Cấp thiết mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành

0:00 / 0:00
0:00
Sức ép của việc nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành từ 4 làn xe lên 8 - 10 làn xe đang lớn dần, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 2 năm nữa, sân bay Long Thành sẽ được đưa vào khai thác.
Lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng cao.

Lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng cao.

Chỉ dẫn mới

“Chúng tôi sẽ khẩn trương bắt tay lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành thuộc tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ngay sau khi có quyết định chính thức từ cấp có thẩm quyền”, một lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết.

VEC chính là nhà đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành dài 55 km, quy mô 4 làn xe. Tuyến cao tốc này được đưa vào khai thác từ giữa năm 2016 và theo phương án tài chính, thì vẫn còn khoảng 15 năm thu phí hoàn vốn.

Trước đó, trong Thông báo số 200/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành thuộc Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được tổ chức hôm 3/5/2024, lãnh đạo Chính phủ khẳng định, việc mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành là vấn đề cấp thiết để đồng bộ các công trình hạ tầng giao thông trong khu vực.

Tuy nhiên, việc triển khai nhiệm vụ nói trên trong thời gian qua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan liên quan còn chậm, chưa có kết quả cụ thể. Chính vì vậy, nhiệm vụ quan trọng thời điểm này là sớm lựa chọn phương án đầu tư phù hợp nhất để triển khai các bước tiếp theo.

“Trước mắt, đồng ý giao VEC lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định”, Thông báo số 200 nêu rõ.

Cụ thể, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý các cơ quan liên quan cần nghiên cứu phương án nguồn vốn hỗn hợp, trong đó, VEC thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư công trình; ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công; quy mô đầu tư cần thực hiện theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (10 làn xe).

Bên cạnh đó, Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án phải khẳng định rõ 3 vấn đề để bảo đảm an toàn, khả thi về phương án tài chính, gồm: tăng vốn điều lệ cho VEC; khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu Bộ Tài chính đã ứng trả nợ; hòa chung dòng tiền 5 dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành). Trong Dự án đầu tư, làm rõ mối quan hệ của phương án tài chính đối với 4 dự án còn lại.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ đạo VEC trong thời gian tối đa 3 tháng phải hoàn thành các nội dung là điều kiện để xem xét giao VEC làm chủ đầu tư; trong thời gian tối đa 6 tháng phải hoàn thành, trình Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

“Tuyệt đối không để việc vướng mắc trong xử lý các vấn đề của VEC làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Dự án”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý.

Rút ngắn tiến độ

Theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây liên tục tăng cao (trung bình 11,12%/năm). Đặc biệt, phân đoạn TP.HCM - Long Thành (Km0 - Km25+920) dự báo lưu lượng đến năm 2025 khoảng 72.254 CPU/ngày đêm, vượt 25% so với năng lực thông hành với quy mô 4 làn xe hiện hữu.

Được biết, trong thời gian vừa qua, VEC đã nghiên cứu đề xuất 2 phương án nâng cấp mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành.

Phương án 1, VEC là chủ đầu tư (thực hiện triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư) Dự án Đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành.

Đoạn tuyến cao tốc thuộc Dự án có phạm vi xây dựng từ Km4+00 đến Km25+920 với tổng chiều dài 21,92 km sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng 10 làn xe (hiện tại đã giải phóng mặt bằng đảm bảo diện tích thực hiện mở rộng 8 làn xe), trong đó 2 vị trí cầu (Sông Tắc - Km10+436, cầu trong nút giao đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tại Km24+646) đầu tư mở rộng hoàn chỉnh theo quy hoạch 10 làn xe; xây dựng thêm 1 đơn nguyên cầu Long Thành quy mô như cầu Long Thành hiện tại (4 làn xe).

Phương án này sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu giao thông trên tuyến đến năm 2035 (lưu lượng khoảng 114.315 CPU/ngày đêm). Tổng mức đầu tư theo phương án 1 là 14.339,50 tỷ đồng, bao gồm 4.639,50 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của VEC (32%); vốn vay thương mại 9.700 tỷ đồng (68%). Dự án sẽ thực hiện chuẩn bị đầu tư từ tháng 3/2024 đến tháng 2/2025; thực hiện đầu tư từ tháng 3/2025 đến tháng 6/2028.

Phương án 2, Bộ GTVT đóng vai trò là cơ quan chủ quản, VEC là chủ đầu tư Dự án (thực hiện triển khai phương án đầu tư theo Luật Đầu tư công). Phạm vi thực hiện giữ nguyên như phương án 1, nhưng đoạn Km4 - Km8+770 sẽ được đầu tư theo quy mô 8 làn xe, đoạn Km8 - Km25+990 đầu tư 10 làn xe. Dự án vẫn đầu tư xây dựng 1 đơn nguyên quy mô như cầu Long Thành hiện tại; thực hiện giải phóng mặt bằng toàn đoạn tuyến 10 làn xe.

Với phương án này, tổng mức đầu tư Dự án là 15.628,83 tỷ đồng, bao gồm 9.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (58% tổng mức đầu tư); vốn do VEC huy động là 6.628,83 tỷ đồng (42%).

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong quá trình nghiên cứu, VEC đề xuất triển khai Dự án Đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành từ năm 2024 đến năm 2028. Tuy nhiên, do tính cấp bách của công trình, việc rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư Dự án là cần thiết và có cơ sở thực hiện.

“Nếu được sự hỗ trợ của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành, có thể rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư và lập/phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công/tổng dự toán, qua đó giúp đưa công trình vào khai thác sử dụng trong tháng 12/2027 (rút ngắn 6 tháng so với đề xuất của VEC)”, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết.

Tin bài liên quan