại án mới so với các loại án khác, số lượng án ít, có những tòa án cấp huyện chưa từng xét xử vụ án hành chính nào. Vì vậy thẩm phán cấp huyện chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý vụ án hành chính; Mặt khác, trong thực tế, các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện phần lớn trong lĩnh vực quản lý đất đai. Đây là lĩnh vực khó, yêu cầu thẩm phán chuyên sâu.

“Thực tế hiệu quả giải quyết vụ án hành chính trong những năm qua chưa cao; Mặc dù số lượng vụ án hành chính do tòa án cấp huyện giải quyết không nhiều nhưng số vụ án hành chính phải hủy, sửa lại cao; Trong đó có nguyên nhân thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện còn e ngại, nể nang khi phải tuyên xử quyết định, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp huyện. Thực tế hiện nay, có nhiều nơi, UBND cấp huyện coi tòa án nhân dân cấp huyện như 1 phòng, ban chuyên môn. Điều này thực sự ảnh hưởng rất nhiều đến vị thế, sự xét xử độc lập của tòa án như Hiến pháp và pháp luật quy định”, đại biểu Nguyễn Thành Bộ nói.

Đại biểu Phạm Văn Hà (tỉnh Nghệ An) – Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An góp ý 2 vấn đề. Một là, Luật tố tụng hành chính năm 2010 được xây dựng trong bối cảnh khi đó chúng ta có định hướng xây dựng tòa án sơ thẩm khu vực. Nhưng từ đó đến nay, qua thực tiễn thực hiện luật này, có nhiều vướng mắc về thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các khiếu kiện về hành chính của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Việc mở rộng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là phù hợp bởi qua thực tế giao cho tòa án cấp huyện giải quyết những quyết định loại này thấy đều bị cấp phúc thẩm sửa, hủy để giải quyết lại. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng đó là các quyết định liên quan đến đất đai đều là loại việc khó, phức tạp. Trong khi đó Thẩm phán Tòa án cấp huyện lại không có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu và Tòa hành chính là tòa chuyên trách giải quyết xét xử các loại án này nhưng theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa hành chính chỉ có ở Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tòa án nhân dân cấp cao, tòa án cấp huyện không có.

“Trong trường hợp Quốc hội còn băn khoăn, trăn trở, tôi đề nghị Quốc hội nên để cho người dân được quyền lựa chọn tòa án để giải quyết. Theo tôi, nếu Quốc hội đang còn băn khoăn, trăn trở về việc giao cho tòa án cấp tỉnh giải quyết loại khiếu kiện này thì tôi kiến nghị với Quốc hội, bởi vì Hiến pháp của chúng ta rất tôn trọng quyền con người, quyền công dân, vì thế nên để cho người dân được quyền lựa chọn tòa án giải quyết theo trình tự sơ thẩm đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, theo đó nếu người dân khởi kiện không yên tâm tin tưởng vào Tòa án nhân dân cấp huyện thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh để yêu cầu giải quyết theo trình tự sơ thẩm, đó cũng là thể hiện bản chất của nhà nước ta là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, đại biểu Phạm Văn Hà nói.

Tin bài liên quan